Không gian mạng không còn là "ảo”
Chỉ đến khi lực lượng chức năng đọc lệnh bắt đối với Đào Quang Thực (SN 1960), nhiều người ở xóm Chúc Sơn, xã Toàn Sơn (Đà Bắc) mới "té ngửa” vì bấy lâu nay đang sống gần đối tượng có tư tưởng phản động, chống phá nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Và cũng chỉ đến lúc đấy, người ta mới biết rõ chân tướng của kẻ có tư tưởng phản động được tổ chức khủng bố "Chính phủ quốc gia lâm thời” bổ nhiệm chức vụ "Chí nguyện đoàn Hoà Bình”. Đây là tổ chức phản động, khủng bố lưu vong ở nước ngoài do Đào Minh Quân (SN 1952), quốc tịch Mỹ, thành lập năm 1991 với mục đích xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước CHXHCN Việt Nam bằng bạo động vũ trang.
Quá trình điều tra, lực lượng chức năng đã làm rõ từ năm 2015-2018, Đào Quang Thực đã lên mạng xã hội tìm hiểu và viết đơn xin gia nhập vào tổ chức phản động do Đào Minh Quân thành lập. Y đã sử dụng 2 tài khoản facebook là "Thomas Duong” sau đó đổi tên thành "Đào Tiên” rồi "Đào Tiên Sinh” và tài khoản "Đào Quang Thực” cùng hộp thư điện tử (email) để liên lạc, móc nối với nhiều đối tượng phản động trong và ngoài nước. Đồng thời đăng tải 33 bài viết, chia sẻ, bình luận, 2 status có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; tuyên truyền luận điệu phản động; truyền bá những tư tưởng phản động, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước... Tất cả các hành động, việc làm của Đào Quang Thực đã bị cơ quan chức năng của tỉnh phát hiện và nhiều lần nhắc nhở. Tuy vậy, Đào Quang Thực vẫn tiếp tục u mê, lạc lối và có nhiều hoạt động, nhiều bài viết với tư tưởng phản động, chống phá chính quyền nhân dân. Sau khi bị bắt và khám xét nơi ở của Đào Quang Thực, lực lượng chức năng đã thu giữ nhiều tài liệu phản động có liên quan đến hành vi phạm tội của y.
Ngoài Đào Quang Thực, mới đây, TAND thành phố Hoà Bình mở lại phiên toà xét xử đối với các bị cáo liên quan đến vụ sự cố y khoa xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh ngày 29/5/2017 làm 9 người tử vong thì hàng chục người ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh, thậm chí là ở nước ngoài sau khi nghe ngóng, thu nhận thông tin trên các trang mạng xã hội như facebook, zalo và một số nguồn tin trên mạng internet về vụ việc không đầy đủ, thiếu chính xác đã tự vận động thành lập các hội nhóm in hình ảnh, khẩu hiệu nhằm yêu cầu HĐXX tuyên Hoàng Công Lương vô tội và trả tự do cho bị cáo.
Nói về việc này, thẩm phán Nghiêm Hoài Anh, TAND thành phố Hoà Bình cho biết: Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, theo dõi. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra cũng như trong quá trình đưa vụ án ra xét xử, nhiều người do không nắm được thông tin, bản chất vụ án nên đã đưa những thông tin sai sự thật hoặc có những quy kết về trách nhiệm, tội phạm hay thổi phồng vụ việc trên mạng xã hội và internet gây nhiễu loạn thông tin, ảnh hưởng đến tư tưởng nhân dân và hoạt động xét xử. Đây là hành vi vi phạm pháp luật cần được xử lý...
Phải có trách nhiệm hơn khi tham gia không gian mạng
Như trên đã nói, từ ngày 1/1/2019, Luật ANM bắt đầu có hiệu lực. Theo đó, có 20 nhóm hành vi bị nghiêm cấm thực hiện trên không gian mạng. Trong số đó có cả những hành vi đã bị cấm trên mạng trước đây hoặc chỉ mới cấm ngoài đời và nay cấm cả trên mạng.
Liên quan đến vấn đề này, đồng chí Nguyễn Minh Thanh, Phó trưởng phòng CNTT - Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Trên thực tế, vấn đề đảm bảo ANM đang là lĩnh vực rất khó khăn và phức tạp. Năm 2018, trong quá trình thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực này, Sở Thông tin và Truyền thông đã phát hiện một số sự cố an toàn, ANM. Theo đó, mạng nội bộ của một số đơn vị bị tấn công và để lại dấu hiệu cảnh báo về việc tin tặc đã xâm nhập thành công vào hệ thống, chiếm được quyền điều khiển máy chủ hoặc một số máy trạm trong hệ thống, có thể lấy cắp, thay đổi, xoá dữ liệu của đơn vị, cài mã độc để theo dõi, nằm vùng... Từ thực tế trên, Sở Thông tin và Truyền thông đã hướng dẫn, triển khai đảm bảo an toàn, ANM tại các cơ quan Nhà nước. Đồng thời tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về an toàn, an ninh thông tin tới cán bộ, công chức, viên chức để có ý thức hơn trong việc sử dụng các công cụ mạng khi thực hiện công việc. Hạn chế tối đa khả năng lộ, lọt thông tin.
Cùng với đó, thời gian qua, trong quá trình thực hiện công tác quản lý Nhà nước, lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện, đấu tranh làm rõ nhiều chuyên án, vụ việc do các đối tượng hoạt động trên mạng. Điển hình như lực lượng chức năng Công an tỉnh đã xác lập, triệt phá 2 đường dây đánh bạc qua mạng với số tiền giao dịch lên đến 2,4 tỷ đồng/ngày. Trong đó, Chuyên án 71B triệt phá 1 đường dây đánh bạc qua mạng, sử dụng công nghệ cao ở thành phố Hoà Bình. Đến nay đã xác định số tiền đánh bạc khoảng 1,6 tỷ đồng với 31 đối tượng có liên quan; phá Chuyên án 218Đ, làm rõ 20 đối tượng mua bán số lô, đề tại huyện Yên Thuỷ với số tiền giao dịch lên đến 1,3 tỷ đồng. Ngoài ra, các cơ quan chức năng của tỉnh đã phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, phản bác các luận điệu sai trái, chống phá của các thế lực thù địch nhằm vào các hoạt động diễn ra trên địa bàn tỉnh, các đối tượng thuộc tổ chức khủng bố "Việt Tân” và Chính phủ Quốc gia Việt Nam lâm thời hay tuyên truyền, vận động; phản bác quan điểm, luận điệu sai trái, lệch lạc đối với những đối tượng có tư tưởng truyền bá hoạt động tiêu cực của "Hội thánh Đức chúa trời mẹ” hay các đối tượng kêu gọi ủng hộ bị cáo Đào Quang Thực trên facebook và các trang mạng xã hội...
Không thể phủ nhận những lợi ích to lớn mà mạng internet mang lại cho đời sống xã hội hiện nay. Tuy nhiên, việc sử dụng mạng xã hội như thế nào lại là cả một vấn đề. Dù có thế nào thì đối với mỗi người khi tham gia hoạt động trên không gian mạng cũng cần phải ý thức được trách nhiệm của bản thân đối với mỗi hành động, lời nói hay việc làm. Đó mới chính là điều quan trọng nhất để miễn nhiễm với những "virus độc” hay "lạc lối” với những quan điểm, nhận thức lệch lạc từ không gian mạng.
P.V