Cán bộ, đảng viên huyện Lạc Sơn trao đổi đóng góp vào nội dung các văn kiện đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020- 2025.
Kết quả, hầu hết các ý kiến đều đánh giá cao việc chuẩn bị nội dung dự thảo, cho rằng dự thảo có kết cấu, bố cục hợp lý, lối trình bày chặt chẽ, logic, chủ đề phản ánh khá đầy đủ các nội dung của báo cáo.
Góp ý về nội dung, các ý kiến đều nhất trí: Nội dung dự thảo được xây dựng chất lượng, đánh giá toàn diện, sâu sắc, sát thực những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua; phân tích, làm rõ những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; trên cơ sở đó, xây dựng các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong nhiệm kỳ tới phù hợp với điều kiện thực tế và định hướng phát triển chung của tỉnh. Tuy nhiên, đi sâu vào từng nội dung, lĩnh vực cụ thể, có những ý kiến đóng góp như sau:
Tại Mục 3 - Lãnh đạo thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược: Đề nghị đánh giá cụ thể hơn về chất lượng nguồn nhân lực so với nhiệm kỳ trước; thành tựu, hạn chế của công tác tuyển dụng công chức, viên chức; công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao và chính sách thu hút, đãi ngộ. Một số ý kiến cho rằng, nội dung đánh giá về đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ cần phải thể hiện rõ vai trò lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh; còn nội dung đánh giá tái cơ cấu nền kinh tế mới chỉ đánh giá đến vấn đề tái cơ cấu tổ chức, quản lý nền kinh tế, quản lý doanh nghiệp Nhà nước, cơ cấu tổ chức tín dụng, mà chưa đánh giá đến cơ cấu quan hệ sản xuất, cơ cấu vùng, ngành, cơ cấu theo thành phần kinh tế...
Về nội dung "phát triển vùng động lực kinh tế": Đề nghị đánh giá về hoạt động của các doanh nghiệp trong vùng động lực đã tạo việc làm cho bao nhiêu người lao động trong tỉnh, để thấy rõ hơn vai trò của vùng động lực trong giải quyết việc làm cho người lao động.
Về nội dung "Lãnh đạo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ văn hóa, xã hội": Đề nghị bổ sung số liệu học sinh tốt nghiệp THPT trúng tuyển vào đại học, cao đẳng và đoạt giải học sinh giỏi quốc gia hàng năm; đánh giá bổ sung kết quả hoạt động dạy nghề, đào tạo nguồn lao động chất lượng cao của tỉnh. Nhiều ý kiến đề nghị nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng văn hóa, con người Hòa Bình.
Về nội dung "Thúc đẩy ứng dụng KH&CN, đổi mới sáng tạo": Đề nghị nêu một số điển hình để minh chứng cho các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, việc gắn KH&CN với sản xuất, kinh doanh; cần đánh giá rõ sự tác động của đổi mới công nghệ trong đổi mới mô hình tăng trưởng, mức độ gắn kết các hoạt động KH&CN với phong trào khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo.
Tại phần B - Khuyết điểm, hạn chế và nguyên nhân: Đảng bộ huyện Lạc Sơn đóng góp thêm một số nội dung nhìn nhận những hạn chế trong lĩnh vực kinh tế: Vùng động lực phát triển chưa rõ nét, chưa thực sự là đầu tàu dẫn dắt nền kinh tế của tỉnh; nhiều nơi vẫn còn tính trông chờ, ỷ lại; chất lượng lao động chưa cao; HTX nông nghiệp hoạt động khó khăn; chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước về nông nghiệp và dịch vụ kỹ thuật chưa cao, chưa sâu, chưa thật sự trở thành mũi nhọn để thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp...
Riêng về những hạn chế trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể CT-XH: Có ý kiến cho rằng, công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng trong xã hội, trong Nhân dân nhiều nơi còn hình thức, chưa đi vào thực chất, nhiều nội dung chưa được truyền tải đến với Nhân dân một cách kịp thời; một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức khối chính quyền còn yếu kém về đạo đức, năng lực chuyên môn cần được sàng lọc, xử lý; công tác dân vận của chính quyền các cấp chưa mạnh, có nơi còn quan liêu, sách nhiễu, gây bất bình; tại một số nơi, cán bộ, đảng viên không sâu sát, không kịp thời nắm tâm tư, nguyện vọng, giải quyết những vấn đề cấp thiết, bức xúc của Nhân dân...
Đảng bộ huyện Lạc Sơn cũng có những ý kiến đóng góp thiết thực vào PHẦN THỨ HAI - Mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhiệm kỳ 2020 - 2025: Tại phần II - Mục tiêu tổng quát, đề nghị sửa câu "huy động tối đa mọi nguồn lực” thành "sử dụng có hiệu quả các nguồn lực”; đề nghị bổ sung câu "bảo vệ môi trường sinh thái” vào sau câu "…giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”. Tại phần B - Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, có ý kiến cho rằng cần bổ sung nội dung "Chủ động, tích cực, có lộ trình nhằm ứng dụng có hiệu quả những thành tựu cơ bản, thiết thực của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao” vào nhiệm vụ, giải pháp đột phá.
Khánh An (TH)