(HBĐT) - Là 1 trong 4 vùng Mường lớn của tỉnh, trong bối cảnh mới, Mường Động - Kim Bôi đứng trước cơ hội rất lớn để bứt phá mạnh mẽ. Huyện được tỉnh xác định là vùng trọng điểm phát triển đô thị, du lịch dựa trên tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, bản sắc văn hóa dân tộc đậm đà. Đặc biệt, nơi đây có nguồn nước khoáng được coi là "vàng trắng” hiếm có và các nguồn lực đang hướng tới đầu tư.


Khu nghỉ dưỡng sinh thái An Lạc Eco Farm and Hot Springs, xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi) hấp dẫn du khách đến với hành trình trải nghiệm thiên nhiên khoáng đạt và thơ mộng trên đất "chén vàng". Ảnh: B.M

Với nguồn nước khoáng được khai phá từ thời Pháp, từ rất lâu, vùng đất Kim Bôi đã định vị trên bản đồ du lịch trong và ngoài nước. Khu vực xã Hạ Bì cũ (nay là thị trấn Bo) đã, đang có những nhà đầu tư quan tâm triển khai các dự án đô thị, du lịch nghỉ dưỡng. Chất lượng sản phẩm khu du lịch suối khoáng từng bước được cải thiện, đáp ứng tốt hơn nhu cầu du khách xa gần. Bên cạnh đó, Kim Bôi là vùng đất đẹp về cảnh quan thiên nhiên, không gian rộng mở, sạch và trong lành. Vùng trung tâm huyện, dọc tuyến sông Bôi thơ mộng, nhiều khu vực có nguồn nước khoáng tinh chất ngàn năm được các nhà đầu tư hết sức quan tâm. Các xã Cuối Hạ, Nuông Dăm được coi là vùng khó khăn nhưng có cảnh quan thiên nhiên, nương đồi thơ mộng, hữu tình…

Mường Động còn lưu giữ được những nét văn hóa dân tộc Mường đặc sắc, con người thật thà, đôn hậu là những lợi thế để huyện phát triển trong bối cảnh mới. Với những lợi thế riêng có, tỉnh xác định huyện Kim Bôi là trọng điểm phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng chất lượng cao. Theo đó, thời gian qua đã tập trung các nguồn lực hỗ trợ huyện đầu tư kết cấu hạ tầng, thu hút doanh nghiệp có tiềm lực triển khai các dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ, đô thị sinh thái.

Đặc biệt mới đây, tỉnh đã khởi công đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La dài 50 km, vốn đầu tư giai đoạn I hơn 1.800 tỷ đồng. Tuyến đường có đoạn đầu hơn 31 km từ thị trấn Bo (Kim Bôi) đến cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình; đoạn II hơn 19 km, từ phường Kỳ Sơn (TP Hòa Bình) đến nút giao quy hoạch cao tốc Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên. Khi hoàn thành, tuyến đường rút ngắn thời gian di chuyển theo hướng Hà Nội - TP Hòa Bình - Kim Bôi, nâng cao khả năng giao thương giữa Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Sơn La; khai thác tiềm năng mỏ nước khoáng Kim Bôi, mở ra không gian phát triển rộng lớn không chỉ tỉnh và khu vực.

Huyện Kim Bôi đang được các nhà đầu tư quan tâm nghiên cứu triển khai các dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Huyện tranh thủ những cơ hội này tăng cường phối hợp các sở, ngành, hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc triển khai các dự án du lịch theo kế hoạch. Năm 2022, huyện thu hút được 28 dự án đầu tư trong lĩnh vực du lịch, hầu hết các dự án đã được UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư, đang trong quá trình thẩm định, xin ý kiến và trình phê duyệt chủ trương đầu tư. Trong đó có 12 dự án đầu tư sân golf kết hợp du lịch nghỉ dưỡng tại địa bàn các xã: Bình Sơn, Tú Sơn, Vĩnh Tiến, Đú Sáng, Cuối Hạ, Sào Báy, Nuông Dăm, quy hoạch thêm 6 sân golf mới; 13 dự án đầu tư các khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp tại các xã: Sào Báy, Nuông Dăm, Mỵ Hòa, Thượng Tiến của các doanh nghiệp lớn như: Công ty CP Việt - ECO Hòa Bình, Công ty CP Lã Vọng Group, Công ty CP Tập đoàn đầu tư tài chính Việt Nam, Tập đoàn Apec, Sun Group…

Tập đoàn Sun Group sau một thời gian khảo sát đã xây dựng ý tưởng, đề xuất lập quy hoạch đối với dự án tổ hợp khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp cáp treo và tàu hỏa leo núi tại huyện Lạc Sơn, Kim Bôi. Một dự án dịch vụ vui chơi giải trí khách sạn từng bị treo hơn 10 năm cũng được Công ty CP thương mại du lịch Kim Bôi (thành viên thuộc Tập đoàn Apec) tiếp quản, triển khai với tên gọi mới là Apec Sky Villas Kim Bôi đang được xây dựng và sớm đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, huyện cũng thu hút, tạo điều kiện phát triển các sản phẩm du lịch tâm linh như: Cải tạo, xây dựng nhà truyền thống tại khu mộ cổ Đống Thếch; đầu tư phục dựng lại chùa Động (chùa Vĩnh Khánh) tại xã Vĩnh Đồng, chùa Bôi tại xã Nam Thượng, góp phần xây dựng thêm một điểm đến với sản phẩm du lịch khác biệt nhằm kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch khi đến với Kim Bôi bên cạnh loại hình du lịch nghỉ dưỡng khoáng nóng đã trở nên quen thuộc ở huyện. Năm 2022, tổng lượt khách đến với huyện đạt 290.000 lượt, tổng doanh thu đạt 250 tỷ đồng.

Đồng chí Nguyễn Thanh Hà, Trưởng phòng VH-TT huyện Kim Bôi cho biết: Huyện đang phối hợp thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về hoạt động du lịch; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia phát triển các loại hình sản phẩm du lịch theo quy hoạch; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giải phóng mặt bằng hỗ trợ dự án đăng ký đầu tư sớm đi vào triển khai, hoạt động. Bên cạnh đó, huyện chú trọng huy động nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch; khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế để hình thành các sản phẩm du lịch đặc thù; xây dựng sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, tắm khoáng nóng, chăm sóc sức khỏe, du lịch thể thao, sinh thái, du lịch tâm linh, vui chơi giải trí, du lịch cộng đồng...


Hương Lan


Các tin khác


Huyện Đà Bắc: Bảo tồn sản phẩm du lịch từ nét đẹp truyền thống

Với bề dày lịch sử văn hóa truyền thống, các dân tộc trên địa bàn huyện Đà Bắc hiện vẫn lưu giữ được những giá trị bản sắc văn hóa riêng như: tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, tri thức dân gian, tập quán xã hội, lễ hội truyền thống, trang phục dân tộc… Đó là điều kiện thuận lợi để người dân gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống; xây dựng những sản phẩm du lịch hấp dẫn, đa dạng, thu hút du khách để phát triển KT-XH địa phương.

Trang trại hữu cơ Sen Vàng - điểm đến hấp dẫn du khách

Trang trại hữu cơ Sen Vàng ở xóm Đồng Chụa, tổ 9, phường Thống Nhất (TP Hoà Bình). Con đường vào trang trại đã được thảm bê tông, việc di chuyển bằng ô tô, xe máy đều dễ dàng. Sở hữu khuôn viên rộng, tổng diện tích khoảng 60 ha, được quy hoạch theo mô hình du lịch sinh thái với nhiều hoạt động hấp dẫn. Đến đây, du khách tạm gác lại công việc và lo toan cuộc sống để hòa mình vào thiên nhiên bình yên, thư thái.

Những điểm đến du lịch cộng đồng hấp dẫn ở huyện Mai Châu

Nhờ cảnh quan đẹp, khí hậu trong lành, là vùng đất nổi tiếng về văn hoá dân gian, lễ hội đặc sắc, ngành nghề thủ công truyền thống mang đậm nét văn hoá các dân tộc ở Tây Bắc, huyện Mai Châu đã và đang trở thành điểm đến du lịch cộng đồng (DLCĐ) lý tưởng cho du khách ưa thích trải nghiệm thiên nhiên và văn hóa bản địa.

Khảo sát tuyến, điểm du lịch mới trên địa bàn huyện Đà Bắc

Từ ngày 24 - 26/11, Sở VH-TT&DL tổ chức chương trình khảo sát một số tuyến, điểm du lịch mới trên địa bàn huyện Đà Bắc. Tham gia chương trình có một số chuyên gia nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch, Câu lạc bộ lữ hành UNESCO Hà Nội, Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Hiệp hội Du lịch TP Hà Nội và một số tỉnh, đại diện các doanh nghiệp, công ty lữ hành, đơn vị kinh doanh du lịch

Ký kết hợp tác du lịch giữa Công ty cổ phần du lịch Hòa Bình và Công ty Unique Travel, Mông Cổ

Tại khách sạn Wyndhan Garden (Hà Nội), Công ty CP du lịch Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình và Công ty Unique Travel tại nước Mông Cổ vừa tổ chức ký kết hợp tác phát triển du lịch. Tham dự có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Nguyễn Thị Cẩm Phương, Phó Chủ tịch TT HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo du lịch tỉnh Hòa Bình. Cùng dự có bà Javzandulam, Thư ký đại sứ Mông Cổ tại Việt Nam, ông Enkhbat Dorj, nguyên đại sứ Mông Cổ tại Việt Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục