Do chưa có cầu dẫn sang khu vực đất sản xuất nông nghiệp, các hộ dân trên địa bàn xóm Chiềng, xã Thung Nai (Cao Phong) phải sử dụng bè mảng để qua suối.
Cầu treo từ xóm Mu đi xóm Chiềng xây dựng từ năm 2002, mỗi lần nhiều xe máy lưu thông dồn dập trên cầu là xuất hiện tình trạng rung lắc mạnh. Theo quan sát, bề mặt cầu treo rộng chưa đầy 2m, vừa đủ để 2 xe máy tránh nhau. Đối với xe ô tô có trọng tải lớn hơn 1,5 tấn thì không được lưu thông qua cầu. Anh Bùi Văn Quyền người dân xóm Chiềng chia sẻ: "Ngày nào tôi cũng đi qua cầu để đưa con nhỏ tới lớp. Nếu đi vào giờ cao điểm buổi sáng hoặc cuối giờ chiều thì rất đông phương tiện lưu thông. Do cầu yếu nên các phương tiện phải đi chậm để tránh xe đối diện hoặc va quệt vào thành cầu”.
Qua khảo sát thực tế, cầu treo từ xóm Mu đi xóm Chiềng là tuyến đường "độc đạo” dẫn vào nơi sinh sống của 108 hộ dân và trên 300 nhân khẩu. Mặc dù đã được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ nguồn lực xây dựng cầu treo từ những năm 2002 và sửa chữa nâng cấp năm 2012. Tuy nhiên việc đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân còn gặp nhiều khó khăn bởi cầu treo xuống cấp. Tải trọng của cầu theo quy định không quá 1,5 tấn, do đó việc các phương tiện vận tải hàng hóa, vận chuyển vật liệu xây dựng không thể di chuyển vào xóm, nếu các hộ có nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà cửa buộc phải sử dụng xe lam, xe ba gác hoặc xích lô để vận chuyển vật liệu xây dựng. Bên cạnh phát sinh chi phí cước vận chuyển, giá thành các mặt hàng nông sản của bà con xóm Chiến cũng bị tư thương ép giá. Ở xóm lân cận có đường giao thông thuận tiện, vườn keo có thể bán giá 70 - 80 triệu đồng/ha, trong khi đó tại xóm Chiềng chỉ bán được 50 - 60 triệu đồng/ha. Giá cam lòng vàng niên vụ 2022 - 2023 ở mức thấp, dao động từ 7.000 - 8.000 đồng/kg.
Theo thống kê, diện tích đất tự nhiên xóm Chiềng rộng trên 300 ha. Tuy nhiên khu dân cư sinh sống và diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị chia cắt bởi con suối chảy từ thượng nguồn. Những năm trước, Nhân dân trong vùng thường di chuyển qua cầu treo để đi làm đồng. Sau thời gian dài sử dụng, cầu xuống cấp, hư hỏng nặng và bị nước lũ cuốn trôi. Để tạm thời khắc phục, hàng ngày, toàn bộ hộ dân đều chèo bè mảng qua suối tới khu vực đất sản xuất. Nếu đi đường vòng qua các xóm khác thì phải mất 4 - 5 km. Tuy nhiên vào thời điểm tháng 6 - 8 khi nước lũ đổ về, việc di chuyển qua suối tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Ông Bùi Văn Thực, Bí thư chi bộ xóm Chiềng trăn trở: "Mùa nước cạn bà con lội qua suối đi làm chứ mùa mưa nước lũ chảy xiết rất nguy hiểm. Nỗi niềm trăn trở lớn nhất của người dân hiện nay đó là nghĩa trang tập trung của xóm được quy hoạch cạnh khu vực đất sản xuất. Chính vì vậy khi tổ chức an táng tại nghĩa trang, các hộ phải sử dụng bương, tre làm bè mảng chở quan tài qua suối. Chúng tôi mong muốn chính quyền các cấp thấu hiểu được nỗi khổ của người dân quan tâm đầu tư, xây dựng cầu bê tông kiên cố đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân trong xóm”.
"Cách trung tâm xã khoảng 7 km, đời sống Nhân dân xóm Chiềng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Thực tế cho thấy, việc chưa được đầu tư xây dựng những cây cầu bê tông kết nối ít nhiều đã ảnh hưởng đến việc đi lại và vận chuyển hàng hóa của Nhân dân. Thời gian tới, xã mong muốn chính quyền các cấp quan tâm, khảo sát thực tế tại địa bàn để bố trí nguồn vốn xây dựng những cây cầu bê tông kiên cố. Cùng với nguồn lực của Nhà nước, xã sẽ huy động nội lực trong Nhân dân hiến đất, đóng góp ngày công lao động. Qua đó đáp ứng niềm mong mỏi của bà con, góp phần giảm nghèo, thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương", đồng chí Bùi Văn Tuyền, Phó Chủ tịch UBND xã Thung Nai chia sẻ.
Đức Anh