(HBĐT) - Nói đến Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến, không thể không nói đến khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nơi được xem là biểu tượng văn hóa - lịch sử, trường đại học đầu tiên của nước ta. Biết bao thế hệ đã coi khu di tích này là biểu tượng trí tuệ, truyền thống hiếu học của dân tộc. Từ những giá trị vô cùng to lớn, năm 2012, Văn Miếu - Quốc Tử Giám được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Nơi đây luôn là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Nhất là những ngày đầu xuân, du khách chen chân mong được hướng lòng tôn kính lên đức Khổng Tử, thầy giáo Chu Văn An để học đạo làm người và ước nguyện cuộc sống bình an, thuận hòa, con đường học vấn hanh thông, đỗ đạt.



Xin chữ là nét đẹp văn hóa không thể thiếu trong những ngày đầu xuân ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội).

Tìm hiểu qua sử sách được biết, quần thể Văn Miếu - Quốc Tử Giám có tường gạch vồ bao quanh, phía trong chia thành 5 lớp không gian với kiến trúc khác nhau, mỗi lớp được giới hạn bởi các tường gạch có 3 cửa thông với nhau. Từ ngoài vào trong có các cổng: Văn Miếu, Đại Trung, Đại Thành và cổng Thái Học.

Văn Miếu được xây dựng năm 1070, đời vua Lý Thánh Tông. Khuê Văn Các và bia tiến sỹ là điểm nhấn của khu di tích. Khuê Văn Các xây dựng năm 1805 dưới triều Nguyễn, có kiến trúc 2 tầng, 8 mái, tầng dưới là 4 trụ gạch. Tầng trên là kiến trúc gỗ hai tầng mái lợp ngói ống. Bốn mặt gác trổ 4 cửa sổ hình tròn với các trấn song con tiện tượng trưng cho các tia của sao Khuê đang tỏa sáng. Phía trên treo một tấm biển sơn son thiếp vàng đề 3 chữ Hán: "Khuê Văn Các”. Xung quanh 4 mặt có các câu đối chữ Hán ca ngợi vẻ đẹp văn hóa, văn chương. Hai bên gác Khuê văn có hai cửa nhỏ là: Bí văn - văn chương trau chuốt, sáng sủa và Súc văn - văn chương hàm ý, xúc tích.

82 bia Tiến sỹ lưu danh họ tên, quê quán của hơn 1.300 tiến sỹ tại 82 khoa thi từ năm 1442 - 1779. Hệ thống bia Tiến sỹ được xem là những pho sử liệu bằng đá vô cùng độc đáo, quý giá, bởi đã cung cấp nhiều tư liệu quý về lịch sử khoa cử Việt Nam và chứa đựng các giá trị văn hóa khác. Hai dãy nhà bia được dựng lại năm 1994, gồm 8 nhà che bia, sắp xếp bia tiến sỹ mỗi bên bốn dãy, mỗi nhà đặt 10 bia. Hai tấm bia ghi nội dung khoa thi năm 1442 và 1448 được đặt vào giữa hai tòa Bi đình. Ý tưởng dựng bia ghi tên các tiến sỹ khởi phát từ vua Lê Thánh Tông, là vị hoàng đế học sâu, hiểu rộng, quan tâm nhiều đến sự hưng thịnh của đất nước và nền văn hóa dân tộc. Nhận thấy sự cần thiết phải biểu dương nhân tài để khuyến khích việc học tập trong toàn dân, nhất là các thế hệ học trò, năm 1484, vua đã xuống chiếu cho truy dựng từ khoa thi 1442 và lệ dựng bia được bắt đầu từ đây. Những tấm bia đề danh tiến sỹ là biểu tượng của tinh thần hiếu học, đồng thời là sự tôn vinh của các thời đại với những người đã thành danh trên con đường học tập, rèn luyện để trở thành người có ích cho xã hội.

Từ ý nghĩa sâu sắc đó, 82 bia Tiến sỹ đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới toàn cầu. Năm 2015, hệ thống bia Tiến sỹ được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là bảo vật quốc gia.

Nằm sau khu Văn Miếu là khu Quốc Tử Giám với nhà Tiền đường, Hậu đường, Tả vu, Hữu vu, nhà chuông, nhà trống hai bên. Đây là nơi xưa kia dựng trường Quốc Tử Giám, nơi đào tạo hàng ngàn nhân tài cho đất nước. Trải qua thăng trầm của lịch sử, Quốc Tử Giám bị tàn phá. Năm 1999, toàn bộ khu Thái Học ngày nay mới được xây dựng lại. Từ ý nghĩa văn hóa - lịch sử và nhằm tôn vinh sự hiếu học của dân tộc, hàng năm, nhà Tiền Đường được lựa chọn là nơi tổ chức các buổi lễ tuyên dương, khen thưởng học sinh giỏi, giáo viên giỏi và các hội thảo khoa học, các buổi lễ quan trọng của Thủ đô Hà Nội và của Nhà nước. Nơi đây cũng là sự lựa chọn số một của nhiều thế hệ HS-SV các tỉnh, thành phố khi tổ chức các cuộc hành trình về nguồn và đặc biệt là trước mỗi kỳ thi quan trọng, mang ý nghĩa bước ngoặt của cuộc đời.

Một bộ phận không thể tách rời của Văn Miếu - Quốc Tử Giám là hồ Văn. Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, nơi đây đã diễn ra Hội Chữ xuân Canh Tý với chủ đề "Thành Đức”, thu hút hàng chục nghìn người. Gặp gia đình chị Thu Thủy, quận Đống Đa xin thầy đồ 2 chữ "Thành, Đạt”, chị trải lòng: "Mấy năm gần đây, gia đình mình đều lựa chọn Văn Miếu là điểm du xuân đầu tiên, vừa muốn nhắc nhở con cái biết trân quý sự học, đạo học, vừa xin chữ đầu năm cho cả nhà với mong ước được thuận vạn sự”.

Hội Chữ xuân Canh Tý đã kết thúc, nhưng thông điệp truyền tải "Thành Đức” để "Đạt Tài” chắc chắn vẫn khắc sâu với những ai được tham gia. Để rồi càng thấm thía hơn những giá trị tốt đẹp về hiếu học, hiếu nghĩa, tôn sư trọng đạo, tôn trọng hiền tài của Văn Miếu – Quốc Tử Giám.


Thu Hiền


Các tin khác


Du lịch Hòa Bình đón 195.000 lượt khách dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 (từ ngày 27/4 - 1/5), du lịch tỉnh Hòa Bình đón 195.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm và khám phá. So với cùng kỳ năm trước, lượng khách đến tăng 14,7%, trong đó có 20.000 lượt khách quốc tế, tăng 33,3%; 175.000 lượt khách nội địa, tăng 6,1%.

Khởi sắc du lịch Hòa Bình

Lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng và tổng thu từ hoạt động du lịch năm 2023 có mức tăng trưởng tốt cho thấy sự phục hồi tích cực, tạo đà để du lịch Hòa Bình khởi sắc. Đồng chí Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL nhận định, du lịch của tỉnh đang phát triển thuận lợi, huy động được sự tham gia của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch và cộng đồng.

Trải nghiệm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái trên vùng lòng hồ Mai Châu

Bên cạnh thế mạnh du lịch cộng đồng, huyện Mai Châu đang tập trung khai thác tiềm năng phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng sinh thái tại các xã vùng lòng hồ, chủ yếu thuộc địa bàn xã Sơn Thuỷ. Từ đó mở ra cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp và người dân, đồng thời hình thành chuỗi dịch vụ lưu trú đa dạng, phong phú trên khu du lịch hồ Hòa Bình.

Du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe lên ngôi

Dịp 30/4 và 1/5 với 5 ngày nghỉ lên tiếp là thời gian lý tưởng để các gia đình chọn những điểm đến thư giãn, tìm về chốn an nhiên. Nhờ lợi thế giao thông thuận tiện, địa hình miền núi với vẻ đẹp hoang sơ, khí hậu mát mẻ, các khu du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe trên địa bàn tỉnh Hòa Bình hút khách dịp này.

Những điểm vui chơi, khám phá tại TP Hồ Chí Minh trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 này, nếu gia đình không đi du lịch xa thì những nơi như Khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên, Công viên văn hóa Đầm Sen, Thảo cầm viên Sài Gòn, Địa đạo Củ Chi, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định, bến Bạch Đằng… sẽ là những điểm đến thú vị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục