Danh thắng quốc gia Gành Đá Đĩa huyện Tuy An thu hút ngày càng
đông khách du lịch.
Dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm nay, khách du lịch đến Phú Yên tăng
cao nhất từ trước đến nay, với khoảng 42.165 lượt khách, tăng 20% so cùng kỳ
năm 2018, trong đó khách quốc tế khoảng 580 lượt.
Ông Cao Hồng Nguyên, Trưởng Phòng quản lý du lịch, Sở Văn hóa, Thể
thao và Du lịch tỉnh Phú Yên cho biết: Tổng lượt khách được các cơ sở lưu trú
du lịch đón tiếp ước khoảng 17.810 lượt khách, tăng 25% so cùng kỳ năm ngoái. Tại
hầu hết các khách sạn trên địa bàn TP Tuy Hòa, khách đạt công suất sử dụng
phòng từ 70% - 100%. Cao điểm trong các ngày từ 27-4 đến ngày 30-4, tất cả các
khách sạn từ hai sao trở lên đều đạt 100% công suất sử dụng phòng.
Năm nay, khách đi theo tour chủ yếu đến từ Hà Nội và TP Hồ Chí
Minh. Ngoài ra, khách đi du lịch theo nhóm, đi theo gia đình từ các tỉnh lân cận
như: Gia Lai, Đác Lắc, Lâm Đồng, Bình Định, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận...
đến Phú Yên nghỉ lễ cũng đông hơn mọi năm.
Tại những di tích thắng cảnh nổi tiếng của Phú Yên như Gành Đá
Đĩa, Nhà thờ Mằng Lăng, Hòn Yến, Bãi Môn - Mũi Điện, Vũng Rô, Cao nguyên Vân
Hoà và bãi biển TP Tuy Hoà, khách du lịch tăng gấp nhiều lần số mọi năm.
Năm nay, nhiều dự án lớn đầu tư về du lịch, nhà hàng, khách sạn
ven biển được hoàn thành đưa vào khai thác kịp thời phục vụ khách trong những dịp
lễ tết, như khu nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch Việt Beach; dự án du lịch sinh
thái, biệt thự nghỉ dưỡng Rosa Alba Resort - Tuy Hòa.
Ông Phạm Văn Bảy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh
Phú Yên cho biết, nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu của khách du lịch, Sở đã phối hợp
các địa phương và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch tổ chức nhiều hoạt
động hấp dẫn, như: lễ hội ẩm thực tổ chức ở các khách sạn lớn; chương trình thả
diều nghệ thuật; lễ hội âm nhạc đường phố...Các đơn vị lữ hành của tỉnh Phú Yên
cũng đã chuẩn bị tốt các phương tiện vận chuyển khách, tích cực xây dựng chương
trình tour hấp dẫn, giúp du khách có nhiều trải nghiệm về văn hóa, lịch sử,
danh thắng.
Nhờ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và tuyên truyền vận động
nên trong dịp nghỉ lễ 30-4 – 1-5, trên địa bàn tỉnh Phú Yên không có hiện tượng
"chặt chém” khách du lịch; không để xảy ra tình trạng ăn xin đeo bám du khách;
không để xảy ra mất an toàn trong các hoạt động vui chơi, tham quan, nghỉ dưỡng.*
Trong năm ngày nghỉ lễ, các địa điểm du lịch, các bãi tắm ven biển TP Đà Nẵng
đông kín khách du lịch đến tham quan và nghỉ dưỡng.
* Trong dịp nghỉ lễ, thành phố và các khu điểm du lịch của Đà Nẵng
diễn ra nhiều sự kiện hấp dẫn; Chương trình mùa du lịch biển Đà Nẵng 2019 với
các hoạt động hấp dẫn như trưng bày sản phẩm tái chế từ rác thải, hội thi cờ tướng
tại đỉnh Bàn Cờ - bán đảo Sơn Trà, hội thi bơi cho người yêu biển, trình diễn
diều nghệ thuật; khám phá bầu trời đêm qua kính thiên văn…
Dọc các bãi biển Mỹ Khê, Phạm Văn Đồng… vào buổi sáng và chiều thu hút rất đông
người đến tắm biển và vui chơi. Tuy nhiên, không xảy ra tình trạng chen chúc
quá đông người, giá cả dịch vụ ổn định, không tăng giá quá cao.
Đặc biệt, sự kiện trình diễn khinh khí cầu vào hai ngày 30-4 và 1-5 thu hút
đông đảo lượng khách du lịch tại công viên Biển Đông. Lễ hội Khinh khí cầu quốc
tế Đà Nẵng với sự tham gia của 15 phi công đến từ các quốc gia Thái-lan, Hàn Quốc,
Nhật Bản, Hà Lan và chủ nhà Việt Nam.
Với bảy khinh khí cầu, hoạt động trình diễn được tổ chức vào buổi
sáng từ 6 giờ 30 đến 8 giờ 30, buổi chiều từ 16 giờ 30 đến 18 giờ 30. Trong đó,
có ba khinh khí cầu đặc biệt; hai khinh khí cầu bay treo và hai khinh khí cầu
mini biểu diễn. Riêng vào ban đêm, khinh khí cầu biểu diễn thổi lửa trong thời
lượng 15 - 20 phút.
Ngoài ra, các điểm tham quan như Bà Nà Hill, đỉnh Bàn Cờ (bán đảo Sơn Trà),
chùa Linh Ứng… cũng đông nghịt khách du lịch. Vào giờ chiều, các tuyến đường
chính của thành phố, tuyến đường đến các điểm tham quan và dọc tuyến đường biển
vào Hội An lượng xe lưu thông đông đúc gây khó khăn cho việc lưu thông.
Theo Sở Du lịch TP Đà Nẵng, trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, tổng lượng khách đến
tham quan, du lịch tại Đà Nẵng ước đạt 375 nghìn lượt người, tăng khoảng 5% so
với cùng kỳ năm 2018; trong đó khách quốc tế ước đạt 114 nghìn lượt người;
khách nội địa ước đạt 259 nghìn lượt người.
Tổng lượng khách lưu trú tại Đà Nẵng ước đạt 153.942 lượt khách, tăng 20.8% so
với cùng kỳ năm 2018; trong đó khách quốc tế ước đạt 72.343 lượt người, tăng
31,7%; khách nội địa ước đạt 81.599 lượt người, tăng 12,5%.
Để phục vụ du khách chu đáo trong dịp nghỉ lễ, Sở Du lịch có công văn gửi UBND
các quận, huyện trên địa bàn thành phố, đề nghị tăng cường công tác bảo đảm an
ninh, an toàn, chống đeo bám, chèo kéo khách du lịch trong dịp lễ, tổ phản ứng
nhanh trong hoạt động du lịch cũng tăng cường hoạt động.
* Thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng
cho biết, năm nay, do thời gian nghỉ lễ dài hơn so với năm 2018, cùng với
tình hình thời tiết nắng nóng trên diện rộng tại nhiều địa phương trong cả nước;
nhiều du khách lựa chọn các chương trình du lịch kết hợp tham quan "một chuyến
đi, nhiều điểm đến” với các điểm du lịch lân cận, nên lượng du khách đến Đà Lạt
- Lâm Đồng tăng hơn năm ngoái.
Cụ thể, trong năm ngày lễ, lượng du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng
tại Đà Lạt - Lâm Đồng ước khoảng 115 nghìn lượt, tăng 4,5% so với cùng kỳ 2018.
Trong đó, khách qua lưu trú khoảng 105.000 lượt, tăng 5% so cùng kỳ.
Tỉnh Lâm Đồng hiện có hơn 1.400 cơ sở lưu trú du lịch, với tổng số
hơn 20,9 nghìn phòng, chủ yếu tập trung tại TP Đà Lạt; 35 khu, điểm tham quan
du lịch được đầu tư và khai thác kinh doanh, hơn 60 điểm tham quan miễn phí phục
vụ nhu cầu tham quan, giải trí của du khách. Theo khảo sát, công suất phòng các
khách sạn từ ba đến năm sao khoảng 95% (riêng trong hai ngày 28 và 29-4, hầu hết
các khách sạn đều sử dụng hết công suất); các khách sạn từ một đến hai sao đạt
khoảng 85 đến 90%; các hạng khác đạt công suất từ 75 đến 80%. Giá dịch vụ lưu
trú tăng từ 60 đến 90% so với ngày thường.
Trước đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản chỉ đạo các ngành, địa
phương liên quan, về việc bảo đảm an toàn trật tự, an toàn giao thông và phục vụ
nhu cầu đi lại của nhân dân dịp lễ 30-4 và 1-5, bảo đảm môi trường du lịch an
toàn, thân thiện và chất lượng. Trong đó, tăng cường thực hiện các biện pháp
bình ổn giá cả, thị trường; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi lợi
dụng dịp lễ để ép giá, "cò mồi” du khách; tăng cường thanh, kiểm tra bảo đảm chất
lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; tuyên truyền thực hiện tốt Bộ quy tắc ứng xử
văn minh trong du lịch...
Năm 2019, tỉnh Lâm Đồng đặt mục tiêu đón khoảng 7,15 triệu lượt du
khách đến tham quan, nghỉ dưỡng; tăng 10% so năm 2018.
* Theo báo cáo của Sở Du lịch Nghệ An, trong dịp nghỉ lễ
30-4 và 1-5 kéo dài năm ngày (từ ngày 28-4 đến ngày 1-5), lượng khách tham quan
tại các điểm du lịch Nghệ An khá lớn, ước đạt trên nửa triệu lượt khách, chủ
yếu là khách du lịch từ các tỉnh phía bắc và khách nội tỉnh.
Trong đó, lượng khách lưu trú ước đạt trên 170.000 lượt, khách quốc tế gần 2.200 lượt, tổng doanh thu du lịch ước đạt 280 tỷ đồng.
Trưởng Phòng Văn hóa, thông tin thị xã Cửa Lò Võ Văn Thọ cho biết: Với
chất lượng dịch vụ du lịch và vui chơi giải trí nâng cao, cùng với thời tiết
thuận lợi, lượng khách về biển Cửa Lò (Nghệ An) nghỉ dưỡng tăng đột biến. Những
ngày này, các khách sạn, nhà nghỉ thuộc tuyến một và tuyến hai của đường Bình
Minh (trục đường chính dọc theo bờ biển Cửa Lò) đạt công suất 100% và tuyến ba
đạt khoảng 80%. Đặc biệt, đêm 28-4 tại Quảng trường Bình Minh thị xã Cửa Lò,
UBND tỉnh Nghệ An đã tổ chức chương trình khai mạc Lễ hội du lịch Cửa Lò 2019 với
chương trình nghệ thuật đặc sắc và màn bắn pháo hoa hơn 15 phút đã tạo nên sự
thích thú cho hàng vạn du khách. Trong những ngày nghỉ lễ, biển Cửa Lò "bội
thu” khi đón hơn 400.000 lượt khách, tăng 15% so với dịp nghỉ lễ năm 2018.
Điều đáng mừng, tuy lượng khách đến nghỉ dưỡng và tắm biển tăng đột
biến nhưng tất cả các nhà hàng cùng các dịch vụ khác đều chấp hành nghiêm việc
niêm yết giá, không để xảy ra tình trạng "chặt chém”; an ninh trật tự được
bảo đảm, không có tình trạng đuối nước nào xảy ra...
Tiếp đến là Khu Di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên (Nam Đàn) đón
3.254 đoàn với 84.124 lượt người; Mường Thanh Safari (Diễn Châu) 40.000 lượt
người; Khu Di tích lịch sử Truông Bồn 11.000 lượt người...
Bên cạnh đó, một số điểm du lịch khác ở miền núi phía tây của tỉnh
như đảo Chè (huyện Thanh Chương), các khu du lịch sinh thái Khe Kèm, đập Phà
Lài (Con Cuông); Thác Sao Va (Quỳ Châu)… cũng đón và phục vụ một lượng khách
khá lớn.
Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá du lịch, nhiều địa điểm
tham quan trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã được đầu tư thêm về cơ sở hạ tầng, loại
hình du lịch. Chẳng hạn như Thị xã Cửa Lò, thị xã Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu,
huyện Diễn Châu đã tăng cường công tác vệ sinh bãi biển, vệ sinh an toàn thực
phẩm và tổ chức nhiều hoạt động vui chơi hấp dẫn khác. Tại Khu du lịch sinh
thái Mường Thanh Diễn Lâm bổ sung thêm các động vật quý hiếm cho vườn thú, đầu
tư nâng cấp cơ sở vật chất, nâng cao kỹ năng phục vụ khách du lịch... Ngoài ra,
điểm mới trong mùa du lịch năm nay là Khu di tích Kim quốc gia đặc biệt Kim
Liên mở cửa đón khách ngoài giờ hành chính; huyện Con Cuông đưa vào khai thác một
số sản phẩm du lịch mới như chèo thuyền Kayak trên sông Giăng và các món ăn
truyền thống của miền Tây xứ Nghệ.
Được biết, năm nay ngành Du lịch tỉnh Nghệ An đang phấn đấu đón
trên 6,5 triệu lượt khách.
* Chiều 1-5, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Thanh Hóa
cho biết: Bốn ngày qua, một số khu du lịch trọng điểm ở Thanh Hóa có số lượng
khách đến tham quan, nghỉ dưỡng khá đông.
Bên cạnh các điểm du lịch biển có sở sở hạ tầng, dịch vụ du lịch tương đối đồng bộ là điểm đến của khách du lịch, như Sầm Sơn đón được 730 nghìn lượt khách, Hải Tiến 100 nghìn lượt khách, Hải Hòa gần 79 nghìn; khu du lịch biển Tiên Trang ở phía nam huyện Quảng Xương đang trong giai đoạn đầu tư cũng thu hút được hơn 26 nghìn lượt khách và các tuor du lịch, điểm vui chơi, giải trí, dịch vụ, khu du lịch Hàm Rồng ở TP Thanh Hóa đón được hơn 51 nghìn lượt khách. Các di tích, danh thắng, khu bảo tồn thiên nhiên trong tỉnh cũng hấp dẫn khách du lịch tâm linh, tìm hiểu giá trị văn hóa, di sản, khám phá hệ sinh thái đa dạng, độc đáo, trong đó có tới 22 nghìn lượt khách hành hương về Khu di tích lịch sử Lam Kinh, hơn 18 nghìn lượt khách khám phá Suối cá thần Cẩm Lương (Cẩm Thủy); hơn bảy nghìn khách du lịch đến bản Năng Cát-thác Ma Hao ở huyện Lang Chánh, năm nghìn khách đến tham quan di sản
Thành nhà Hồ và hơn sáu nghìn lượt khách đến Khu du lịch sinh thái
Pù Luông và Vườn quốc gia Bến En.
Trưởng Phòng quản lý du lịch, Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh
Thanh Hóa Nguyễn Thị Nguyệt thông tin thêm: Trong năm ngày nghỉ dịp lễ 30-4 và
1-5 năm nay, Thanh Hóa ước đón được 1.450 nghìn lượt khách du lịch, tăng 38,6%
so với cùng kỳ, trong đó có 6.900 khách quốc tế đi du lịch ở Thanh Hóa. Tổng
doanh thu du lịch đạt 2.780 tỷ đồng, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm 2018.
* Theo số liệu thống kê của sở du lịch Quảng Ninh từ
ngày 27-4 đến ngày 1-5, lượng khách du lịch đến các điểm tham quan trên địa bàn
tỉnh tăng mạnh, đạt 625.400 lượt, tăng 18% so với cùng kỳ.
Trong đó, khách lưu trú đạt khoảng hơn 54 nghìn lượt, trong đó
khách lưu trú quốc tế đạt khoảng 41.720 lượt với hơn 70 quốc tịch và vùng lãnh
thổ. Thị trường khách chủ yếu là Trung Quốc đạt 12.402 lượt, Hàn Quốc đạt 5.490
lượt, Đài Loan đạt 2.839 lượt….Công suất buồng, phòng khách sạn từ 3 đến 5 sao
trên địa bàn thành phố Hạ Long đạt trung bình 80 đến 90%.
Khách thăm vịnh Hạ Long đạt 100.952 lượt tăng 20% so với cùng kỳ,
trong đó khách quốc tế đạt 40.926 lượt, xuất bến 3.651 chuyến tàu với 630 chuyến
tàu lưu trú. Riêng ngày 29-4 xuất bến 822 chuyến tàu với 24.312 lượt du khách
đi tham quan vịnh Hạ Long, trong đó khách quốc tế là 8.619 lượt; Khách thăm
quan tại một số khu, điểm du lịch như: Uông Bí ước đạt 35.935 lượt;Đông Triều đạt
25.600 lượt; Vân Đồn - Quan Lạn - Minh Châu ước đạt khoảng 33.400 lượt; Cô Tô đạt
khoảng 33.200 lượt; Hải Hà ước đạt 7.500 lượt; Móng Cái ước đạt hơn 16 nghìn lượt;
công viên Hạ Long đạt khoảng 67 nghìn lượt, Bảo tàng Quảng Ninh đạt khoảng
15.700 lượt khách; Khách du lịch lữ hành nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế Móng
Cái đạt khoảng 18.905 lượt, trong đó khách hộ chiếu là 11.741 lượt, khách đi giấy
thông hành là 3.118 lượt; Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đón 14 chuyến bay đến
Quảng Ninh với 2.473 khách.
Với việc chuẩn bị chu đáo cùng sự vào cuộc tích cực của các Sở,
ban, ngành, địa phương trong việc tổ chức các sự kiện, chương trình sôi nổi, hấp
dẫn phục vụ khách du lịch đã góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch của tỉnh Quảng
Ninh trong mùa du lịch năm nay. Không gian du lịch được mở rộng đến các địa
phương như Đông Triều, Uông Bí, Móng Cái, Cô Tô, Cẩm Phả, Hải Hà, Vân Đồn…lượng
khách du lịch và công suất phòng tăng mạnh. Quảng Ninh tiếp tục khẳng định là
điểm du lịch hấp dẫn với nhiều dịch vụ, sản phẩm du lịch đa dạng phong phú.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn đã tuân thủ quy
định và thực hiện chỉ đạo của tỉnh Quảng Ninh trong việc chủ động chỉnh trang
cơ sở vật chất; vệ sinh môi trường xanh, sạch, đẹp; trang trí băng zôn, khẩu hiệu,
cờ hoa; tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy, vệ sinh an toàn phục phẩm, mở
cửa liên tục đón khách; bố trí nhân lực phục vụ khách không để tình trạng thiếu
dịch vụ trong dịp cao điểm; thực hiện niêm yết giá dịch vụ; ký và thực hiện tốt
bản cam kết thực hiện nâng cao chất lượng dịch vụ lưu trú du lịch và an toàn thực
phẩm phục vụ khách du lịch; tổ chức các hoạt động nghệ thuật, vui chơi giải trí
phục vụ khách du lịch an toàn, chu đáo, tiêu biểu là Tập đoàn FLC, Công ty TNHH
Mặt Trời Hạ Long, Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh…
Đồng thời, việc khánh thành và đưa vào sử dụng đường bao biển và
khai trương bến thủy nội địa - bến du thuyền Bãi Cháy, tại phường Bãi Cháy,
thành phố Hạ Long, Quảng Ninh cùng với đường cao tốc Hạ Long - Cầu Bạch Đằng -
Hải Phòng; Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long và
cao tốc Hạ Long - Vân Đồn đã tạo thuận lợi cho việc thu hút khách du lịch trong
nước và quốc tế đến Quảng Ninh trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5.
TheoNhandan