(HBĐT) - Được thiết kế, xây dựng trong khuôn viên rộng khoảng trên 30 ha, với cảnh sắc hữu tình và nhiều công trình phụ trợ phục vụ hội nghị, hội thảo, nghiên cứu khoa học, vui chơi, giải trí…, từ nhiều năm qua, Công viên di sản các nhà khoa học Việt Nam tại xóm Tiềng, xã Bắc Phong (Cao Phong) không chỉ được biết đến là điểm du lịch hấp dẫn, mà còn là nơi thắp sáng đam mê nghiên cứu khoa học, tinh thần vượt khó của những nhân tài thuộc nhiều lĩnh vực.
Du khách thăm quan khu triển lãm trưng bày hình ảnh, tư liệu tại Công viên di sản các nhà khoa học Việt Nam, xã Bắc Phong (Cao Phong).
Bằng chất giọng nhẹ nhàng, trong trẻo, thuyết minh viên Bùi Thị Đảm lần lượt giới thiệu hiện vật, kỷ vật, sản phẩm nghiên cứu của 100 nhà khoa học được trưng bày tại bảo tàng. Mỗi kỷ vật, từ học bạ, sổ ghi chép, tờ quyết định hay những phát minh, sáng chế trong hoạt động nghiên cứu khoa học, những hiện vật đời thường đều mang thông điệp riêng gợi nhớ về quá khứ, phản ánh một phần cuộc sống của nhà khoa học. Đồng thời tái hiện bối cảnh lịch sử của từng giai đoạn mà ở đó, các nhà khoa học là những nhân chứng sống.
Tại gian trưng bày hiện vật nền giáo dục Việt Nam trước và sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Đó là những kỷ vật đặc biệt, những câu chuyện kể về một thế hệ học sinh Việt Nam thời thuộc Pháp như: Cuốn học bạ phản ánh kết quả học tập của "Thần đồng Thành Nam” Phạm Đồng Điện (tức giáo sư Phạm Đồng Điện, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội, một trong những nhân vật được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ nghiên cứu vũ khí phục vụ kháng chiến chống Pháp). Kế đó là gian trưng bày, giới thiệu những hiện vật, hình ảnh và công trình nghiên cứu của các nhà khoa học tiêu biểu trong lĩnh vực y học. Đó là con dao mổ và bức ảnh sinh viên Y4 Phạm Văn Phúc, sau này là PGS.TS Phạm Văn Phúc thực hiện ca phẫu thuật mà bệnh nhân là chiến sỹ La Văn Cầu (Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân La Văn Cầu) trong Chiến dịch Biên giới 1950. Cũng tại đây, du khách được biết tới gương mặt và công trình nghiên cứu của "tứ trụ" nền y học Việt Nam trong kháng chiến. Đó là giáo sư (GS) Tôn Thất Tùng, tên ông đã được đặt cho một con phố ở Hà Nội; GS Đặng Văn Chung, GS Chu Văn Tường và GS Đinh Văn Thắng. Trong đó trưng bày trang trọng bản thảo cuốn sách "Phẫu thuật lớn và nhỏ về gan" do Nhà xuất bản Masson (Paris - Pháp) ấn hành năm 1979. Bản thảo gồm 216 trang, được GS Tôn Thất Tùng viết tay, đánh máy tiếng Pháp bằng nhiều loại mực khác nhau trên nhiều loại giấy như giấy kẻ ô ly, giấy poluya. Cuốn sách được xuất bản đã gây tiếng vang lớn trong giới phẫu thuật trên thế giới. Các nhà khoa học gọi phương pháp cắt gan của GS Tôn Thất Tùng là phương pháp cắt gan khô, hay còn gọi là "phương pháp Tôn Thất Tùng". Bởi vậy, đây được xem như một cuốn sách nổi tiếng thế giới. Cũng liên quan đến lĩnh vực y học, trong không gian trưng bày còn dựng lại mô hình phòng mổ (phòng cấp cứu thời kỳ kháng chiến). "Đây là phòng cấp cứu ở chiến trường nhưng nhiều khi được gọi chệch thành "phòng cướp cứu" - cướp bệnh nhận từ đường tên, mũi đạn của kẻ thù để cứu chữa giành lại sự sống cho bộ đội, chiến sỹ ta, những người đã xả thân vì độc lập, tự do của dân tộc" - thuyết minh viên nhấn mạnh.
Dừng lại ở kỷ vật là đôi dép cao su, đặc biệt chiếc trái cao 15 cm trong khi chiếc phải chỉ cao 2 cm, thuyết minh viên say sưa kể về nghị lực phi thường của người lính cụ Hồ: PGS.TS, Anh hùng lao động Lý Hòa, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh. Bị thương trong một trận chiến đấu với địch ở Tiền Giang, chàng thanh niên Lý Hòa là 1 trong 16 người đầu tiên được chuyển ra Bắc tập kết. Suốt 5 năm, từ 1953 -1958, chiến sỹ Lý Hòa trải qua 16 lần phẫu thuật. Xuất viện với tình trạng sức khỏe hạng D, ông trở lại với con đường học tập, sau này trở thành nhà nghiên cứu viết những đề tài xuất sắc phục vụ cho sự phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Không chỉ trưng bày, giới thiệu thành tựu về y học, toán học, sinh học, địa chất… gian trưng bày còn tạo điểm nhấn với những hiện vật đặc tả "dấu tích” của thời kỳ bao cấp. Đó là những bức ảnh, mô hình hiện vật tái hiện những ngôi nhà tập thể, những chiếc xe đạp, tem, phiếu mua hàng, sổ gạo… để người xem hiểu rõ hơn về một chặng đường đã qua của đất nước.
Dành trọn một ngày thăm quan, tìm hiểu và trải nghiệm tại công viên di sản, ông Nguyễn Minh Đức, du khách đến từ Hà Nội cho rằng: Với vị trí địa lý, không gian và những công trình nghiên cứu được lưu trữ, trưng bày, giới thiệu, ngoài công năng để nghỉ ngơi, thư giãn, công viên di sản thực sự là nơi thích hợp cho việc tổ chức các sự kiện hội thảo, tọa đàm, tổ chức các lớp giáo dục kỹ năng sống cho thế hệ trẻ. Ông hẹn ngày trở lại với những người bạn, những đồng sự công tác trong ngành giáo dục để thưởng thức, cảm nhận rõ hơn không gian lưu trữ tri thức Việt.
Thúy Hằng (Hội Nhà báo tỉnh)
(HBĐT) - Tại khu du lịch cộng đồng Mó Hém, xã Tiền Phong, UBND huyện Đà Bắc vừa tổ chức hội thảo về giải pháp phát triển du lịch huyện. Dự hội thảo có đại diện tổ chức AOP tại Việt Nam, lãnh đạo các xã Tiền Phong, Hiền Lương, Cao Sơn và các hộ kinh doanh dịch vụ du lịch cộng đồng.
Làng Văn hóa du lịch cộng đồng (LVHDLCĐ) dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi (Mèo Vạc- Hà Giang) là nơi tập trung nhiều nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông.
(HBĐT) - Phát huy những tiềm năng, lợi thế về du lịch của địa phương, huyện Yên Thủy đã đặt ra mục tiêu phát triển du lịch tâm linh, tín ngưỡng; trở thành điểm đến thân thiện, an toàn, hấp dẫn khách du lịch.
(HBĐT) - Tính đến hết năm 2020, trên địa bàn huyện Đà Bắc có 18 dự án, trong đó có 5 dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư, tập trung ở các xã vùng hồ. Tiêu biểu là dự án xây dựng khu du lịch (KDL) thiên nhiên Robinson, KDL Mai Đà Resort - xã Tiền Phong; KDL sinh thái nghỉ dưỡng Vầy Nưa - xã Vầy Nưa; dự án trồng rừng kết hợp với du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Hiền Lương - xã Hiền Lương.
(HBĐT) - Trải qua một thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn huyện Mai Châu bước vào giai đoạn tái phục hồi. Với mục tiêu kích cầu du lịch nội địa, huyện tập trung thực hiện giải pháp giữ vững vùng xanh, giữ "thương hiệu” điểm đến an toàn.
Tối 2/11, Văn phòng Chính phủ công bố văn bản số 8044/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đối với đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về Hướng dẫn tạm thời thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.