(HBĐT) - Sau thời gian đi làm ăn xa, anh B.V.L ở xóm Húng, xã Yên Phú (Lạc Sơn) trở về quê khi đã trở thành người nghiện ma túy. Mặc dù nhiều lần tự cai nghiện ở nhà và tham gia các đợt cai nghiện ở trung tâm cai nghiện của tỉnh, nhưng chỉ được một thời gian đâu lại vào đấy...
Chia sẻ về vấn đề này, anh B.V.L thẳng thắn cho biết: Không chỉ tôi mà nhiều thanh niên trong xã sau khi đi làm ăn xa không có sự quản lý, giáo dục từ gia đình. Nhiều trường hợp ở độ tuổi mới lớn, tâm lý tò mò, thích khám phá, tìm cảm giác mới lạ lại sẵn có tiền nên đã bị các đối tượng xấu dụ dỗ, sử dụng ma túy, khi tỉnh ngộ đã trở thành con nghiện lúc nào không hay.
Mặc dù nhiều lần quyết tâm và cũng từng nhiều lần tự nguyện xin đi cai nghiện tại các trung tâm cai nghiện nhưng anh B.V.L và những người chung cảnh ngộ ở xã Yên Phú chưa thể dứt khỏi ma túy. May mắn hơn nhiều người, hiện anh đã mở một hiệu cắt tóc tại nhà, tạo lập cho mình công việc có thu nhập, phần nào ổn định cuộc sống. Thời gian qua, được sự động viên của gia đình, anh B.V.L đã tham gia uống thuốc Methadone điều trị thay thế các dạng thuốc phiện. Nhờ vậy sức khỏe từng bước được cải thiện.
Theo ông Quách Văn Thỏn, Trưởng xóm Nhụn, xã Yên Phú, toàn xóm có trên 100 hộ thì có 33 người nghiện ma túy, tính ra cứ 3 hộ có 1 người nghiện ma túy. Số người nghiện ma túy ở xóm hầu hết là con em sau thời gian đi làm ăn xa trở về. Thực trạng này đã gây ra nhiều hệ lụy, tình hình phức tạp về an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Đại úy Bùi Văn Diểm, Trưởng Công an xã Yên Phú chia sẻ: Toàn xã có 1.137 hộ với trên 7.500 nhân khẩu, số người trong độ tuổi lao động chiếm trên 60%. Đời sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Những năm gần đây, do điều kiện không có đất sản xuất, nhiều thanh niên trong độ tuổi lao động đã theo nhau đi làm ăn xa, sau đó mắc tai, tệ nạn xã hội, chủ yếu là nghiện ma túy. Theo thống kê, năm 2021 trên địa bàn xã có 84 người nghiện ma túy được theo dõi quản lý, năm 2022 tăng lên 150 người. Nguyên nhân chủ yếu do dịch bệnh, không có công việc ổn định nên số người nghiện ở các địa phương khác trở về địa phương sinh sống.
Nhiều khó khăn trong công tác cai nghiện và quản lý sau cai
Thống kê của lực lượng chức năng, tính đến đầu năm 2023, toàn tỉnh có 1.661 người nghiện ma túy. Trong đó, 25 người nghiện ở trại tạm giam, nhà tạm giữ; 346 người nghiện trong các cơ sở cai nghiện. Ngoài ra, có 358 người sử dụng trái phép chất ma túy, nhiều nhất là huyện Lạc Sơn 197 người, Yên Thủy 76 người, TP Hòa Bình 28 người, Kim Bôi 20 người, Lương Sơn 13 người, Tân Lạc, Cao Phong mỗi huyện 10 người, Đà Bắc 4 người. Xuất phát từ thực tế đó, thời gian qua các cấp, ngành, địa phương đã, đang cố gắng, nỗ lực, tập trung giải quyết vấn đề cai nghiện ma túy (CNMT) và người nghiện ma túy.
Theo đồng chí Quách Thị Kiều, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, thời gian qua, việc triển khai công tác CNMT tại gia đình, cộng đồng theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy và Nghị định số 116/2021/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, do các địa phương chưa đáp ứng được cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự. Bên cạnh đó, rất khó huy động xã hội hóa các tổ chức, cá nhân, đơn vị ngoài công lập tham gia thực hiện nhiệm vụ này. Mặt khác, hầu hết cơ sở y tế ở cấp xã, huyện đủ điều kiện cung cấp dịch vụ CNMT tự nguyện tại gia đình, cộng đồng như tiếp nhận, phân loại, cắt cơn giải độc, điều trị rối loạn tâm thần... nhưng không được giao chức năng cung cấp dịch vụ CNMT tự nguyện tại gia đình, cộng đồng. Đối với người nghiện ma túy đã hoàn thành thời gian đi cai tại trung tâm cai nghiện trở về địa phương được giao cho chính quyền xã, phường, thị trấn tiếp nhận, bàn giao về gia đình; phối hợp chặt chẽ với gia đình có biện pháp quản lý, tổ chức hỗ trợ, giúp đỡ người sau cai nghiện ổn định cuộc sống, phòng tránh tái nghiện. Tuy nhiên, hoạt động tư vấn, hỗ trợ học nghề, tạo việc làm cho người sau cai nghiện vẫn còn hạn chế, chưa có cơ chế huy động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tạo việc làm ổn định cho người nghiện ma túy sau cai nghiện, do vậy, hiệu quả cai nghiện trên địa bàn tỉnh chưa cao. Số người tái nghiện chiếm tỷ lệ lớn.
Để công tác CNMT và quản lý sau cai nghiện đạt hiệu quả tích cực, đồng chí Quách Thị Kiều, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho rằng: Kinh nghiệm thực tế cho thấy cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa công tác quản lý sau cai nghiện gắn kết với các chương trình an sinh xã hội như đào tạo nghề, vay vốn tạo việc làm, đảm bảo cho người sau cai nghiện có cơ hội ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng; tỉnh cần nghiên cứu, có các chính sách hỗ trợ, ưu đãi để vận động các cơ sở SX-KD, dịch vụ tham gia đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện để họ sớm ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng.
Các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy hiệu quả. Trong đó, chú trọng đấu tranh triệt xóa các hành vi mua bán, tổ chức sử dụng và sử dụng ma túy trái phép. Từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma túy, nhất là ngăn chặn tình trạng sử dụng ma túy trong thanh, thiếu niên...
Mạnh Hùng