Đồi cát Nam Cương, ở xã An Hải, huyện Ninh Phước được ví như một "tiểu sa mạc" của Ninh Thuận nói riêng và vùng duyên hải miền Trung nói chung với những triền cát độc đáo, trải dài đến tận chân trời.



Nét quyến rũ của đồi cát Nam Cương. 
Đồi cát Nam Cương có độ cao từ 20-30 mét, có nơi cao tới 100 mét so với mực nước biển. Đồi trải rộng trên diện tích khoảng 700 ha với những trảng cát dài nhấp nhô, uốn lượn. Bước chân lên đồi cát cao vút, du khách có thể phóng tầm mắt ra Biển Đông xanh ngắt với những con thuyền xa xa. Ở chiều ngược lại, phong cảnh núi non, đồng quê, làng mạc trải dài tạo nên sắc thái rất riêng, gợi cảm hứng sáng tác cho những bức ảnh đầy tính nghệ thuật.

Thời điểm đẹp nhất để chiêm ngưỡng và khám phá đồi cát Nam Cương là buổi sớm dịu mát và lúc chiều về. Khi bình minh lên, những tia nắng len lỏi trên những trảng cát vàng làm nổi bật lên các hình khối. Màu sắc của những hạt cát li ti, óng ánh tuyệt đẹp. Vào buổi chiều lộng gió, du khách sẽ có cơ hội chứng kiến sự thay đổi hình dạng liên tục của những đường cong nơi triền cát tựa như dải lụa mềm mại phất phơ trong nắng vàng.

Đặc biệt, sau mỗi đợt gió lớn, gió làm thay đổi vân cát liên tục, tạo cho đồi cát các hình dạng rất độc đáo mô phỏng những con vật ngộ nghĩnh hay trông như một thiếu nữ đang nằm nghiêng tạo dáng. Có lúc,những ngọn núi cát phình to hai bên tựa như đống rơm vàng lạ mắt. Thú vị nhất khi du khách bước chân trần trên cát cảm nhận từng hạt cát chạm nhẹ rồi vụt bay theo cơn gió khỏa lấp những lối mòn trên cát.

Chị Lê Kiều Linh, du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Chị đã từng đi du lịch đến những đồi cát dọc các tỉnh miền Trung nhưng đồi Cát Nam Cương có nét đẹp rất riêng, độc đáo. Cát ở đây khá chặt, không lún quá sâu, đa dạng về độ cao và độ dốc rất thích hợp để đi ngắm cảnh, chơi trượt cát. Ngoài ra, đồi cát Nam Cương còn là nơi gắn liền với đời sống của đồng bào Chăm với những hình ảnh lao động thường nhật rất bình dị đã cho chị và mọi người cảm giác thư thái khi đến đây.

Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận, tỉnh đang tập trung phát triển nhiều sản phẩm du lịch độc đáo nhằm tạo ra sự khác biệt. Trong đó, khám phá đồi cát Nam Cương là tour được gắn kết với các hoạt động du lịch biển, tìm hiểu văn hóa, làng nghề, khám phá đồi cát ở hai huyện Ninh Phước, Thuận Nam. Các đơn vị, công ty du lịch đang phát triển loại hình chạy xe mô tô, đua xe địa hình chinh phục đồi cát, trượt cát để du khách có thêm nhiều trải nghiệm mới lạ trong hành trình khám phá Ninh Thuận.

Đến khám phá đồi cát Nam Cương những ngày này, với thời tiết đẹp nhất trong năm ở Ninh Thuận, du khách có cơ hội chiêm ngưỡng những gì tuyệt vời nhất mà sa mạc cát mang lại. Ngoài ra, du khách còn có dịp trải nghiệm những vườn nho, táo trĩu quả trên cung đường dẫn vào đồi cát Nam Cương đầy cuốn hút.
 
                                          TheoBaotintuc

Các tin khác


Di sản văn hóa - du lịch góp phần quảng bá hình ảnh quốc gia

Di sản văn hóa luôn là nguồn tài nguyên quý báu, góp phần làm nên thương hiệu, hình ảnh của mỗi quốc gia, dân tộc.

Kỳ thú…Cát Bà

(HBĐT)-Cũng từng có dự định đi Cát Bà(huyện đảo Cát Hải-Hải Phòng) từ nhiều năm trước. Nhưng vì ngại, vì những bức ảnh chụp cảnh từng đoàn người rồng rắn chờ qua phà trên "phây-búc”(thời trước khi có con đường mới). Mỗi ngày chỉ có 2 chuyến phà ra đảo Cát Bà và việc di chuyển bằng phà cũng mất hơn 1 tiếng đồng hồ. Từ khi có cây cầu Lạch Huyện, các phương tiện ra đảo Cát Bà rút ngắn thời gian xuống còn 30 phút. Cây cầu đã "kéo” Cát Bà gần hơn với thành phố cảng, với du khách gần xa…Những ngày ngắn ngủi ở Cát Bà đã tạo nên trong lòng những dư vị thật tuyệt vời. Cát Bà…kỳ thú, chắc chắn sẽ còn cần phải trở lại…

Khai trương Cổng Du lịch thông minh tỉnh Hòa Bình

(HBĐT)- Ngày 18/11, UBND tỉnh phối hợp với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam tổ chức khai trương Cổng Du lịch thông minh tỉnh Hòa Bình. Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Tô Dũng Thái, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam và lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.

Huyện Kim Bôi: Bảo tồn, phát huy giá trị di tích

(HBĐT) - Hiện nay, huyện Kim Bôi có 5 di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh. Trong đó, khu mộ cổ Đống Thếch (xã Vĩnh Đồng) là di tích khảo cổ cấp quốc gia. Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh gồm: đình Chiềng (xã Vĩnh Đồng), chùa Bôi (xã Nam Thượng). Di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh: đình Lập (xã Lập Chiệng) và di tích cách mạng Bác Hồ về thăm Huyện ủy Kim Bôi (thị trấn Bo). Thời gian qua, huyện thực hiện nhiều giải pháp nhằm phát huy giá trị di tích trên địa bàn.

Du thuyền sông Đà, tại sao không?

Đã có rất nhiều tour du thuyền dọc các dòng sông ở Việt Nam, và hầu hết đều khá thành công. Nhưng đối với dòng sông Đà, đặc biệt là dọc theo lòng hồ, nơi có cảnh sắc thiên nhiên vô cùng tuyệt mỹ, dường như, tuyến du lịch trên sông lại chưa được du khách chú ý.

Lễ hội Óc om bóc - Đua ghe Ngo khu vực ĐBSCL năm 2019

Tại cuộc họp công tác báo chí tỉnh Sóc Trăng tháng 11, Ban tổ chức Lễ hội Óc om bóc - Đua ghe Ngo khu vực đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2019 đã giới thiệu các nội dung chính thức của lễ hội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục