(HBĐT) - Ai từng chơi chợ Tết ở Mường Bi hẳn sẽ luyến nhớ hình ảnh chị em phụ nữ Mường duyên dáng trong trang phục váy áo riêng có của dân tộc mình. Nhớ giọng nói, tiếng cười ríu rít của lũ trẻ theo chân mẹ, cha về chợ... Khung cảnh các phiên chợ từ vùng sâu, vùng xa, vùng cao, vùng thượng ở vùng đất cổ này sáng bừng lên bởi dòng người náo nức, hàng hóa tràn ngập, không khí đón Tết rộn ràng.    


Chợ vùng cao Lũng Vân phiên cuối năm rộn ràng hơi thở cuộc sống và bản sắc văn hóa vùng cao.

Muốn biết cuộc sống của người Mường Bi (Tân Lạc) thay đổi ra sao, chúng tôi "mục sở thị" phiên chợ Lồ, xã Phong Phú. Theo người dân bản xứ thì chợ Lồ bây giờ ở địa điểm mới, xê dịch vào khoảng 500 m so với vị trí trước đây. Có không gian điểm chợ tốt hơn, đảm bảo ATGT hơn, được xây dựng khang trang, thuận lợi cho giao lưu, giao thương hàng hóa. Hoạt động của chợ quy củ, ổn định hơn hẳn. Được ví như chợ trung tâm của Mường Bi, chợ Lồ phiên Tết sầm uất nhất, đông vui nhất, kéo dài 2 ngày liên tục vào thứ tư và thứ năm tuần cuối năm.

Từ khắp các vùng trong huyện, đồng bào các dân tộc đổ về đây chơi phiên chợ Tết Lồ. Ngày này, thật may là chợ có riêng một khu gửi xe rộng rãi trông giữ hàng nghìn lượt phương tiện xe đạp, xe máy nên không có cảnh lộn xộn. Dòng người tuy đông đúc vẫn có thể đi bộ thong dong vào chợ, thăm thú các gian hàng mà không có chuyện phải chen lấn, xô đẩy. Bên trong, chợ Lồ được chia thành các khu bán hàng riêng: khu nông sản, thực phẩm tươi sống, hàng bách hóa tổng hợp, gia dụng, thời trang may mặc... Trong phiên Tết, chợ Lồ bày biện cơ man hàng hóa phục vụ người dân mua sắm, từ bánh mứt, gạo nếp, lá dong, đào, quất đến các mặt hàng chăn, ga, gối, đệm, thiết bị điện tử - điện lạnh... Như lời bà Bùi Thị Khánh ở xóm Chiến, xã Nam Sơn thì đi chơi chợ Lồ chỉ ngắm một lượt đã đủ hoa mắt.

Chơi chợ Tết ở Mường Bi nếu có dịp, mời bạn đến với phiên chợ Lỗ Sơn. Nơi đây là địa bàn vùng sâu, vùng xa, như thường lệ, bà con sẽ đến họp chợ phiên và mua sắm Tết vào ngày thứ hai của tuần áp Tết. Khu vực họp chợ còn khá sơ sài, chủ yếu là các lán, các sạp hàng được dựng bằng tre, nứa. Tuy nhiên, không phải vì thế mà chợ kém đi phần tấp nập bởi người dân đến chợ cũng rất rộn ràng, hàng hóa phục vụ dịp Tết rất phong phú. Ấn tượng đặc biệt ở phiên chợ Tết Lỗ Sơn là không khí hân hoan sắm sửa đón Tết của người dân vùng sâu, vùng xa. Bà con từ vùng Gia Mô trở ra, Do Nhân trở vào xem chợ Tết giống như điểm hẹn để có thể gặp gỡ, tâm tình. Đây cũng là nơi người làng trên, xóm dưới có dịp hàn huyên, thăm hỏi sức khỏe, sẻ chia cuộc sống, tình hình mua sắm Tết đến đâu, đón Tết như nào... Nếu các phiên chợ theo định kỳ thường tan khá sớm, tầm 10 rưỡi sáng thì chợ Tết Lỗ Sơn chỉ kết thúc khi trời đã về chiều. Người đi chợ mua sắm chỉ thực sự thỏa mãn khi tay đã xách nặng, xe đạp, xe máy chất lỉnh kỉnh hàng hóa.

Trong số những phiên chợ Tết, phiên chợ Lũng Vân dường như đã quen thuộc với nhiều người, nhất là với những người có thú ngao du. Họp vào các ngày thứ ba trong tuần, mất khoảng 1 giờ đồng hồ từ thị trấn trung tâm của huyện Tân Lạc, trải nghiệm cung đường mây núi hữu tình, chim chóc líu lo, đào xuân nở rộ, du khách sẽ có mặt ở phiên chợ Tết giàu bản sắc của người Mường 5 xã vùng cao Lũng Vân, Quyết Chiến, Nam Sơn, Bắc Sơn, Ngổ Luông. Tết đến, người người, nhà nhà đi chơi chợ. Ai cũng háo hức chờ dịp này để diện những bộ cánh mới tinh, thu xếp mọi việc để đi chơi thỏa thích cả ngày. Các mẹ, các chị đem quýt, su su, khoai sọ, tỏi tía... những thứ của nhà trồng bày thành hàng dài trong phiên chợ, miệng luôn nhoẻn cười, xởi lởi mời chào khách ghé thăm. Nhiều du khách cho rằng đã đến Tân Lạc thì dứt khoát phải đi chợ Tết vùng cao. Ở đây, không chỉ đến để tìm những điều mới lạ mà quan trọng là được hòa vào hơi thở, nhịp sống của người bản xứ.     

 Bạn cũng đừng quên ghé thăm phiên chợ Tết xóm Thăm (còn gọi là chợ Sông) thuộc vùng đặc biệt khó khăn xã Trung Hòa nếu có dịp. Đây chắc chắn là một trong những phiên chợ độc đáo nhất của vùng Mường Bi bởi chợ họp trên sông. Hình ảnh tấp nập trên bến, dưới thuyền, việc mua bán, giao lưu, giao thương diễn ra ngay dọc tuyến sông được tái hiện rõ nhất ở phiên chợ Tết. Theo anh Bùi Văn Hiển ở xóm Thăm, bình thường đã đông, chợ sông ngày Tết còn thu hút khách gấp 5, gấp 10 lần. Không riêng bà con các vùng đến đây mua bán, trao đổi hàng hóa mà chợ còn hấp dẫn một lượng lớn khách từ nhiều nơi khác đến thăm quan, trải nghiệm. Nhiều người nhằm đúng vào thứ sáu để có cơ hội đến với phiên chợ Tết thú vị này.

Trên vùng Mường Bi rộng lớn, giàu bản sắc văn hóa này còn có nhiều phiên chợ cuốn hút khác như chợ Đông Lai họp 2 phiên vào thứ hai và thứ tư, chợ Ngọc Mỹ, Phú Cường họp vào thứ bảy ... Các phiên chợ sẽ diễn ra gần như không trùng khớp về thời gian giúp có thể khám phá từng phiên một cách đầy đủ, sâu sắc nhất. Dịp Tết Nguyên đán Canh Tý này, du khách hãy đến thăm, dừng chân trải nghiệm, khám phá các phiên chợ Tết để hiểu thêm về văn hóa, phong tục tập quán, nét đẹp trong đời sống sinh hoạt của người Mường Bi.

 
Bùi Minh

Các tin khác


Hội đồng Doanh nghiệp ASEAN-Mỹ hỗ trợ Campuchia phát triển du lịch

Hội đồng Doanh nghiệp ASEAN-Mỹ sẽ hỗ trợ Campuchia quản lý ngành du lịch, đa dạng hóa và phát triển các sản phẩm du lịch thông qua các dự án đầu tư.

Rực rỡ sắc màu chợ hoa truyền thống trên phố cổ Hà thành

Chợ hoa Tết truyền thống tại các tuyến phố Hàng Lược, Hàng Mã, mà người dân thường quen gọi là Chợ hoa Hàng Lược đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của người dân Hà thành.

Hội hoa Xuân TP Hồ Chí Minh sẽ kéo dài 12 ngày

Hội hoa Xuân TP Hồ Chí Minh năm 2020 sẽ được tổ chức trong 12 ngày, từ ngày 19 - 30/1/2020 (tức ngày 25 tháng Chạp đến mùng 6 tháng Giêng âm lịch) để phục vụ người dân du Xuân, đón Tết Nguyên đán 2020.

Tiếp tục tạo đà phát triển du lịch trên địa bàn

(HBĐT) - Ngày 13/1, Hiệp hội Du lịch tỉnh đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2020.

Hơn 100.000 vé máy bay và gần 20.000 tour giá rẻ tại VITM 2020

Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam năm 2020 (VITM) sẽ diễn ra từ ngày 1 đến ngày 4/4/2020 tại Hà Nội với chủ đề "Di sản- Nguồn lực của Việt Nam”.

Du Xuân non nước Cao Bằng

Cao Bằng, tỉnh miền núi biên giới Đông Bắc có diện tích tự nhiên 6.703,42 km2, diện tích núi rừng chiếm hơn 90%, là cao nguyên đá vôi xen với đất, độ cao trung bình trên 300m, vùng giáp biên có độ cao từ 600 đến 1.300m so với mặt nước biển. Là tỉnh có địa hình khá đa dạng, nhiều sông suối, đồi núi trùng điệp, thung lũng sâu… đã tạo ra nhiều tiểu vùng sinh thái đặc thù có thể phát triển những sản phẩm đặc trưng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục