Lãnh đạo UBND và công chức văn hoá xã Yên Phú (Lạc Sơn) tuyên truyền về thực hiện xây dựng gia đình bình đẳng, hạnh phúc, phát triển kinh tế tại hộ gia đình ở xóm Vàng Rả.
Xác định xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh là nhiệm vụ quan trọng, các cấp, ngành đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân về CTGĐ gắn với thực hiện bình đẳng giới trong gia đình, công tác dân số, kế hoạch hoá gia đình, bảo vệ, chăm sóc trẻ em và người cao tuổi, góp phần phát triển KT-XH trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.
Ban chỉ đạo CTGĐ tỉnh đã ban hành và triển khai các kế hoạch về thực hiện CTGĐ. Chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, thành viên Ban chỉ đạo các cấp căn cứ nhiệm vụ được giao xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của CTGĐ trong các cơ quan, đơn vị, địa phương và cơ sở. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến kịp thời quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về CTGĐ. Xây dựng, triển khai kịp thời các kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW của Ban Bí thư; Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030; Chương trình về phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ) trong tình hình mới đến năm 2025; Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến năm 2030; Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình gắn với xây dựng môi trường phát triển con người trên địa bàn tỉnh và các chương trình, kế hoạch về CTGĐ gắn với thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá. Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức trong Nhân dân về vị trí, vai trò của gia đình trong xã hội hiện nay. Vận động các gia đình đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, đăng ký thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; nhân rộng các mô hình gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; gia đình làm kinh tế giỏi; gia đình hiếu học, gia đình nhiều thế hệ chung sống mẫu mực... Tổ chức các hoạt động tuyên truyền hưởng ứng ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3); ngày Gia đình Việt Nam (28/6) và Tháng hành động quốc gia về phòng, chống BLGĐ; Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái (25/12) và Tháng hành động vì bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới với nhiều hoạt động thiết thực từ tỉnh đến cơ sở. Công tác tuyên truyền về Luật Phòng, chống BLGĐ, Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật trẻ em… được triển khai với nhiều hình thức phong phú.
Công tác phòng, chống BLGĐ được quan tâm, đẩy mạnh thực hiện. Công tác giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình được các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện thông qua các hình thức tuyên truyền gián tiếp, trực tiếp. Từ đó, nhận thức của các ngành, các cấp, các tầng lớp Nhân dân về vị trí, vai trò gia đình ngày càng cao, các giá trị truyền thống của dân tộc được các gia đình lưu giữ, kế thừa qua các thế hệ, quyền và trách nhiệm của các thành viên trong gia đình ngày càng được quan tâm thực hiện, đặc biệt là trẻ em và người cao tuổi. Năm 2022, toàn tỉnh có 87,9% hộ gia đình văn hoá; tỷ lệ khu dân cư văn hoá chiếm 95,1%; toàn tỉnh có 48/65 xã đạt chuẩn văn hoá nông thôn mới, đạt 73,8%; 15/22 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, đạt 68,2%. Duy trì 170 mô hình phòng, chống BLGĐ; 1.404 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, 1.365 nhóm phòng, chống BLGĐ; 727 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng; 153 đường dây nóng. Tuy nhiên, công tác phòng, chống BLGĐ còn nhiều bất cập, toàn tỉnh có 75 vụ BLGĐ, nạn nhân bị BLGĐ chủ yếu là nữ, chiếm 92%.
Nhận thức về vai trò, vị trí, chức năng của gia đình ngày càng được nâng lên, các gia đình tham gia thực hiện kế hoạch hoá gia đình, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hương ước, quy ước, quy chế dân chủ ở cơ sở. Đồng thời giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ, dân tộc, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Đỗ Hà