(HBĐT) - Tọa lạc ở độ cao 1.227 m so với mặt nước biển, đền Thượng Ba Vì - đền thờ thánh Tản Viên (Sơn Tinh) nằm trên một đỉnh núi cao thuộc khuôn viên Vườn quốc gia Ba Vì, xã Ba Vì, huyện Ba Vì (TP Hà Nội). Với khí hậu mát mẻ, dễ chịu, quanh năm có sương mù bao phủ tạo nên phong cảnh hữu tình, thu hút khách du lịch thập phương. Đến đây, du khách không chỉ được đắm chìm trong khung cảnh lãng mạn, huyền bí, nghe kể về những huyền tích xa xưa mà còn được khám phá những nét độc đáo của ngọn núi linh thiêng xứ Đoài.


Du khách thăm quan và chiêm bái tại đền thờ Bác Hồ trên đỉnh núi Vua, xã Ba Vì, huyện Ba Vì (TP Hà Nội).

Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, không thể đến những địa điểm du lịch hay khu vui chơi có tập trung đông người. Để đảm bảo an toàn cho bản thân và mọi người nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu thăm quan, vui chơi dịp lễ, gia đình tôi đã lựa chọn khám phá Vườn quốc gia Ba Vì - địa điểm cách không xa TP Hòa Bình, phù hợp để đi về trong ngày. Xuất phát từ TP Hòa Bình, đi qua huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) sẽ tới huyện Ba Vì (TP Hà Nội). Từ chân núi đi thêm gần 14 km đường đèo dốc quanh co, uốn lượn để lên đỉnh núi bắt đầu hành trình khám phá chốn bồng lai tiên cảnh. 

Từ cổng đền chỉ có một con đường duy nhất men theo triền núi với bậc đá nhỏ, hẹp, đủ để 2 - 3 người đi ngược chiều có thể tránh nhau. Bậc đá cao và dốc, không ít người phải dừng lại nghỉ chân nhiều lần mới có thể đến nơi. Trên đường đi, du khách có thể thưởng ngoạn thiên nhiên với các loại cỏ cây đặc trưng của rừng nhiệt đới. Những bông hoa lan rừng, hoa đỗ quyên ẩn hiện trong làn sương mờ ảo, tạo nên bức tranh phong cảnh hữu tình mê đắm lòng người. 

Lên tới đền Thượng, ấn tượng đầu tiên là ngôi đền nhỏ được xây theo hình chữ Nhất, đền chỉ có một mái lộ thiên lợp ngói nghiêng bên cửa hang. Mái sau của đền nằm ngầm bên dưới lòng tảng đá nên ngôi đền có thế khá vững chãi, trang nghiêm và độc đáo. Chính giữa ngôi Tam Bảo là tượng Đức Thánh Tản ngự trong long ngai sơn son thếp vàng. Bên tả thờ Đức Thánh Trần (Hưng Đạo Vương), bên hữu là ban thờ Tam tòa Thánh Mẫu (bà mẫu Thượng ngàn). Phía hậu cung chính là vách đá Thắt Cổ Bồng linh thiêng đã có từ ngàn đời. Đền Thượng tuy không lộng lẫy, đồ sộ nhưng lại huyền bí và linh thiêng. Đi qua sân đền chính về phía bên trái, leo thêm vài chục bậc đá sẽ lên đến nơi cao nhất của đền. Nơi đây có lầu tám góc, trong lầu đặt tượng Địa mẫu, bên cạnh là bệ thờ Mẫu Cửu Trùng Thiên, Quỳnh Hoa và Quế Hoa công chúa. Tại đây, phóng tầm mắt ra xa, vào những ngày trời nắng, ít sương mù có thể quan sát được phong cảnh huyện Ba Vì bên dưới chân núi. 

Kết thúc hành trình khám phá đền Thượng, tôi chọn thăm quan Đền thờ Bác Hồ nằm trên đỉnh Vua, nơi cao nhất của dãy núi Ba Vì với độ cao 1.296 m. Mặc dù phải leo 1.320 bậc đá để lên tới đền, nhưng đường lên có dốc thoải và dễ đi hơn. Ngôi đền mang phong cách kiến trúc truyền thống, có 8 mái đao uốn cong ở bốn phía, dựng trên những chiếc cột tròn trên chân đá tảng. Chính điện là không gian mở, rộng rãi với bệ thờ đá có bức tượng Bác Hồ đúc bằng đồng trong tư thế ngồi, phía trên là bức hoành phi ghi câu nói nổi tiếng của Bác: "Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Du khách cũng có thể thăm quan tháp báo thiên 13 tầng, cao 26,9 m được xây dựng năm 2011 ngay cạnh đó. 

Chị Bùi Hồng Liên, xã Kim Bôi (Kim Bôi) chia sẻ: Mỗi năm, gia đình tôi thường tổ chức đi thăm quan và hành lễ ở đền Thượng Ba Vì ít nhất một lần. Đến nơi linh thiêng, cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, gia đình bình an và may mắn. Ngoài ra, không khí mát mẻ, dễ chịu cũng là lý do mà chúng tôi luôn muốn đến đây. Năm nay, do ảnh hưởng dịch Covid-19, mọi người đến hành lễ tại đền cũng nhắc nhau giữ khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn trước khi vào chiêm bái tại đền. 


Khánh Linh 


Các tin khác


Khởi sắc du lịch Hòa Bình

Lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng và tổng thu từ hoạt động du lịch năm 2023 có mức tăng trưởng tốt cho thấy sự phục hồi tích cực, tạo đà để du lịch Hòa Bình khởi sắc. Đồng chí Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL nhận định, du lịch của tỉnh đang phát triển thuận lợi, huy động được sự tham gia của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch và cộng đồng.

Trải nghiệm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái trên vùng lòng hồ Mai Châu

Bên cạnh thế mạnh du lịch cộng đồng, huyện Mai Châu đang tập trung khai thác tiềm năng phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng sinh thái tại các xã vùng lòng hồ, chủ yếu thuộc địa bàn xã Sơn Thuỷ. Từ đó mở ra cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp và người dân, đồng thời hình thành chuỗi dịch vụ lưu trú đa dạng, phong phú trên khu du lịch hồ Hòa Bình.

Du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe lên ngôi

Dịp 30/4 và 1/5 với 5 ngày nghỉ lên tiếp là thời gian lý tưởng để các gia đình chọn những điểm đến thư giãn, tìm về chốn an nhiên. Nhờ lợi thế giao thông thuận tiện, địa hình miền núi với vẻ đẹp hoang sơ, khí hậu mát mẻ, các khu du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe trên địa bàn tỉnh Hòa Bình hút khách dịp này.

Những điểm vui chơi, khám phá tại TP Hồ Chí Minh trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 này, nếu gia đình không đi du lịch xa thì những nơi như Khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên, Công viên văn hóa Đầm Sen, Thảo cầm viên Sài Gòn, Địa đạo Củ Chi, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định, bến Bạch Đằng… sẽ là những điểm đến thú vị.

Kiểm tra các dự án phát triển du lịch tại huyện Đà Bắc

Ngày 23/4, Ban chỉ đạo thực hiện Đề án phát triển du lịch hồ Hòa Bình thành khu du lịch quốc gia, do đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác phát triển du lịch tại huyện Đà Bắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục