Tại TP Hòa Bình, sau Tết Nguyên đán, không ít người cũng truyền tai nhau đi xem thầy bói ở Thái Bình, Nam Định lên. Người ta cũng đồn nhau ở huyện trong tỉnh thôi cũng có bà nọ, cô kia chỉ xem bằng quả cau, lá trầu mà… đúng lắm?! Thế rồi, nhiều người rủ nhau đi xem bói, trong đó có cả cán bộ, công chức; có người đã bị hù dọa năm mới gặp sao hạn, tai ương… phải hóa giải. Số tiền sắp lễ giải hạn vài triệu hay lên đến cả chục triệu đồng, vậy mà có khi vẫn chưa xong. Nặng nhất là có những người bị bệnh hay người thân bị bệnh thường vái tứ phương, cầu đến cả những ông đồng, bà cốt và mất nhiều tiền nhưng tật vẫn mang. Ngay ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã gặp những trường hợp gánh hậu quả vì có bệnh không đến viện, mà mù quáng đi chữa bằng những cách phản khoa học.
Điều dễ thấy là những ông đồng, bà cốt lan truyền mê tín dị đoan thường chỉ bịp được người ở xa, chứ hàng xóm láng giềng nào có ai tin. Họ phán cũng chung chung, nói dựa như thể ai cũng thấy mình có phần đúng trong đó. Còn nhớ ở phường Thịnh Lang, Tân Thịnh từng có người nổi lên làm thầy, rồi xe to, xe nhỏ khắp nơi đổ về. Cúng bái, giải hạn xong thì hóa vàng ngùn ngụt, ồn ào, mất trật tự khu phố; trong khi, hàng xóm chẳng ai tin. Thế rồi, làng xóm có ý kiến, tổ dân phố, công an đến tuyên truyền và dẹp để phố trở lại bình yên. Nhiều chuyện kể ra dở khóc, dở cười!
Ngày nay, xã hội ngày càng phát triển, khoa học, công nghệ hiện đại, rồi trí tuệ nhân tạo AI nhưng nạn mê tín dị đoan không giảm; thậm chí còn lợi dụng mạng xã hội để tuyên truyền. Đời sống tâm linh là nhu cầu đặc biệt của con người và chính đáng nhưng cũng bị lợi dụng để trục lợi. Không ít người mê lầm dẫn tới bị lừa, nhất là những người gặp vấn đề trong cuộc sống, yếu bóng vía.
Luật Tín ngưỡng, tôn giáo nêu rõ: Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; tôn trọng, bảo vệ giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng, đáp ứng nhu cầu tinh thần của Nhân dân. Đồng thời, Luật Hình sự cũng đã ghi rõ tội hành nghề mê tín dị đoan và áp chế tài xử lý.
Vậy, thực hành tín ngưỡng thế nào để tránh mê lầm? Mỗi người nên tỉnh táo, phân biệt giữa mê tín dị đoan và tín ngưỡng. Theo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, tín ngưỡng là niềm tin của con người được thể hiện thông qua những lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân, cộng đồng. Mê tín dị đoan là tin vào những điều mơ hồ, nhảm nhí, không có căn cứ, dẫn tới hậu quả xấu.
Bài trừ, lọc bỏ yếu tố mê tín dị đoan là gìn giữ những nét đẹp truyền thống và môi trường văn hóa tinh thần lành mạnh. Muốn vậy, cần sự chung tay của cả cộng đồng. Phạt người buôn thần bán thánh cũng cần trách những người tạo điều kiện cho họ tung tác. Nâng cao trình độ dân trí, đời sống tinh thần, chất lượng cuộc sống cũng là cách đẩy lùi mê tín dị đoan. Đại diện chùa Phật Quang, TP Hòa Bình từng ngỏ ý, thiện nam, tín nữ đến lễ chùa bằng tâm thành, chứ không phải cứ thắp nhiều hương, hóa nhiều vàng mã mới là tỏ lòng hiếu kính; không nên gài tiền, hương vào tay phật, các đĩa lễ, dễ cháy nổ và phản cảm.
Cẩm Lệ