Truy cập các trang facebook bán hàng đang là mối quan tâm không chỉ riêng giới trẻ, cán bộ, công chức.
Không chỉ doanh nghiệp mà nhiều cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ bắt kịp xu hướng dùng mạng xã hội quảng bá thương hiệu, tiếp thị sản phẩm có lợi thế cạnh tranh. Lên trang Facebook, Zalo dễ dàng bắt gặp hàng trăm tài khoản bán hàng trực tuyến. Mặt hàng rao bán sinh động, từ quần áo thời trang, mỹ phẩm, túi xách, giày dép, kính mắt đến đồ gia dụng, điện tử, thực phẩm…
Hòa vào mạng lưới kinh doanh trực tuyến, chị Nguyễn Thị Anh, một công chức đang làm việc tại TP Hòa Bình cũng lựa chọn Facebook để rao bán thực phẩm. Trên tài khoản Anh Nguyen, chị liên tục rao bán các loại thực phẩm "cây nhà, lá vườn” như thịt lợn gác bếp, nem chạo Ba Vì, bột sắn dây tự làm… và xem ra việc bán hàng cách này khá hữu hiệu. Chị Anh cho biết: Mình có sản phẩm cần bán thì đăng lên để mọi người biết đến, dùng thử. Như vậy quảng cáo được nhiều, lượng hàng bán chạy. Quan trọng nữa là hàng thực phẩm nên lấy về mình đăng ngay, chất lượng bảo hành, ship hàng nhanh chóng nên phản hồi từ phía khách hàng tương đối hài lòng.
Đã qua đào tạo nghề nhưng vốn yêu thích kinh doanh, chị Đỗ Huyền Trang ở TP Hòa Bình không xin đi làm trong cơ quan Nhà nước mà quyết định mở một cửa hàng thời trang nhỏ. Tuy nhiên, công việc và nguồn thu nhập chính của chị có được nhờ kinh doanh trên mạng xã hội. Tài khoản Facebook Ladyshop Boutique BoBimBụBẫm đã được lập từ năm 2015, các mẫu quần, áo thời trang, giày dép, mũ, tất kiểu dáng phong phú theo mùa, phương châm ngon - bổ - rẻ được chị Trang liên tục cập nhật theo ngày, theo giờ. Người tiêu dùng chỉ việc online là có đủ các hình ảnh, thông tin về sản phẩm. Với cách thức này, công việc kinh doanh, buôn bán của chị Trang "thuận buồm, xuôi gió” hơn khi chưa dùng mạng xã hội rất nhiều. Khách hàng cũng không cần phải đến cửa hàng xem trực tiếp.
Hiện nay, ngoài nhan nhản những thông tin bán hàng có thể tìm kiếm trên mạng xã hội, nhiều doanh nghiệp, HTX và cá nhân trên địa bàn tỉnh đã lựa chọn mạng xã hội làm kênh quảng cáo, bán hàng. Đơn cử như HTX dịch vụ nông nghiệp và thương mại Mường Động, HTX sản xuất và tiêu thụ bưởi đỏ Tân Lạc, sàn giao dịch bất động sản Dạ Hợp, tài khoản Facebook Ngọc Linh order Mỹ, tài khoản Facebook Nguyễn Hương Ngân… "Chỉ cần thao tác trên máy tính, smartphone, không mất nhiều thời gian, công đi lại, lại thuận tiện trong việc so sánh giá cả, mẫu mã mặt hàng, cách thức thanh toán linh hoạt, tôi đã được đáp ứng nhu cầu” - Đây là chia sẻ của chị Hoàng Phương Lan hiện công tác tại LĐLĐ huyện Cao Phong. Cũng theo chị Lan, trên mạng xã hội nở rộ các kênh mua sắm, hàng hóa lại vô cùng đa dạng nên không riêng những chị em có công việc bận rộn mà người người, nhà nhà đều quan tâm, lựa chọn hình thức mua sắm này.
Bên cạnh sự nở rộ và những hữu dụng đã được cả người kinh doanh và người tiêu dùng đánh giá, kênh mua sắm trực tuyến đang bộc lộ một số bất cập, người tiêu dùng nhiều khi phải đổi đi, đổi lại do không vừa size, mua phải sản phẩm lỗi, không đúng chất lượng như đã quảng cáo, tình trạng mua bán dạng lừa đảo… Trên thực tế gần đây, qua phản ánh của khách hàng về việc đặt mua trực tuyến trên một số trang Facebook cá nhân đã nhận được sản phẩm không đúng với quảng cáo, chất liệu chăn - ga - gối - đệm khác xa với những gì đã quảng cáo, đặt mua áo hàng hiệu nhưng kết quả nhận được là hàng nhái…
Theo bà Trần Ngọc Mai, Trưởng phòng Quản lý Thương mại (Sở Công Thương), hiện có hàng trăm tổ chức, cá nhân trong tỉnh lựa chọn mạng xã hội để quảng cáo, bán hàng, tuy nhiên, hình thức giao dịch thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh chưa sôi động, chủ yếu là những giao dịch mang tính chất nhỏ lẻ, hoạt động kinh doanh bán hàng không lớn. Đối với vấn đề quản lý kinh doanh bán hàng trên mạng gặp khó khăn, bất cập do người kinh doanh không đăng ký kinh doanh, không kê khai doanh thu, bán hàng chủ yếu bằng hình thức tiền trao tay, không hóa đơn. Việc rà soát cũng không dễ dàng với cả những cá nhân kinh doanh mang tính chuyên nghiệp, doanh thu lớn và cá nhân kinh doanh mang tính thời vụ. Đến thời điểm này, cơ quan chức năng chưa xây dựng chương trình kiểm tra, kiểm soát về kinh doanh thương mại điện tử. Tuy nhiên, cũng cần đưa ra một số khuyến cáo với người tiêu dùng thận trọng tránh mua phải sản phẩm "treo đầu dê, bán thịt chó”. Trước tiên là phải tìm hiểu kỹ độ uy tín của địa chỉ bán hàng (thời gian kinh doanh, nhà bảo trợ uy tín của trang web…), tìm hiểu quyền lợi của người mua hàng (cho phép khiếu nại, yêu cầu đổi trả…), tìm hiểu nhà cung cấp uy tín, đọc kỹ mô tả sản phẩm và so sánh giá, xem các đánh giá, bình luận của người mua trước. Bất cứ ai khi phát hiện việc mua sắm hàng hóa online phát hiện dấu hiệu lừa đảo đều có thể thông tin, liên lạc đến Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh để được tư vấn và khiếu nại nếu cần thiết.
Bùi Minh