Trần An Định
Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh
Thứ nhất: Nhiệm kỳ tới có đặt chỉ tiêu "đến năm 2025, tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch là 95%”. Theo tôi, cần cân nhắc giảm chỉ tiêu này, lý do: đến nay, tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh là 95,2%, song số hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch mới ở mức 20 - 25%. Về tên chỉ tiêu, theo tôi vẫn để là "tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch” để đảm bảo tính công bằng giữa cư dân thành thị và nông thôn đều được sử dụng nước sạch, đồng thời thể hiện ý chí quyết tâm lãnh đạo của Đảng để nông dân nông thôn được sử dụng nước sạch. Nhưng về tỷ lệ 95% cần xem xét hợp lý: Nếu mỗi năm có thêm 4 - 5 xã được cung cấp nước sạch từ những công trình cấp nước tập trung thì mới có thêm được 5 - 6 nghìn hộ, tương ứng 3,2 - 3,8% hộ được sử dụng nước sạch, ở mức này là hợp lý với khả năng tăng nguồn vốn đầu tư giai đoạn tới. Do vậy, tôi đề xuất chỉ để mức đến năm 2025 có 35% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch.
Thứ hai: 3 đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ qua tiếp tục được bổ sung thêm ý chí, quyết tâm trong nhiệm kỳ tới. Đó chính là tập trung vào cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cải cách thể chế. Trong đó, đã đề cập đến các giải pháp thúc đẩy kinh tế hộ, kinh tế tập thể và loại hình doamh nghiệp. Song theo tôi, để phát huy sức mạnh tổng thể, tương hỗ của các thành phần kinh tế này cần bổ sung nhóm giải pháp đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa hộ cá thể với HTX và doanh nghiệp thông qua hợp đồng; đồng thời, đẩy mạnh liên kết trong nội tại từng thành phần kinh tế thông qua hình thành hội, hiệp hội ngành hàng/sản phẩm/dịch vụ.
Thứ ba: Dự thảo báo cáo đã xác định nhiệm vụ, giải pháp cho từng ngành: nông nghiệp, công nghiệp, thương mại... Để phát huy sự tương trợ giữa ngành, trong giải pháp của từng ngành cần đề cập đến tính tác động phát triển của ngành khác. Ví dụ: phát triển nông nghiệp thành vùng tập trung quy mô lớn đủ cung ứng nguyên liệu cho nhà máy chế biến nông sản trong khu công nghiệp; phát triển nông sản gắn với phát triển du lịch sinh thái; đẩy mạnh phát triển du lịch kích cầu tiêu thụ nông sản đặc hữu của tỉnh... Đặc biệt, trong nhiệm vụ, giải pháp phát triển ngành nông nghiệp, theo tôi cần xây dựng các chương trình, dự án có quy mô lớn, tập trung phát triển sản phẩm chủ lực và đặc thù của tỉnh như mía tím, xạ đen, cam, bưởi… theo chuỗi giá trị mà nòng cốt là các HTX nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp chế biến.
Nhìn chung, tôi nhận thấy dự thảo đã thể hiện được quyết tâm của Đảng trong lãnh đạo phát triển toàn diện KT-XH của tỉnh trong nhiệm kỳ mới. Để cụ thể hóa nghị quyết trong thực tiễn, tôi cho rằng điều quan trọng nhất là mỗi cấp ngành, tổ chức cơ sở Đảng cần xây dựng chương trình hành động cụ thể, từng cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần quan điểm, mục tiêu chỉ đạo và cụ thể hóa nhiệm vụ, giải pháp trong thực thi nhiệm vụ. Tôi tin với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả của toàn hệ thống chính trị, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc sẽ thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Trần An Định
Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh
(HBĐT) - Sau khi nghiên cứu dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tôi nhận thấy dự thảo báo cáo được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng; nội dung có tính khái quát cao, bố cục hợp lý; văn phong rõ ràng, chặt chẽ; các biểu mẫu, chú thích, phụ lục, số liệu… đảm bảo đầy đủ, tôi không có ý kiến bổ sung hay sửa đổi.