Lễ cưới truyền thống của dân tộc PaCô. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)
Thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 24/6 cho biết
Ngày Hội Gia đình Việt Nam năm 2019 sẽ diễn ra từ ngày 28-30/6 tại Trung tâm
Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (số 2 Hoa Lư, Hà Nội).
Đây là hoạt động nhằm hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam năm 2019 với
chủ đề "Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia
đình.”
Trong khuôn khổ ngày hội sẽ diễn ra nhiều hoạt động tôn vinh các
giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam, là dịp để các gia đình giao lưu,
chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình văn hóa, hướng tới sự phát triển bền vững
của gia đình Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.
Cụ thể, Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam và Bảo
tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam phối hợp thực hiện trưng bày chuyên đề "Lễ cưới
truyền thống của các dân tộc Việt Nam,” giới thiệu tới công chúng các nghi lễ độc
đáo trong lễ cưới truyền thống các dân tộc vẫn lưu giữ được đến ngày nay.
Trong đó có hát Páo Dung, lễ buộc dây tơ hồng dân tộc Dao đỏ; lễ
trao vòng cầu hôn của cô gái Êđê đi hỏi chồng; lễ Tằng cẩu trong
đán cưới của người Thái đen; lễ dâng tấm vải ướt khô trong đám cưới truyền thống
của dân tộc Tày; lễ đón rể, lễ trả áo (dân tộc Chăm); lễ buộc chỉ cổ tay đám cưới
của dân tộc Khmer; lễ nộp cheo (dân tộc Kinh).
Ban Tổ chức cũng giới thiệu tới công chúng các khâu chuẩn bị lễ cưới như
trang phục, trang sức, vật dụng trong nhà, thiệp mời, giấy hôn thú, âm nhạc, ẩm
thực…
Qua đó, Ban tổ chức lần nữa khẳng định lễ cưới là một trong những
sinh hoạt văn hóa truyền thống, chứa đựng giá trị về văn hóa, lịch sử và giáo dục,
góp phần làm phong phú thêm những dòng chảy văn hóa của các tộc người trong cộng
đồng các dân tộc Việt Nam.
Đám cưới là khởi nguồn cho một gia đình hạnh phúc, nơi các thành
viên trong gia đình sẻ chia, là điểm tựa yêu thương của mỗi người trong suốt cuộc
đời.
Trong khuôn khổ ngày hội còn diễn ra trưng bày chuyên đề "Bờ vai ấm
áp” gồm 20 câu chuyện cá nhân dung dị, xúc động về vai trò của người đàn ông
trong gia đình.
Với sự kết hợp giữa các bài viết, phỏng vấn, hình ảnh và hiện vật,
"Bờ vai ấm áp” tập trung vào 3 chủ đề: "Điểm tựa yêu thương;” "Cùng con trưởng
thành” và "Điều con muốn nói với cha.”
Ban Tổ chức mong muốn tạo ra sự kết nối giữa triển lãm với ký ức
người xem, tương tác giúp người xem nhìn nhận lại vai trò của người đàn ông,
tình cha con và điều chỉnh hành vi để củng cố, phát triển tình cảm cha con,
tình cảm gia đình…
Vụ Thư viện và Thư viện Quốc gia Việt Nam giới thiệu 500 đầu sách,
ấn phẩm về văn hóa ứng xử trong gia đình, Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, bảo
vệ trẻ em.
Ban tổ chức cũng trưng bày 60 tranh cổ động chủ đề "Trách nhiệm của
gia đình trong phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em,” trong đó có các tác phẩm
đoạt giải, chất lượng cao tham gia cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền
phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động.
Ngoài ra trong khuôn khổ ngày hội còn có khu trưng bày tài liệu
truyền thông chủ đề "Vì cuộc sống an toàn cho trẻ em” gồm tài liệu truyền
thông, ấn phẩm, tờ rơi hướng dẫn các kỹ năng phòng chống bạo lực và xâm hại trẻ
em; giới thiệu Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 do Cục Trẻ em, Bộ
Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện.
Phần trưng bày "Sản phẩm tinh hoa gia tộc nghề và làng nghề truyền
thống Việt Nam” giới thiệu sản phẩm tinh hoa của các dòng họ làm nghề truyền thống
nổi tiếng. Phần này nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống, tinh thần
cần cù lao động, sáng tạo trong các gia đình, dòng họ cha truyền, con nối làm
nghề truyền thống.
Trong khuôn khổ hoạt động của Ngày hội Gia
đình Việt Nam năm 2019 diễn ra nhiều hoạt động khác nghĩa tôn
vinh gia đình Việt Nam; lễ trao tặng bảng vàng "Gia đình doanh nhân tiêu biểu -
ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền và "Biểu dương gia đình trẻ tiêu biểu lập
thân, lập nghiệp”; chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật…/.
TheoVietnamplus