(HBĐT) - Việt Nam là quốc gia đa dân tộc với 54 thành phần dân tộc, đã cùng đoàn kết chung sức trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong sự nghiệp đổi mới và phát triển, Đảng ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm phát triển các dân tộc thiểu số, ra sức xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc.
Nhờ nhiều chính sách đồng bộ và hiệu quả, cộng đồng các dân tộc thiểu số đã có những bước phát triển mới, hệ thống an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống đồng bào được cải thiện, tỉ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm, cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội được đầu tư phát triển, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực, giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy, an ninh trật tự trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số được tăng cường đem lại cuộc sống bình yên, tạo môi trường ổn định cho phát triển. Tuy nhiên, thực tế cho thấy mặc dù đã có sự quan tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước, nhưng đến nay các vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn là những nơi chậm phát triển nhất cả nước. Trong đó điển hình là dân tộc thiểu số vùng Tây bắc có chỉ số phát triển hạ tầng kinh tế xã hội kém nhất, tỉ lệ hộ nghèo cao nhất (22,76%) gấp gần 4 lần tỉ lệ hộ nghèo trung bình cả nước (5,97% - số liệu 2014). Điểm đáng chú ý là trong 22,76% hộ nghèo của toàn vùng thì hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần tuyệt đối. bên cạnh đó khoảng cách phát triển giữa vùng dân tộc với các vùng khác ngày càng nới rộng, điều đó có nghĩa vùng dân tộc thiểu số đang tụt hậu so với sự phát triển chung của cả nước.
Đánh giá tổng quát kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, Dự thảo báo cáo chính trị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã khẳng định kết quả đạt đươc trong nhiệm kỳ qua là những thành quả quan trọng. Đồng thời cũng đã nêu lên những hạn chế khuyết điểm và thẳng thắn chỉ rõ nguyên nhân khách quan nhất là những nguyên nhân chủ quan trong công tác lãnh đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết. Tuy nhiên, Dự thảo báo cáo chưa đề cập sâu sự phát triển KT -XH, đảm bảo quốc phòng, an ninh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số cả về phần kết quả đạt được, hạn chế yếu kém và nguyên nhân, đây là điểm cần được nghiên cứu bổ sung làm rõ để nhằm không chỉ nêu bật vai trò lãnh đạo của Đảng đối với những kết quả đạt được trong công tác dân tộc, đặc biệt chỉ rõ những hạn chế khuyết điểm yếu kém và nguyên nhân để có định hướng cho Đại hội thảo luận, quyết định nhiệm vụ trong nhiệm kỳ 2015-2020.
Định hướng chiến lược phát triển dân tộc thiểu số, Dự thảo báo cáo chính trị đã nêu Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa xã hội vùng dân tộc thiểu số, nhất là các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây duyên hải miền Trung. Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực và chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số... Đây là những định hướng hết sức đúng đắn và cần thiết tuy nhiên, Dự thảo báo cáo trình bày cô đọng mà chưa thể hiện hết các định hướng mang tính lãnh đạo đó là giải pháp phát triển trong đó có những giải pháp mang tính then chốt. Đề nghị nghiên cứu bổ sung một số định hướng đó là: Tập trung ưu tiên nguồn lực phát triển nhanh cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội, đổi mới phương thức sản xuất, cải thiện cơ hội điều kiện tiếp cận thị trường đối với hàng hóa sản xuất, xuất xứ trong vùng dân tộc thiểu số; Tăng cường và nâng cao chất lượng chính sách an sinh xã hội, trụ cột là bảo hiểm y tế toàn dân và trợ cấp xã hội cho người già và các đối tượng bảo trợ khác (những người hạn chế khả năng lao động tự nuôi sống bản thân).
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bên cạnh nét tương đồng với các vùng miền khác trong cả nước thì cũng có những sắc thái, đặc trưng riêng vốn có đó là phong tục tập quán, văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo... điều này minh chứng cho thực tiễn nhiều chủ trương, chính sách được nghiên cứu công phu, khoa học áp dụng thành công ở nhiều vùng trong nước nhưng khi triển khai trong vùng dân tộc thiểu số hiệu quả lại hạn chế thậm chí thất bại, đây là điểm rất cần quan tâm khi lãnh đạo và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật. Trên cơ sở đó, Dự thảo báo cáo cần đi sâu nghiên cứu để có các giải pháp phát triển thích hợp trên nguyên tắc: Đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa các vùng miền giữa các dân tộc; tôn trọng sự khác biệt, thống nhất phát triển trong đa dạng trên cơ sở Hiến pháp, luật; phát huy vai trò, tính chủ động hội nhập của đồng bào dân tộc thiểu số trong sự phát triển đi lên của đất nước
Nguyễn Tiến Sinh
(Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh )