.
Đèo Mã Pí Lèng được du khách mệnh danh là một trong 'tứ đại đỉnh
đèo' thuộc vùng núi phía Bắc của Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Chiến/TTXVN)
Từ năm 2015 đến nay, lượng khách du lịch đến với Hà Giang mỗi năm
đều tăng 10%. Tính riêng trong năm 2018, lượng khách du lịch đến với Hà Giang
đã đạt trên 1 triệu lượt người. Doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt gần 1.000 tỷ đồng.
Việc công nhận và tái công nhận Công viên Địa
chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn thực sự có ý nghĩa
rất lớn, tạo đòn bẩy cho ngành du lịch Hà
Giang phát triển.
Hào hứng khi đến thăm Hà Giang và Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO
Cao nguyên đá Đồng Văn, nữ du khách người Mỹ Laura Sunham chia sẻ: "Tôi biết
đến Việt Nam thông qua những người bạn và trên mạng xã hội. Đất nước Việt Nam rất
nổi tiếng với phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, trong đó có Công viên Địa chất
toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn. Cảnh quan thiên nhiên ở đây mang nét đặc trưng
riêng, không nơi nào có được. Tôi thực sự hào hứng khi đến nơi đây."
Từ một vùng núi đá khắc nghiệt, thiếu đất, thiếu nước để phát triển
kinh tế nông nghiệp, đồng bào các dân tộc vùng cao Hà Giang đã tìm hướng sinh kế
mới, biến những mảnh nương, những ngôi nhà của mình để phục vụ du khách thông
qua các hoạt động du lịch homestay, từng bước nâng cao đời sống.
Anh Trần Minh Thái ở thôn Chúng Pả A, thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo
Vạc (Hà Giang) cho biết anh làm dịch vụ du lịch từ hơn chục năm nay.
Theo anh, từ khi Cao nguyên đá Đồng Văn được Tổ chức Giáo dục,
Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Công viên Địa chất toàn
cầu năm 2010, khách du lịch trong và ngoài nước đến nhiều hơn. Căn nhà tường
trình (nhà làm bằng đất, mang lối kiến trúc cổ độc đáo của người Mông ở Hà
Giang) của gia đình anh được tu sửa và trở thành nhà nghỉ cộng đồng (Homestay).
"Du khách quốc tế luôn muốn được trải nghiệm và tìm hiểu những
nét văn hóa và phong tục bản địa. Nhờ đó, công việc kinh doanh đã tạo thu nhập
khá ổn định cho gia đình tôi," anh Thái cho biết.
Bà Mua Hồng Sinh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Mèo Vạc (Hà
Giang) cho biết trong gần 10 năm Cao nguyên đá
Đồng Văn được UNESCO công nhận là Công viên Địa chất toàn cầu,
hằng năm tốc độ tăng trưởng về du lịch của huyện đều tăng từ 10-20%. Lượng
khách du lịch đến với huyện vùng cao Mèo Vạc ngày càng tăng, đặc biệt là du
khách quốc tế.
Nhờ vậy, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm 4,57% trong năm
2018, còn trên 50%. Trung bình hằng năm tỷ lệ hộ nghèo giảm đạt 6%/năm. Mức thu
nhập của người dân năm sau cao hơn năm trước.
Nắm bắt cơ hội phát triển từ du lịch, đồng thời tạo nơi lưu trú
cho du khách, nhiều người dân ở 4 huyện vùng cao Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và
Mèo Vạc đã chủ động tu sửa, xây mới nhà để làm dịch vụ lưu trú (homestay), đem lại
nguồn thu nhập khá ổn định cho gia đình trong những năm qua.
Ông Nguyễn Ngọc Thanh, Bí thư Huyện ủy Đồng Văn, cho biết trong
phát triển kinh tế-xã hội, huyện Đồng Văn lấy phát triển du lịch và dịch vụ làm
bước đột phá, tận dụng các tiềm năng lợi thế để phát triển du lịch.
Hằng năm, doanh thu từ du lịch, dịch vụ của huyện đạt trên 150 tỷ
đồng. Đời sống của người dân ngày càng được cải thiện, có thu nhập bền vững từ
du lịch.
Theo ông Lâm Tiến Mạnh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch
tỉnh Hà Giang, việc công nhận và tái công nhận Công viên Địa chất toàn cầu
UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn có ý nghĩa vô cùng quan trọng với Hà Giang.
Những bức tường núi đá ở Hà Giang. (Ảnh: Thanh Hà/TTXVN)
Năm 2018, lượng khách du lịch đến Hà Giang đạt trên 1,13 triệu lượt
người trong đó gần 300.000 lượt người là du khách quốc tế. Thu nhập từ du lịch
của Hà Giang đạt gần 1.000 tỷ đồng trong năm 2018.
Chỉ tính riêng ba tháng đầu năm nay, lượng khách du lịch đến với
Hà Giang đạt gần 300.000 lượt người.
Theo ông Lâm Tiến Mạnh, ngoài việc giúp bảo tồn những giá trị địa
chất địa mạo, cảnh quan thiên nhiên, cũng như những nét văn hóa truyền thống,
Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá
Đồng Văn còn tạo sinh kế cho người dân, nâng cao thu nhập và phát triển kinh tế-xã
hội nói chung và lĩnh vực du lịch nói riêng của Hà Giang./.
Theo TTXVN