Với bề dày lịch sử văn hóa truyền thống, các dân tộc trên địa bàn huyện Đà Bắc hiện vẫn lưu giữ được những giá trị bản sắc văn hóa riêng như: tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, tri thức dân gian, tập quán xã hội, lễ hội truyền thống, trang phục dân tộc… Đó là điều kiện thuận lợi để người dân gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống; xây dựng những sản phẩm du lịch hấp dẫn, đa dạng, thu hút du khách để phát triển KT-XH địa phương.



Khách du lịch trong trang phục dân tộc của người Dao xóm Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc) biểu diễn văn nghệ cùng người dân bản địa.

Xóm Sưng, xã Cao Sơn là một trong những xóm còn giữ được gần như nguyên vẹn nếp sống, phong tục tập quán, bản sắc văn hóa của người dân tộc Dao Tiền Đà Bắc. Ngôn ngữ, trang phục, nếp nhà, ẩm thực, các nghề thủ công... được bà con bảo tồn, duy trì trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Từ khi du lịch phát triển, người Dao ở đây đã lựa chọn một số nghề để đầu tư tổ chức sản xuất tạo ra sản phẩm du lịch, điển hình như nghề thêu dệt thổ cẩm.

Chị Lý Thị Hằng, tổ trưởng tổ hợp tác sản phẩm thổ cẩm xóm Sưng, xã Cao Sơn chia sẻ: "Là nơi sinh sống tập trung của người Dao Tiền, xóm Sưng có cảnh quan thiên nhiên hoang sơ và nét văn hóa độc đáo. Những năm gần đây, xóm được các cấp lựa chọn triển khai mô hình du lịch cộng đồng (DLCĐ). Tận dụng tiềm năng, lợi thế sẵn có, năm 2019, chúng tôi thành lập tổ hợp tác sản phẩm thổ cẩm xóm Sưng với mục đích khôi phục, bảo tồn và phát huy nghề truyền thống. Vừa quảng bá, giới thiệu với du khách về những tinh hoa thổ cẩm của đồng bào dân tộc Dao Tiền, vừa giúp người dân nâng cao thu nhập từ phát triển DLCĐ, cải thiện chất lượng cuộc sống".

Thời gian qua, bà con xóm Sưng đã mạnh dạn đầu tư xây dựng xóm ngày càng khang trang nhưng vẫn giữ nguyên được cảnh quan và môi trường trong lành. Các homestay được đầu tư bài bản, ngày càng có nhiều dịch vụ đáp ứng tốt nhu cầu tham quan, trải nghiệm và nghỉ dưỡng của du khách. Những năm qua, xóm khôi phục được nghề làm giấy dó, quađó không chỉ du khách được trải nghiệm, tìm hiểu cách thức làm ra giấy dó mà còn góp phần nâng cao thu nhập cho bà con dân tộc Dao Tiền. Bên cạnh đó, các điệu múa chuông, múa kiếm, múa đèn, các điệu nhảy "bát quái” và một số nghi thức độc đáo trong lễ cấp sắc hoặc sử dụng các làn điệu khèn… được xây dựng thành các chương trình văn nghệ phục vụ du khách.

Điểm DLCĐ Đá Bia (nay là xóm Đức Phong), xã Tiền Phong là nơi sinh sống lâu đời của người dân tộc Mường Ao Tá. Du khách đến Đá Bia được trải nghiệm cuộc sống, phong tục tập quán của người dân bản địa, được thưởng thức những món ẩm thực mang đậm bản sắc dân tộc Mường Ao Tá.

Đối với đồng bào dân tộc Tày tại xã Mường Chiềng còn lưu giữ nét độc đáo qua tiết mục múa "Điệu xòe thương nhau”, nét đẹp về trang phục, chữ viết… Sản phẩm dịch vụ du lịch tại các xóm DLCĐ huyện Đà Bắc khá đa dạng, hấp dẫn. Du khách đến đây sẽ được thưởng thức các sản vật địa phương, những tiết mục văn nghệ đậm bản sắc văn hóa dân tộc, tìm hiểu và trải nghiệm đời sống sinh hoạt với nghề đan rọ, dệt thổ cẩm của người dân bản địa, đi bắt ốc, bẻ ngô, kéo vó cá...

Đồng chí Bàn Kim Quy, Phó Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc cho biết: "Nhờ khai thác các chất liệu dân gian truyền thống nên các chương trình biểu diễn nghệ thuật phục vụ du khách đều giàu bản sắc và hấp dẫn. Tại các điểm du lịch của người Dao đã phối hợp doanh nghiệp tổ chức quảng bá các ngày lễ, ngày hội, ngày sinh hoạt cộng đồng cho du khách. Đặc biệt du khách rất thích xem hát giao duyên, lễ cưới truyền thống, múa xòe... của người Dao. DLCĐ đã hình thành và phát triển, mỗi năm đều đón nhiều du khách, góp phần xoá đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân. Các điểm DLCĐ trên địa bàn huyện không chỉ coi trọng chất liệu truyền thống để xây dựng sản phẩm du lịch, mà quan trọng hơn là thực hiện các di sản văn hoá ngay tại cộng đồng theo hướng phát triển du lịch bền vững. Bản sắc văn hoá dân tộc trở thành nguồn lực cho DLCĐ phát triển. Ngược lại, du lịch càng phát triển thì càng khuyến khích người dân bảo tồn được di sản văn hóa truyền thống của dân tộc mình”.


Minh Duy

(Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc)

Các tin khác


Du lịch Hòa Bình đón 195.000 lượt khách dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 (từ ngày 27/4 - 1/5), du lịch tỉnh Hòa Bình đón 195.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm và khám phá. So với cùng kỳ năm trước, lượng khách đến tăng 14,7%, trong đó có 20.000 lượt khách quốc tế, tăng 33,3%; 175.000 lượt khách nội địa, tăng 6,1%.

Khởi sắc du lịch Hòa Bình

Lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng và tổng thu từ hoạt động du lịch năm 2023 có mức tăng trưởng tốt cho thấy sự phục hồi tích cực, tạo đà để du lịch Hòa Bình khởi sắc. Đồng chí Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL nhận định, du lịch của tỉnh đang phát triển thuận lợi, huy động được sự tham gia của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch và cộng đồng.

Trải nghiệm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái trên vùng lòng hồ Mai Châu

Bên cạnh thế mạnh du lịch cộng đồng, huyện Mai Châu đang tập trung khai thác tiềm năng phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng sinh thái tại các xã vùng lòng hồ, chủ yếu thuộc địa bàn xã Sơn Thuỷ. Từ đó mở ra cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp và người dân, đồng thời hình thành chuỗi dịch vụ lưu trú đa dạng, phong phú trên khu du lịch hồ Hòa Bình.

Du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe lên ngôi

Dịp 30/4 và 1/5 với 5 ngày nghỉ lên tiếp là thời gian lý tưởng để các gia đình chọn những điểm đến thư giãn, tìm về chốn an nhiên. Nhờ lợi thế giao thông thuận tiện, địa hình miền núi với vẻ đẹp hoang sơ, khí hậu mát mẻ, các khu du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe trên địa bàn tỉnh Hòa Bình hút khách dịp này.

Những điểm vui chơi, khám phá tại TP Hồ Chí Minh trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 này, nếu gia đình không đi du lịch xa thì những nơi như Khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên, Công viên văn hóa Đầm Sen, Thảo cầm viên Sài Gòn, Địa đạo Củ Chi, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định, bến Bạch Đằng… sẽ là những điểm đến thú vị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục