(HBĐT) - Sau nhiều năm phát triển với không ít khó khăn, thử thách, đến nay, xóm Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc) đã có tên trên bản đồ du lịch nước ta. Sự phát triển du lịch không chỉ cải thiện thu nhập, mà còn là động lực để bà con người Dao Tiền nơi đây bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.



Ông Lý Văn Hềnh, xóm Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc) dạy chữ Nôm - Dao cho con cháu. 

Một ngày trung tuần tháng 7 nắng gắt, chúng tôi đến thăm bản Dao xóm Sưng. Với vị trí định cư ngay trong lòng núi Biều, nơi có những tán rừng cổ thụ ôm ấp nên đến Sưng là cảm nhận được bầu không khí trong lành, mát mẻ. Bởi thế mà nhiều người ví von Sưng như một điểm đến lý tưởng để tránh nắng trong những ngày hè. Hai năm (2020 - 2021) ảnh hưởng của dịch Covid-19, du lịch cộng đồng xóm Sưng gặp không ít khó khăn. Song từ cuối năm 2022 đến nay, bản Dao này đã trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách trong nước và quốc tế. Cơ sở hạ tầng khang trang, những căn nhà trệt truyền thống được cải tạo sạch sẽ với nhiều dịch vụ mới, hấp dẫn. Đặc biệt, các nghề truyền thống được khôi phục, đó là những thay đổi có thể cảm nhận được khi trở lại bản Sưng. 

Đến thăm gia đình ông Lý Văn Hềnh, một vị cao niên trong xóm đúng lúc ông miệt mài truyền dạy chữ  Nôm - Dao, chữ viết của dân tộc Dao cho các cháu trong xóm. Nghe ông giảng dạy và nhìn những đứa trẻ say sưa nhắc lại bài, chúng tôi hiểu rằng, đây không chỉ là lớp học "vỡ lòng”, mà các cháu đã được dạy chữ Nôm - Dao được một thời gian dài. Ông Hềnh chia sẻ: Lớp học dạy chữ Nôm - Dao đã được mở nhiều năm nay. Ngoài thời gian dạy trên lớp, tôi còn tranh thủ dạy tại nhà cho con cháu. Thông qua dạy chữ Nôm - Dao giúp con cháu biết về chữ viết, hiểu văn hóa của dân tộc mình cũng như đạo lý làm người, hướng đến cái thiện, tránh xa những điều ác. Từ đó góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, là nền tảng để phát triển du lịch cộng đồng.

Ở xóm Sưng hiện có nhiều nghề truyền thống của đồng bào Dao Tiền được khôi phục. Trong đó có nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Tận mắt chứng kiến chị Lý Thị Thiên, một phụ nữ xóm Sưng vẽ những hoa văn thổ cẩm bằng sáp ong mới thấy được sự công phu để dệt nên những trang phục truyền thống. Chị Thiên chia sẻ rằng, con gái người Dao khi lên 10 tuổi bắt đầu học thêu thùa, dệt thổ cẩm. Để làm ra một bộ trang phục truyền thống mất khá nhiều thời gian, với nhiều công đoạn. Theo đó, chị em phải đi lấy lá chàm, ngâm lá chàm để lấy cốt chàm nhuộm vải. Sau đó, dùng đôi tay khéo léo để vẽ hoa văn lên vải bằng sáp ong. "Từ khi phát triển du lịch, được dự án hỗ trợ, xóm đã thành lập nhóm thổ cẩm với 12 thành viên. Hiện nay, nghề dệt thổ cẩm không chỉ giúp chúng tôi dệt nên trang phục đẹp cho các thành viên trong gia đình, mà các công đoạn để làm ra một bộ trang phục đã trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách khi đến với xóm Sưng”, chị Thiên chia sẻ.

Quả đúng như vậy, việc bảo tồn và phát huy tốt những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Dao Tiền đã tạo nên một xóm Sưng nguyên sơ giữa rừng xanh đại ngàn. Theo chị Thiên, du lịch đã làm thay đổi bộ mặt của xóm, nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện nay, gia đình chị Thiên và nhiều hộ đã đăng ký làm dịch vụ lưu trú. Họ mong muốn tiếp tục được tập huấn kỹ năng làm du lịch, hỗ trợ vay vốn để làm du lịch bài bản, đem lại hiệu quả cao hơn.

Theo lãnh đạo Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đà Bắc, giữ gìn, bảo  tồn văn hóa truyền thống là kim chỉ    nam trong trong phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện. Riêng đối với xóm Sưng, hiện nay, huyện tập trung phát triển xóm theo quy hoạch; thực hiện hỗ trợ người dân các kỹ năng làm du lịch, đặc biệt là khôi phục, bảo tồn, phát huy các nét văn hóa truyền thống của đồng bào Dao Tiền để phát triển du lịch bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế cao. 

Đến với xóm Sưng, ngoài trải nghiệm các nét văn hóa truyền thống của người Dao Tiền, từ đây du khách còn có thể khám phá các điểm du lịch lân cận của huyện Đà Bắc, như xóm Đá Bia của xã Tiền Phong, xóm Ké của xã Hiền Lương và ngắm nhìn vùng lòng hồ được ví là  "Vịnh Hạ Long trên cạn” của Hòa Bình.  


Viết Đào

Các tin khác


Du lịch Hòa Bình đón 195.000 lượt khách dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 (từ ngày 27/4 - 1/5), du lịch tỉnh Hòa Bình đón 195.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm và khám phá. So với cùng kỳ năm trước, lượng khách đến tăng 14,7%, trong đó có 20.000 lượt khách quốc tế, tăng 33,3%; 175.000 lượt khách nội địa, tăng 6,1%.

Khởi sắc du lịch Hòa Bình

Lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng và tổng thu từ hoạt động du lịch năm 2023 có mức tăng trưởng tốt cho thấy sự phục hồi tích cực, tạo đà để du lịch Hòa Bình khởi sắc. Đồng chí Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL nhận định, du lịch của tỉnh đang phát triển thuận lợi, huy động được sự tham gia của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch và cộng đồng.

Trải nghiệm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái trên vùng lòng hồ Mai Châu

Bên cạnh thế mạnh du lịch cộng đồng, huyện Mai Châu đang tập trung khai thác tiềm năng phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng sinh thái tại các xã vùng lòng hồ, chủ yếu thuộc địa bàn xã Sơn Thuỷ. Từ đó mở ra cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp và người dân, đồng thời hình thành chuỗi dịch vụ lưu trú đa dạng, phong phú trên khu du lịch hồ Hòa Bình.

Du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe lên ngôi

Dịp 30/4 và 1/5 với 5 ngày nghỉ lên tiếp là thời gian lý tưởng để các gia đình chọn những điểm đến thư giãn, tìm về chốn an nhiên. Nhờ lợi thế giao thông thuận tiện, địa hình miền núi với vẻ đẹp hoang sơ, khí hậu mát mẻ, các khu du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe trên địa bàn tỉnh Hòa Bình hút khách dịp này.

Những điểm vui chơi, khám phá tại TP Hồ Chí Minh trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 này, nếu gia đình không đi du lịch xa thì những nơi như Khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên, Công viên văn hóa Đầm Sen, Thảo cầm viên Sài Gòn, Địa đạo Củ Chi, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định, bến Bạch Đằng… sẽ là những điểm đến thú vị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục