(HBĐT) - Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh là nơi tiếp nhận, nuôi dưỡng, giáo dục hướng nghiệp cho trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, chăm sóc người già neo đơn và những người bệnh tâm thần. Hiện trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng hơn 200 người. Trung tâm đã trở thành mái nhà chung cho những người yếu thế với những tình cảm đầy ấm áp, yêu thương.
Chị Lê Thị Nga, cán bộ Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh chăm sóc người cao tuổi neo đơn.
Tại khu vực tập luyện và chăm sóc, phục hồi chức năng là nơi những người cao tuổi, người khuyết tật hàng ngày luyện tập, phục hồi chức năng, chị Nguyễn Thị Thanh Liễu, điều dưỡng viên Phòng Y tế và phục hồi chức năng tận tình hướng dẫn các bài tập phục hồi chức năng cho đối tượng. Chị Liễu cho biết: "Hàng ngày, cán bộ trung tâm sẽ chăm sóc, đôn đốc, nhắc nhở đối tượng thực hiện các công việc trong sinh hoạt hàng ngày; hỗ trợ đối tượng không tự chăm sóc được bản thân từ ăn uống, tắm giặt, vệ sinh cá nhân. Bên cạnh đó quan tâm chăm sóc đời sống tinh thần như tổ chức các hoạt động: đọc báo, nghe đài, thể dục dưỡng sinh, tham gia sinh hoạt các đoàn thể ở khu dân cư... nâng cao đời sống tinh thần và sức khỏe cho các cụ. Cán bộ làm công tác chăm sóc đối tượng vừa là cán bộ quản lý, chăm sóc sức khỏe vừa là con cháu quan tâm, động viên các cụ lúc ốm đau, bệnh tật. Đồng thời như người cha, người mẹ dạy bảo trẻ em, thầy cô giáo dạy học, giáo dục, cung cấp kiến thức, kỹ năng sống cho trẻ theo độ tuổi. Ngoài ra còn là người lắng nghe tâm tư, tình cảm, tư vấn, kết nối đối tượng với người thân, với xã hội, đảm bảo đúng quyền và chế độ của đối tượng theo quy định".
Bà Vũ Thị Thu (61 tuổi), người đã có hơn 10 năm gắn bó với trung tâm cho biết: "Được chăm lo từ bữa ăn đến giấc ngủ, tôi cảm nhận trung tâm là mái nhà chung của những người yếu thế. Tại đây, các cán bộ luôn tận tình giúp đỡ, chăm sóc, giúp chúng tôi được sống vui, sống khỏe, sống có ích”.
Trung tâm hiện có 5 phòng chuyên môn, 65 cán bộ, viên chức, thực hiện chăm sóc và quản lý 225 người, trong đó có 14 người người cao tuổi cô đơn, 26 người khuyết tật, 136 người tâm thần, 45 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, 2 đối tượng khác và 2 đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp.
Công tác chăm lo đời sống tinh thần cho đối tượng bảo trợ xã hội được quan tâm, chú trọng với nhiều chương trình, hoạt động thiết thực, ý nghĩa: đón giao thừa, hội xuân mỗi dịp Tết đến xuân về; giao lưu văn nghệ, thể dục thể thao; kỷ niệm ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, Tết Trung thu, các hoạt động hè nhằm động viên, khen thưởng trẻ em đạt thành tích cao trong học tập. Việc tổ chức cho các cháu trong độ tuổi đi học văn hóa được quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi. Năm học 2021 - 2022 có 41 cháu đi học tại các trường. Kết thúc năm học các cháu đều được lên lớp, có 3 cháu đạt học sinh xuất sắc, 8 cháu đạt học sinh tiên tiến và có thành tích vượt trội trong các môn học.
Năm 2022, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đã chủ động kêu gọi, vận động ủng hộ quỹ; phối hợp các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm vận động, quyên góp, tổ chức thăm, tặng quà, hỗ trợ 3.829 lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn tỉnh với tổng trị giá quà và hiện vật trên 1.136 triệu đồng.
Đồng chí Nguyễn Đức Tuyên, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh cho biết: "Công tác quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ xã hội được đơn vị thực hiện theo đúng chế độ, chính sách quy định. Đời sống vật chất, tinh thần của đối tượng ngày càng được nâng cao. Năm 2023, trung tâm tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng công tác quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội. Tổ chức tốt công tác tăng gia sản xuất, lao động trị liệu, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống và tìm kiếm việc làm cho đối tượng, đồng thời tích cực vận động, huy động các nguồn hỗ trợ, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh để trợ giúp đối tượng. Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, truyền thông về trợ giúp xã hội. Duy trì kết nối với Tổng đài quốc gia Bảo vệ trẻ em 111 để thực hiện quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin về xâm hại trẻ em. Vận động ủng hộ Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh và thực hiện khám bệnh nhân đạo cho người có công với cách mạng, người cao tuổi ngoài cộng đồng”.
Hoàng Dương
(HBĐT) - Trở lại xã Vân Sơn (Tân Lạc) những ngày cuối tháng 2, chúng tôi cảm nhận sự đổi thay trong diện mạo và đời sống của bà con nơi đây, song vẫn còn nhiều khó khăn, tâm tư. Xã Vân Sơn được hình thành trên cơ sở sáp nhập 3 xã vùng cao của huyện, gồm: Nam Sơn, Bắc Sơn, Lũng Vân, xã hiện có 17 xóm.
(HBĐT) - Tại xã Mường Chiềng (Đà Bắc), Công ty xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott) phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh vừa tổ chức bàn giao và trao tiền hỗ trợ xây dựng 34 căn nhà đại đoàn kết trên địa bàn huyện Đà Bắc.
Cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian bị kỷ luật một trong các hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo, tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý thì sẽ được tinh giản biên chế.
Sau khi nghiên cứu dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), tôi cơ bản nhất trí và xin tham gia một số ý kiến sau:
(HBĐT) - Những năm qua, huyện Lạc Thuỷ đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia công tác tái hòa nhập cộng đồng (THNCĐ) cho người chấp hành xong án phạt tù. Nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành chức năng và Nhân dân về công tác THNCĐ có nhiều chuyển biến tích cực.
Trước 20/3, các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW hoàn thiện quy trình nội bộ, quy trình điện tử để thực hiện bãi bỏ yêu cầu nộp, xuất trình các loại giấy tờ.