(HBĐT) - Xã vùng cao Pà Cò (Mai Châu) là nơi cư trú của cộng đồng người Mông. Với cảnh quan thiên nhiên còn hoang sơ, đặc biệt, người dân lưu giữ được nhiều phong tục, tập quán, nét văn hóa đẹp, nơi đây đã và đang trở thành điểm đến du lịch mới lạ, hấp dẫn trên hành trình khám phá những miền đất cửa ngõ Tây Bắc.

 


Nhóm du khách đến từ Thủ đô Hà Nội trải nghiệm hái mận ở xã Pà Cò (Mai Châu).

Chọn hướng xuất phát từ Thủ đô Hà Nội, du khách chỉ mất khoảng hơn 3 giờ để đến với nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Mông. Trên cung đường đích đến, du khách sẽ được tận hưởng khí hậu mát mẻ, chiêm ngưỡng vẻ đẹp rừng già nằm trong quần thể Khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia - Pà Cò, nơi có thể thực hiện tour đi bộ xuyên rừng với sự chỉ dẫn của người dân bản xứ.

Mùa hè là 1 trong 2 thời điểm khách thích đến Pà Cò nhất, thường vào các kỳ nghỉ lễ hay dịp cuối tuần. Để chào đón, nơi đây có một số nhà nghỉ du lịch cộng đồng đáp ứng nhu cầu đa dạng. Ấn tượng và nổi bật là nhà nghỉ du lịch cộng đồng của anh Phàng A Páo ở bản Chà Đáy, với lối kiến trúc mang đậm chất Mông, phong cách phục vụ chu đáo, chuyên nghiệp. Người chủ homestay này cũng chính là người đồng hành, dẫn dắt du khách đến với những hoạt động khám phá, trải nghiệm mới.

Nếu đúng dịp, du khách sẽ được trải nghiệm chợ phiên vùng cao. Chợ chỉ họp duy nhất 1 lần trong tuần, vào ngày Chủ nhật. Đây cũng là nơi hội tụ âm thanh nhịp sống, cũng như bản sắc văn hóa của đồng bào Mông. Để khám phá đầy đủ chợ phiên, nhiều du khách phải dành nguyên cả buổi, nhưng có một vài điểm đến ở chợ mà du khách khó có thể bỏ qua, một là nơi trao đổi, bán mua hàng hóa nông sản do bà con tự làm, hai là khu trưng bày, giới thiệu các sản phẩm truyền thống nằm ở phía cuối chợ. Sản phẩm ở đây là váy, áo, mũ, khăn được làm thủ công rất tỉ mỉ, tinh xảo trên nền nguyên liệu sợi dệt, vải lanh thô, vẽ sáp ong... Chị Đặng Huyền Linh, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: Đoàn chúng tôi rất hào hứng khi được khám phá chợ phiên. Chợ họp sôi động, nhiều sản phẩm độc đáo, đặc biệt là người dân sử dụng nhiều tiếng Mông, mặc trang phục váy áo rất rực rỡ.  

Mùa này cũng là thời vụ cây mận, cây đào ở Pà Cò đang cho quả chín. Với đồng bào người Mông ở Pà Cò, mận, đào chính là thứ quả xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đáng kể cuộc sống của bà con trong khoảng chục năm trở lại đây. Đi xuyên vào những rừng mận bạt ngàn. Tận hưởng cảm giác thư giãn giữa không gian xanh mát, được trèo cây, thu hái và thưởng thức những trái mận tươi giòn, chắc hẳn sẽ khiến nhiều người nhớ mãi.

Du khách sẽ được tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị khác như đi săn mây vào buổi sáng sớm, đón bình minh trên những đỉnh đồi lộng gió, những khu rừng nguyên sinh kỳ thú, thăm vườn chè Shan tuyết bạt ngàn. Thong dong, tự tại ngắm cảnh, hoặc tham gia cùng bà con thu hái chè, chanh leo, trải nghiệm vẽ sáp ong, làm giấy dó, giã bánh dầy, thăm làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Và tối đến, sau khi tắm mát, nghỉ ngơi, dùng bữa tối, khách nghỉ lại sẽ có dịp thưởng thức các tiết mục múa, khèn đặc sắc do đội văn nghệ của homestay biểu diễn. Đây cũng là những gói sản phẩm được các homestay đưa vào phục vụ miễn phí đối với khách thăm quan, trải nghiệm.

Theo ông Sùng A Màng, Chủ tịch UBND xã Pà Cò, khái niệm du lịch chỉ bắt đầu hình thành tại địa phương từ năm 2019, khi một vài homestay khởi động hoạt động đón khách đến trải nghiệm. Mặc dù còn mới mẻ, nhưng với việc không ngừng học hỏi, nâng cao chất lượng phục vụ, du lịch cộng đồng ở Pà Cò đã để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách. Ở bước khởi đầu năm 2019, lợi nhuận từ khai thác du lịch tại địa phương đạt trên 200 triệu đồng, tạo việc làm cho trên 20 lao động ở bản. Du lịch đồng thời tạo điểm nhấn đối với phát triển KT-XH ở Pà Cò, góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh, nét đẹp văn hóa người Mông, ngày càng thu hút đông đảo du khách trong nước, quốc tế đến với miền đất kỳ thú, hoang sơ và còn nhiều điều trải nghiệm, khám phá này.

Bùi Minh

Các tin khác


Trải nghiệm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái trên vùng lòng hồ Mai Châu

Bên cạnh thế mạnh du lịch cộng đồng, huyện Mai Châu đang tập trung khai thác tiềm năng phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng sinh thái tại các xã vùng lòng hồ, chủ yếu thuộc địa bàn xã Sơn Thuỷ. Từ đó mở ra cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp và người dân, đồng thời hình thành chuỗi dịch vụ lưu trú đa dạng, phong phú trên khu du lịch hồ Hòa Bình.

Du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe lên ngôi

Dịp 30/4 và 1/5 với 5 ngày nghỉ lên tiếp là thời gian lý tưởng để các gia đình chọn những điểm đến thư giãn, tìm về chốn an nhiên. Nhờ lợi thế giao thông thuận tiện, địa hình miền núi với vẻ đẹp hoang sơ, khí hậu mát mẻ, các khu du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe trên địa bàn tỉnh Hòa Bình hút khách dịp này.

Những điểm vui chơi, khám phá tại TP Hồ Chí Minh trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 này, nếu gia đình không đi du lịch xa thì những nơi như Khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên, Công viên văn hóa Đầm Sen, Thảo cầm viên Sài Gòn, Địa đạo Củ Chi, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định, bến Bạch Đằng… sẽ là những điểm đến thú vị.

Kiểm tra các dự án phát triển du lịch tại huyện Đà Bắc

Ngày 23/4, Ban chỉ đạo thực hiện Đề án phát triển du lịch hồ Hòa Bình thành khu du lịch quốc gia, do đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác phát triển du lịch tại huyện Đà Bắc.

Ấn tượng du lịch thành phố bên sông Đà

Không chỉ được biết đến là miền đất có thiên nhiên tươi đẹp, nền văn hoá đặc trưng, TP Hòa Bình còn có ẩm thực độc đáo với những món ăn ngon, lạ miệng, hương vị rượu cần nổi tiếng. Điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa và con người đã tạo nên tiềm năng du lịch phong phú, hấp dẫn cho điểm đến.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục