(HBĐT) - Những ngày cuối tháng 9, trong chuyến thăm Báo Bắc Kạn, chúng tôi có dịp ghé thăm hồ Ba Bể, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể (Bắc Kạn). Đây là khu du lịch sinh thái nổi tiếng của vùng Đông Bắc với nhiều phong cảnh kỳ thú và đa dạng về sinh học. Đến với hồ Ba Bể, chúng tôi được đắm mình trong cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, được thưởng thức những món ăn truyền thống, khám phá bản sắc văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc nơi đây.
Hồ Ba Bể, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể (Bắc Kạn) có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, thu hút nhiều du khách đến thăm quan, trải nghiệm.
Hồ Ba Bể cách thành phố Bắc Kạn 70 km về phía Tây Bắc, nằm ở trung tâm Vườn Quốc gia Ba Bể; phía Đông Bắc giáp xã Cao Trĩ và Khang Ninh; phía Đông Nam giáp xã Nam Cường và xã Đà Vị, huyện Na Hang (Tuyên Quang). Đây là một trong những hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Việt Nam. Năm 1995, hồ Ba Bể được hội nghị Hồ nước ngọt thế giới tổ chức tại Mỹ công nhận là 1 trong 20 hồ nước ngọt đặc biệt của thế giới cần được bảo vệ.
Hồ được hình thành cách đây khoảng 200 triệu năm do một biến động địa chất lớn, làm sụt lún các dãy núi đá vôi tạo thành, được bao bọc bởi các dãy núi đá vôi xen lẫn sa thạch cổ và những cánh rừng nguyên sinh. Địa chất và địa mạo của khu vực hồ hết sức phức tạp, đã tạo nên phong cảnh đẹp ngoạn mục với cấu trúc địa chất và đất đai có một không hai, điều đó kéo theo sự hình thành của nhiều hệ sinh thái khác nhau. Qua khảo sát cho thấy, sự pha trộn phức tạp của các hệ sinh thái các-xtơ (hiện tượng phong hóa đặc trưng của những miền núi đá vôi bị nước chảy xói mòn) điển hình và hệ sinh thái phi các-xtơ trong sự hài hòa với các hệ sinh thái sông hồ. Sự đa dạng về địa chất và sinh học như vậy khó có thể bắt gặp ở các nơi khác trên thế giới.
Hồ Ba Bể nằm ở cánh cung sông Gâm, địa hình gồ ghề và cắt xé bởi các ngọn núi cao từ 1.400 - 1.600 m, xen kẽ là các thung lũng. Hồ Ba Bể được hợp thành từ 3 hồ có tên là Pé Lèng, Pé Lù và Pé Lầm. Hồ có chiều dài hơn 8 km, nơi rộng nhất 2 km, diện tích mặt nước khoảng 500ha, độ sâu trung bình 20 m, có những nơi sâu đến 35 m, có nhiều loài thủy vật và cá nước ngọt sinh sống, trong đó có nhiều loài đặc biệt quý hiếm được ghi vào sách đỏ Việt Nam như cá chép kính, dầm xanh, cá chiên… Nước hồ Ba Bể trong xanh, quanh năm mát mẻ, toàn cảnh hồ như một bức tranh thủy mặc, in đậm bóng núi, lồng lộng mây trời, nhìn như một chiếc gương khổng lồ phản chiếu những dãy núi uốn lượn vòng cung ẩn hiện trên mặt nước. Trên mặt hồ có nhiều đảo nhỏ xinh đẹp như đảo Bà Góa, đảo An Mạ…
Hồ Ba Bể khoác trên mình sự hùng vĩ của núi rừng và một nét duyên dáng, mềm mại với làn nước hòa quyện cùng trời đất, núi rừng bao quanh, lúc xanh rêu, lúc xanh lam, khi lại lẫn sắc vàng của bóng cây, khi sắc trắng của những đám mây…
Sau khi chiêm ngưỡng hồ Ba Bể bằng chiếc thuyền nhỏ, chúng tôi được các đồng nghiệp Báo Bắc Kạn tiếp đón bằng tình cảm chân tình, nồng hậu. Được trải nghiệm 1 đêm nghỉ ngơi ven hồ và thưởng thức các món ăn đặc sản của người dân. Hồ Ba Bể với vẻ đẹp hoang sơ, tình người ấm áp chắc chắn sẽ là điểm du lịch thu hút ngày càng đông du khách đến thăm quan, trải nghiệm. Chia tay hồ Ba Bể, hẹn gặp lại các đồng nghiệp Báo Bắc Kạn vào một ngày sớm nhất để chứng kiến sự "thay da đổi thịt" của mảnh đất này. Nếu một lúc nào đó bạn cần chút bình yên, cần sự tĩnh lặng thì hãy tới hồ Ba Bể để hưởng trọn không khí trong lành, tinh khiết và thanh tao.
Linh Trang
(HBĐT) - Sở hữu nguồn tài nguyên đa dạng, bao gồm cả tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa, 3 xã vùng cao: Vân Sơn, Quyết Chiến, Ngổ Luông (Tân Lạc) đang từng bước khai thác tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch. Mới đây, tỉnh đã ban hành nghị quyết, đồng thời định hướng xây dựng nơi đây trở thành khu du lịch cấp tỉnh vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
(HBĐT) - Những ngôi nhà trệt truyền thống náu mình giữa những tán cây cổ thụ. Bên trong ngôi nhà là không gian sinh sống vẫn còn nhiều thứ vẹn nguyên của đồng bào Dao từ xa xưa. Sự mộc mạc, hoang sơ là những yếu tố để xóm Sưng thu hút du khách trong và ngoài nước.
(HBĐT) - Đó là những giá trị văn hoá giàu bản sắc đang được đồng bào dân tộc Mông ở xã Pà Cò (Mai Châu) bảo tồn và phát huy. Từ năm 2018 đến nay, Pà Cò trở thành một trong những điểm đến du lịch sôi động, thu hút được đông đảo khách trong nước, quốc tế nhờ các sản phẩm độc đáo, hấp dẫn.
(HBĐT) - Thực hiện chủ trương phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, hiện toàn tỉnh có 67 dự án đầu tư lĩnh vực du lịch; trong đó có 3 dự án trồng rừng kết hợp du lịch sinh thái, tổng vốn đầu tư đăng ký trên 36.477 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trong tỉnh có 448 cơ sở lưu trú được thẩm định, với 9 khách sạn 3 sao; 26 khu nghỉ dưỡng và khách sạn 2 sao, 6 khách sạn 1 sao, 6 căn hộ đạt chuẩn; 401 nhà nghỉ, nhà sàn du lịch cộng đồng; có 9 điểm du lịch địa phương, 1 khu du lịch cấp tỉnh đã công nhận; 7 công ty lữ hành nội địa, chi nhánh văn phòng đại diện hoạt động.
(HBĐT) - Phát triển xóm, bản du lịch cộng đồng (DLCĐ) đạt tiêu chuẩn OCOP đang được tỉnh ưu tiên thực hiện. Việc gắn sao OCOP góp phần khẳng định tiêu chuẩn, chất lượng, tạo niềm tin vững chắc trong lòng du khách trong nước và quốc tế. Qua đó không chỉ giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn mà còn là giải pháp bền vững để gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương.