Chúng tôi chọn tour đi Siêm Riệp – Phnom Penh Căm-pu-chia trên máy bay của hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) là vì một ngày hãng có 3 chuyến bay đến Siêm Riệp . Tour này lại kết thúc ở Phnom Penh nên chủ động được thời gian .

  

"Ồ, thì ra là vậy”…

Chỉ nhìn thấy Siêm Riệp khi máy bay bắt đầu hạ độ cao. Một dải xanh rì. Không thấy núi cao. Kia, dòng nước lớn nào chảy vào Biển Hồ Tông Lê Sáp? Ồ, hoá ra khu vực đền Ăng - co nổi tiếng nằm trên một vùng đất bằng phẳng, tựa như một bình nguyên vậy. Không có núi non hiểm trở. Không có rừng rậm khó đi.  Con đường trải nhựa to rộng chạy xuyên qua rừng già, rừng nguyên sinh. Những thân cây lực lưỡng gốc đến hai vòng tay người lớn, cao hàng chục mét. Những tia nắng buổi sớm chiếu qua ngọn cây thành từng vệt từng vệt. Hào nước chạy quanh khu vực Ăng-co nước trong vắt, in bóng trời xanh mây trắng. Mọi người hào hứng qua chiếc cầu phao ( cầu đá cũ đang được tu sửa) bắc qua hồ nước, tiến vào Ăng- o Vát. Và rồi những ngọn tháp Ăng-co huyền thoại hiện ra dưới chân trời phía Đông. Những cây thốt nốt im lìm. Những hành lang chạy dài, những pho tượng vũ nữ, tượng thần, tượng rắn thần Naga chín đầu…

Khách du lịch đông đúc. Đông nhất là người Trung Quốc. Rồi đến người Việt. Người Hàn, người Nhật, người châu Âu…Ăng-co Vát có nhiều sân rộng, nhiều bãi cỏ xanh mướt  nhưng cũng không tránh khỏi cảnh bị ùn ứ khi đi sâu vào bên trong, nhất là đối với vị khách nào muốn leo lên ngọn tháp trung tâm để nhìn ra bốn phía. Còn rất nhiều hành lang, cửa sổ để du khách có thể trầm ngâm thưởng lãm những phù điêu, tượng đá…của một khu đền đài đã được vinh danh là di sản văn hóa thế giới.

Lướt qua Ăng-co Vát, cả đoàn lại lên xe đến Ăng-co Thom. Ăng-co Vát là khu đền tháp  thờ thần đặc trưng cho lối kiến trúc và nền văn hóa Khơ-me (Cam-pu-chia) có ảnh hưởng của đạo Hin-đu (Ấn Độ). Ăng-co Thom  được coi là Thủ đô cuối cùng và lâu dài nhất của đế quốc Khơ-me, được xây dựng vào cuối thế kỷ XII. Tòa thành rộng 9km2 này có 4 cửa. Xe ô tô chở khách du lịch có thể đi quanh và dừng lại ở cửa Nam để du khách có thể từ đây leo dần những bậc thềm đá, đến với đền Bay-on, ngôi đền nổi tiếng với những bức tượng đá 4 mặt người quay đi bốn hướng.

Đến với Ăng-co, mỗi du khách trong đoàn có một vé vào cửa có in ảnh chân dung của mình và ngày tới thăm. Vé có giá trị trong ngày và với tất cả điểm du lịch trong khu vực. Cảnh sát du lịch Cam-pu-chia kín đáo đứng ở những góc không làm phiền ai nhưng sẽ có mặt kịp thời khi bạn gặp điều trắc trở. Hoạt động sôi nổi nhất là những thợ săn ảnh và bạn nên mua một hai bức ảnh của họ chụp mình vì họ biết chọn những góc tiêu biểu nhất để tôn vinh hình ảnh của bạn. Trừ nước giải khát  thốt nốt bày bán ven đường. Còn ăn uống, cà phê…đã có nhà hàng phục vụ chu đáo, tận tình. Kèm theo đó là  những khu vực vệ sinh thoáng đãng và sạch sẽ. Ta có thể phàn nàn gì nữa khi mỗi ngày có hàng nghìn người lui tới khu vực này?

Đến Ăng-co, chúng tôi lại nhớ tới buổi biểu diễn có tên gọi "Nụ cười Ăng-co” tại một sân khấu ở thành phố Siêm Riệp tối hôm trước. Vé vào cửa không rẻ : 37 USD. Nghe nói chương trình có bàn tay của một đạo diễn phim nổi tiếng Trung Quốc, với đèn LED, ánh sáng laze, màn phun nước, hệ thống ánh sáng và âm thanh hiện đại…Trong chương trình kéo dài 75 phút ấy, tái hiện lịch sử của Ăng-co, cũng là lịch sử thời xa xưa của đế chế Khơ-me.

Sáu tháng đầu năm 2018 có 1 triệu 300 nghìn lượt khách đến khu đền Ăng-co, nước bạn thu về 60 triệu USD. Cứ nhìn cung cách người Cam-pu-chia điều hành hoạt động du lịch ở khu đền Ăng-co lại ước ao bao giờ các khu du lịch Việt Nam bớt đi cảnh co kéo chụp giật, chặt chém” …

"Đường vào Phnom Penh”

Đoàn chúng tôi đi từ Siêm Riệp theo quốc lộ số 6 với đoạn đường dài 314km, qua các tỉnh Siêm Riệp – Công pông Thom – Công pông Chàm là tới Phnom Penh. Xe chạy nhanh vì đường tốt, nhưng cũng nhờ người dân Cam-pu-chia rất tôn trọng luật giao thông: không họp chợ buôn bán dưới lòng đường, xe hai bánh, xe ba bánh chạy sát mép đường (dù lúc đó đường không có ô tô). Tùy từng tour, nhưng thường có 3 địa điểm  nghỉ ngơi cách nhau xấp xỉ 60 -70 km. Điểm thứ nhất là thăm Cầu Rồng ở điểm cuối của tỉnh Siêm Riệp, là một ngôi cầu cổ xây bằng đá ong có niên đại hơn 10 thế kỷ. Nay người đi bộ và xe thô sơ vẫn được qua lại trên cầu . Điểm thứ hai thuộc tỉnh Công pông Thom , nơi mà dòng Tông Lê Sáp (có nghĩa là "song nước ngọt”) chảy từ Biển Hồ xuôi về gặp sông Mê Công tại  Phnom Penh. Điểm  thứ 3 là chợ côn trùng thuộc tỉnh Công pông Chàm, có thị trấn Sa Kun nơi có quốc lộ 7 đi Lào.

 

Cam-pu-chia bắt đầu vào mùa mưa. Đồng ruộng loang loáng  nước. Cánh đồng lúa đang xanh, đầm sen… Dễ thấy nhất là  những cánh đồng thốt nốt dọc hai bên đường. Hướng dẫn viên du lịch kể: người Cam-pu-chia có câu: thốt nốt đời cha trồng, đời con được hưởng. Vì cây thốt nốt 20 tuổi mới cho thu hoạch. Nhưng ở nước tôi, không ai trồng thốt nốt cả. Đến mùa nước ngập, quả thốt nốt rụng xuống, theo sóng nước trôi đi, gặp gờ đất cao, bám đất, nẩy mầm thành cây. Thốt nốt mọc trúng ruộng nhà ai, nhà ấy được hưởng. Đồng ruộng Cam-pu-chia mỗi năm làm một vụ lúa, không thuốc trừ sâu, không phân hóa học. Nên con dế, con cà cuống, con nhái, con cá…không nhiễm thuốc trừ sâu anh ơi. Đấy anh nhìn kìa, trước cửa mỗi nhà, trong sân vườn có căng những miếng ni lông trắng. Ban đêm bật đèn sáng, côn trùng bay vào rơi xuống, chủ nhà ra hốt , mang ra chợ bán. Côn trùng sạch đấy...

Xe lướt nhanh qua những đầm sen. Sen hồng sen trắng san sát. Sen đây bà con chủ yếu lấy hạt để bán. Lâu lâu thấy một chòi lá ven đường, trên tấm phên nứa gác chéo một bó đài sen , khách qua đường mua thì dừng lại.

Cam-pu-chia không có cổng làng. Nhưng cổng chùa thì phum sóc nào cũng có. Cái to cái nhỏ. Qua cổng chùa thấy tít tắp con đường đất đỏ, không biết dẫn về đâu. Những nếp nhà sàn Khơ-me quần tụ…Đủ kiểu to nhỏ, bằng gạch, bằng gỗ, bằng tre nứa…Những mái đao cong vút hình con rắn…như gợi nhớ truyền thuyết người Khơ-me lấy con rắn là "vật tổ” (tô-tem) của mình.

Hành trình về Phnom Penh rồi dạo chơi ở Thủ đô bạn, lướt qua Hoàng cung, lướt qua Quảng trường sông 4 mặt ( nơi sông Mê Công ,sông Tông Lê Sáp, sông Bát Sắc gặp nhau rồi chia thành 4 ngả ), qua đài Độc Lập, qua chợ Trung tâm…Cứ ước ao gặp được một trận mưa…

Cầu được ước thấy. Khi cả đoàn mang hai lẵng hoa hồng lớn, Đỏ và Vàng tượng trưng cho mầu cờ Tổ quốc, đến đặt tại tượng đài Quân tình nguyện Việt Nam, trời đổ mưa như trút. Cả đoàn vẫn đứng yên thành kính, lắng nghe một bạn có anh ruột hy sinh trong trận chiến chống Pôn Pốt nói lên ước nguyện của đoàn cầu mong anh linh của các liệt sĩ phù hộ cho đất nước hôm nay.

Đêm chia tay Phnom Penh cả đoàn đi xem vũ điệu Apsara. Kiên nhẫn chờ đến phút cuối cùng để xem. Với mình, vũ điệu Apsara tượng trưng cho sự hồi sinh của đất nước Cam-pu-chia. Và có cảm tưởng vũ công chính chỉ múa cho riêng mình xem. Chỉ riêng mình thôi… Chậm rãi, thanh thoát, uyển chuyển… ôi khát vọng tự do và hoà bình…

Thầm nghĩ, dù cho vật đổi sao dời, nhưng những hy sinh của người lính tình nguyện Việt Nam  không uổng. Họ đã làm được một sự nghiệp vô cùng lớn lao: trả lại nụ cười cho một dân tộc.

Và trên đường ra sân bay Pô Chen Tông, thấy lòng thư thái khi nhìn sang bên trái đường: " công viên Hoà Bình” với hai dãy dài những cây đại mùa này đang đơm hoa trắng đầy cành – Hai hàng hoa đại của những người lính tình nguyện Việt Nam trồng trước khi trở về Việt Nam vẫn lên xanh tốt ./.

 

                                       TheoBaodulich

Các tin khác


Du lịch Hòa Bình đón 195.000 lượt khách dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 (từ ngày 27/4 - 1/5), du lịch tỉnh Hòa Bình đón 195.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm và khám phá. So với cùng kỳ năm trước, lượng khách đến tăng 14,7%, trong đó có 20.000 lượt khách quốc tế, tăng 33,3%; 175.000 lượt khách nội địa, tăng 6,1%.

Khởi sắc du lịch Hòa Bình

Lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng và tổng thu từ hoạt động du lịch năm 2023 có mức tăng trưởng tốt cho thấy sự phục hồi tích cực, tạo đà để du lịch Hòa Bình khởi sắc. Đồng chí Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL nhận định, du lịch của tỉnh đang phát triển thuận lợi, huy động được sự tham gia của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch và cộng đồng.

Trải nghiệm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái trên vùng lòng hồ Mai Châu

Bên cạnh thế mạnh du lịch cộng đồng, huyện Mai Châu đang tập trung khai thác tiềm năng phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng sinh thái tại các xã vùng lòng hồ, chủ yếu thuộc địa bàn xã Sơn Thuỷ. Từ đó mở ra cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp và người dân, đồng thời hình thành chuỗi dịch vụ lưu trú đa dạng, phong phú trên khu du lịch hồ Hòa Bình.

Du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe lên ngôi

Dịp 30/4 và 1/5 với 5 ngày nghỉ lên tiếp là thời gian lý tưởng để các gia đình chọn những điểm đến thư giãn, tìm về chốn an nhiên. Nhờ lợi thế giao thông thuận tiện, địa hình miền núi với vẻ đẹp hoang sơ, khí hậu mát mẻ, các khu du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe trên địa bàn tỉnh Hòa Bình hút khách dịp này.

Những điểm vui chơi, khám phá tại TP Hồ Chí Minh trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 này, nếu gia đình không đi du lịch xa thì những nơi như Khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên, Công viên văn hóa Đầm Sen, Thảo cầm viên Sài Gòn, Địa đạo Củ Chi, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định, bến Bạch Đằng… sẽ là những điểm đến thú vị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục