(HBĐT) - Trước tiên, tôi nhất trí cao với các nội dung trong dự thảo văn kiện và ý kiến đóng góp từ các đại hội cơ sở trong Đảng bộ tỉnh. Tôi xin được làm rõ và bổ sung vào nội dung phát triển nguồn nhân lực (NNL) như sau:
Ông Nguyễn Anh Tôn,
Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hòa Bình
Theo Liên Hợp quốc "NNL là tất cả những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, năng lực và tính sáng tạo của con người có quan hệ tới sự phát triển của mỗi cá nhân và của đất nước”. Con người được coi là một "tài nguyên đặc biệt”, một nguồn lực của sự phát triển kinh tế. Việc phát triển con người, phát triển NNL chiếm vị trí trung tâm trong hệ thống phát triển các nguồn lực. Chăm lo đầy đủ đến con người là yếu tố bảo đảm chắc chắn nhất cho sự phồn vinh, thịnh vượng của tỉnh và đất nước. Đầu tư cho con người là đầu tư có tính chiến lược, là cơ sở nền tảng cho sự phát triển bền vững.
Phát triển NNL tỉnh Hòa Bình chính là sự biến đổi về số lượng, chất lượng NNL trên các mặt thể lực, trí lực, kỹ năng, kiến thức và tinh thần, cùng với quá trình tạo ra những biến đổi tiến bộ về cơ cấu NNL. Nói một cách khái quát nhất, phát triển NNL chính là quá trình tạo lập, sử dụng năng lực toàn diện con người vì sự tiến bộ KT-XH và sự hoàn thiện bản thân mỗi con người. Như vậy, phát triển NNL với nội hàm trên đây thực chất là đề cập đến vấn đề chất lượng NNL và khía cạnh xã hội của NNL của tỉnh.
NNL chất lượng cao là khái niệm để chỉ một con người, một người lao động cụ thể có trình độ lành nghề (về chuyên môn, kỹ thuật) ứng với một ngành nghề cụ thể theo tiêu thức phân loại lao động về chuyên môn, kỹ thuật nhất định (đại học, trên đại học, cao đẳng, lao động kỹ thuật lành nghề).
NNL chất lượng cao là nguồn nhân lực phải đáp ứng được yêu cầu của thị trường (yêu cầu của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh), đó là: có kiến thức chuyên môn, kinh tế, tin học; có kỹ năng, kỹ thuật, tìm và tự tạo việc làm, làm việc an toàn, làm việc hợp tác; có thái độ, tác phong làm việc tốt, trách nhiệm với công việc. Như vậy, NNL chất lượng cao phải là những con người phát triển cả về trí lực và thể lực, khả năng lao động, tính tích cực chính trị - xã hội, đạo đức, tình cảm trong sáng.
Từ đó, tôi mạnh dạn bổ sung thêm 3 ý vào nội dung dự thảo:
Tại phần thứ nhất, phần A, mục II, điểm 3.2 - Tập trung phát triển nguồn nhân lực đảm bảo
cơ cấu hợp lý, đáp ứng nhu cầu phát triển.
"2.2 - Phát triển nguồn nhân lực:
1. Chăm lo đầu tư phát triển con người toàn diện;
2. Phát hiện, đào tạo bồi dưỡng nhân tài;
3. Chú trọng đào tạo NNL chất lượng cao".