(HBĐT) - Qua nghiên cứu dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, chúng tôi cơ bản nhất trí với các nội dung của dự thảo báo cáo, đặc biệt là nội dung các đột phá chiến lược và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong nhiệm kỳ 2020-2025. Phần này đã đưa ra định hướng hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, cải cách hành chính, phát triển các thành phần kinh tế, doanh nghiệp (DN)…
Trong đó định hướng triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo; hỗ trợ hình thành và phát triển DN, DN đổi mới, sáng tạo và DN khoa học công nghệ… Tiếp tục hoàn thiện cơ chế khuyến khích DN sử dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường trong hoạt động SX-KD; thu hút, liên kết với các trung tâm đổi mới, sáng tạo, công nghệ, các tập đoàn công nghệ lớn trong và ngoài nước. Đây là chủ trương rất đúng và trúng.
Từ thực tế hoạt động của các DN trong lĩnh vực nông nghiệp và xu thế phát triển tất yếu của nền nông nghiệp bền vững của đất nước, tôi xin đề xuất, đóng góp vào dự thảo văn kiện một số ý kiến sau: Các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước phải được vận dụng cụ thể, linh hoạt vào điều kiện cụ thể, hỗ trợ thiết thực cho các DN khởi nghiệp, giảm phiền hà, chi phí cho DN, nhà đầu tư, tạo điều kiện cho các DN tiên phong đổi mới, sáng tạo, phát triển bền vững. Những năm tới phát triển kinh tế tuần hoàn, phát triển nông nghiệp bền vững là xu thế tất yếu. Gần đây đã xuất hiện một số mô hình mới hướng đến gần hơn với kinh tế tuần hoàn, như mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Ninh Bình, Cần Thơ, Đà Nẵng, giúp tiết kiệm 6,5 triệu USD/năm; mô hình chế biến phụ phẩm thủy sản; liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO). Các điển hình này khi được tổng kết, đánh giá dựa trên những nguyên tắc, tiêu chí cơ bản sẽ góp phần bổ sung, hoàn thiện về kinh tế tuần hoàn cho Việt Nam.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất hiện nay là các DN còn hạn chế về năng lực công nghệ tái chế, tái sử dụng, người dân và DN còn thói quen cố hữu trong sản xuất, tiêu dùng đối với sản phẩm gây ô nhiễm môi trường. Để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, hình thành hành lang pháp lý minh bạch, ổn định, môi trường kinh doanh và đầu tư thông thoáng, thuận lợi đối với kinh tế tuần hoàn; DN là động lực quan trọng, tổ chức xã hội, nghề nghiệp và người dân tham gia thực hiện.
Nhà nước cũng cần có khuôn khổ pháp lý cho "đổi mới - sáng tạo” không còn là các cuộc vận động mà là "đổi mới - sáng tạo” cần có địa vị pháp lý rõ ràng; bởi vì để hỗ trợ phát triển được nền kinh tế tuần hoàn thì "đổi mới - sáng tạo” giữ vai trò rất quan trọng trong việc thay đổi các thiết chế cứng nhắc, lỗi thời. Bên cạnh đó, đề ra lộ trình tiếp thu thực hiện các nội dung khác của kinh tế tuần hoàn như khuyến khích năng lượng tái tạo, quay vòng tuần hoàn trả lại hữu cơ cho đất, chống đốt rơm rạ, đốt nương rẫy, thúc đẩy sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, hoàn thiện, phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Chúng tôi đề nghị cần đưa chủ trương thúc đẩy kinh tế tuần hoàn vào nghị quyết của Đảng và đề nghị Quốc hội ban hành luật thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, có chính sách khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn trong cộng đồng dân cư, DN; xác định rõ ràng trong việc thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn thì DN đóng vai trò trung tâm làm hạt nhân nòng cốt.