(HBĐT) - Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch) hay còn gọi là Lễ hội Đền Hùng diễn ra tại Đền Hùng, thành phố Việt Trì (Phú Thọ). Đây là ngày hội truyền thống nhằm giáo dục truyền thống yêu nước "Uống nước nhớ nguồn”, biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân đã kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước, biết ơn những vị vua đầu tiên của dân tộc Đại Việt, được nhân dân ta ở trong nước cũng như ở nước ngoài thành kính kỷ niệm.


Từ xa xưa, trong dân gian đã truyền tụng rằng:

"Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba”

Câu ca dao đậm đà tình nghĩa đã đi vào lòng mỗi người dân Việt Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hàng ngàn năm nay, Đền Hùng - nơi cội nguồn của dân tộc, của đất nước luôn là biểu tượng tôn kính, linh nghiêm quy tụ và gắn bó với dân tộc Việt Nam.

Sử cũ ghi rằng, ông vua đầu tiên ở nước ta họ Hồng Bàng là Kinh Dương Vương truyền ngôi cho con trai là Sùng Lãm tức Lạc Long Quân. Ông lấy bà Âu Cơ sinh hạ được 100 người con trai, 50 người con theo mẹ lên núi và 50 người con theo cha xuống biển để lập cơ nghiệp dài lâu. Con trai trưởng được Lạc Long Quân phong làm Vua nước ta, lấy hiệu là Hùng Vương.

Vua đặt tên nước là Văn Lang lấy đất Phong Châu (Phú Thọ) làm thủ phủ. Vua quan đều cha truyền con nối qua 88 đời, nhưng lịch sử ghi lại được 18 đời vua Hùng, vua thứ nhất là Kinh Dương Vương tên thật là Lộc Tục và Vua Hùng cuối cùng (thứ 18) là Hùng Tuyên Vương tên thật là Huệ Lang, các đời Vua Hùng trị vì nước ta lâu nhất khoảng hơn 2000 năm.

Theo truyền thống từ thời nhà Đinh, Tiền Lê, nhà Lý, nhà Trần rồi đến nhà Hậu Lê và các triều đại phong kiến sau này đều tổ chức cúng lễ để tưởng nhớ đấng Thánh Tổ nước Nam xưa và ngày nay đã trở thành ngày Quốc lễ của Việt Nam và lấy ngày 10/3 âm lịch hàng năm để tổ chức.


Các hoạt động văn hóa tín ngưỡng trong dịp giỗ Tổ hàng năm được đông đảo du khách hưởng ứng. 

Từ năm 2007, Nhà nước ta đã chính thức quy định ngày nghỉ lễ giỗ Tổ Hùng Vương và UNESCO đã chính thức công nhận "Tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng" là kiệt tác truyền khẩu phi vật thể của nhân loại đại diện cho nhân loại.

Nhà nước ta đã giao cho UBND Tỉnh Phú Thọ chủ trì giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm vào ngày 10/3 âm lịch. Trong dịp này, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội thường về dự lễ dâng hương cùng với các đại biểu của các cơ quan của Nhà nước, Bộ, ban, ngành và các địa phương trong cả nước cùng với nhân dân, đồng bào cả nước về dự lễ hội. Bên cạnh đó, rất nhiều hoạt động văn hoá, thể thao sôi nổi mang đậm bản sắc dân tộc được tổ chức tại đây trong dịp này.

Ngày 10/3 âm lịch hàng năm đã trở thành ngày Quốc giỗ và cả nước được nghỉ lễ. Khắp các địa phương từ Bắc vào Nam đến các làng bản xa xôi đều long trọng hưởng ứng ngày Quốc Giỗ.

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm nay được tổ chức từ ngày 1 - 10/3 âm lịch (tức từ ngày 5 - 14/4) với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao diễn ra tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng và TP Việt Trì. Trong đó, chương trình khai hội được tổ chức ngày 8/3 âm lịch (tức ngày 12/4).

Trong chương trình, phần lễ gồm: Lễ Giỗ đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và Lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ ngày 6/3 âm lịch; Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng ngày 10/3 âm lịch; Lễ dâng hoa tại Bức phù điêu "Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân tiên phong”; Lễ rước kiệu về Đền Hùng do các xã, phường, thị trấn vùng ven di tích tổ chức; Lễ dâng hương tại các di tích thờ Hùng Vương, các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương và tại các gia đình người dân trên địa bàn tỉnh ngày 10/3 âm lịch. Năm nay, từ ngày 1- 5/3 diễn ra Lễ dâng hương của các huyện, thành, thị về Đền Hùng.

Các hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức trải dài từ Khu di tích lịch sử Đền Hùng đến TP Việt Trì như: Hội trại văn hóa của các huyện, thành, thị trong tỉnh và tổ chức trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của tỉnh Phú Thọ; Liên hoan văn nghệ quần chúng và dân ca Phú Thọ tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng; Trưng bày hoa, cây cảnh tại thành phố Việt Trì; tổ chức ngày Hội sách Đất Tổ; Hội thi gói bánh chưng, giã bánh giầy tỉnh Phú Thọ mở rộng; Hội chợ Thương mại và giới thiệu sản phẩm các vùng miền năm 2019 tại thành phố Việt Trì; Hội thi bơi Chải truyền thống trên sông Lô; Các hoạt động thể dục, thể thao và trò chơi dân gian truyền thống như bóng chuyền nam, cờ tướng, vật dân tộc, đẩy gậy, bắn nỏ; Khai mạc giải bóng đá phong trào tỉnh Phú Thọ; Giải bóng chuyền các đội mạnh cúp Hùng Vương. Giải Quần vợt truyền thống Cúp Hùng Vương; các chương trình biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp của các địa phương tham gia tổ chức Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Kỷ Hợi - 2019…Trong chương trình Khai mạc Lễ hội Đền Hùng năm 2019 sau Lễ hội văn hóa dân gian đường phố và chương trình nghệ thuật sẽ tổ chức bắn pháo hoa…


P.V


Các tin khác


Ấn tượng Lễ hội đền Bồng Lai

(HBĐT) - Hàng năm, vào ngày 2/2 âm lịch, tại thị trấn Cao Phong (Cao Phong) diễn ra Lễ hội đền Bồng Lai. Lễ hội diễn ra nghi lễ rước Cô Đôi Thượng Ngàn đi tuần du từ đền Bồng Lai sang đền Đông Sơn và các hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc. Lễ hội thu hút hàng nghìn du khách tham dự.

Lễ hội Hoa ban 2019: Đưa hoa ban trở thành biểu trưng cho đất và người Điện Biên

Tối 16/3, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên đã khai mạc Lễ hội Hoa ban lần thứ VI năm 2019. Đây là sự kiện chào mừng Kỷ niệm 65 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2019), 110 năm thành lập tỉnh (28/6/1909-28/6/2019) và 70 năm thành lập Đảng bộ tỉnh (10/10/1949-10/10/2019).

Ấn tượng đặc biệt lễ hội đường phố tại Buôn Ma Thuột

Lễ hội đường phố diễn ra đã thu hút hàng nghìn du khách và người dân cùng đến tham gia.

Tỉnh Cao Bằng lần đầu tiên tổ chức Lễ hội về nguồn Pác Bó

Lễ hội sẽ diễn ra nhiều hoạt động như lễ rước nước, dâng nước tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Pác Bó, biểu diễn văn hóa văn nghệ dân gian, thi làm bánh, thi làm hương...

Lễ hội "Hoa hồng Bulgaria 2019" sẽ diễn ra đầu tháng 3

Lễ hội "Hoa hồng Bulgaria 2019", dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 2 - 4/3/2019 tại Trung tâm thông tin Văn hóa Hồ Gươm, số 2 Lê Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Lễ hội cầu ngư Đà Nẵng là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Lễ hội cầu ngư Đà Nẵng và nghi lễ trao bằng chứng nhận Lễ hội là Di sản phi vật thể quốc gia đã diễn ra tại bờ biển đường Nguyễn Tất Thành (quận Thanh Khê, Tp. Đà Nẵng).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục