Lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng và tổng thu từ hoạt động du lịch năm 2023 có mức tăng trưởng tốt cho thấy sự phục hồi tích cực, tạo đà để du lịch Hòa Bình khởi sắc. Đồng chí Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL nhận định, du lịch của tỉnh đang phát triển thuận lợi, huy động được sự tham gia của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch và cộng đồng.


Dù lượn là sản phẩm du lịch thể thao hấp dẫn của thành phố Hòa Bình, thu hút du khách khám phá. 

Các sự kiện văn hóa, du lịch quy mô cấp tỉnh, cấp huyện, xã diễn ra cùng thời điểm mùa lễ hội tạo sức hút đối với du khách trong nước, quốc tế. Nổi bật là lễ hội chùa Tiên  (Lạc Thủy) khai hội từ mồng 4 tháng Giêng; lễ hội Khai hạ dân tộc Mường (Tân Lạc) từ mồng 6 - 8 tháng Giêng. Một số lễ hội đặc sắc khác cũng được các huyện, thành phố tổ chức nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của người dân, như các lễ hội: Khai mùa Mường Thàng (Cao Phong); đu Mường Vôi, rước Bụt Khụ Dúng, đình Khênh (Lạc Sơn); Mường Động (Kim Bôi); Gầu Tào, Xên Mường (Mai Châu)... 

Đến thăm nhà bạn ở thị trấn Vụ Bản (Lạc Sơn) dịp địa phương tổ chức lễ hội đu Mường Vôi (từ mồng 5 - 7 tháng Giêng), em Đào Thị Mai Thơ, sinh viên Khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa (Hà Nội) chia sẻ: Thật tuyệt vời khi được chứng kiến và tham gia các hoạt động lễ hội của người dân nơi đây. Từ các cụ già, cô bác, nam nữ thanh niên đến các em nhỏ đều mặc quần áo đẹp, đa phần diện trang phục dân tộc Mường về dự hội. Chúng em có cơ hội xem thầy mo thực hành nghi lễ, thưởng thức các tiết mục văn nghệ, màn trình tấu chiêng và khám phá hội thi đu độc đáo... giúp có những trải nghiệm về vùng đất, con người, thỏa mong ước tìm hiểu sắc màu văn hóa Hòa Bình.

Cùng thời gian này, các sự kiện thể thao tầm cỡ quốc gia, khu vực diễn ra tại Hòa Bình đã góp phần quảng bá văn hóa, du lịch và thu hút du khách. Tiêu biểu là giải Hòa Bình Marathon 2024 lần đầu tổ chức tại TP Hòa Bình với sự tham gia của hơn 2.000 vận động viên đến từ 44 tỉnh, thành phố, 6 quốc gia, tranh tài ở 3 cự ly. Điểm đặc sắc của cung đường chạy 21km là hành trình khởi đầu từ trung tâm TP Hòa Bình đến cầu Hoà Bình 2 nối liền đôi bờ sông Đà. Tiếp đó là những trải nghiệm thú vị khi chạy giữa khung cảnh thơ mộng trên con dốc Nhà máy thủy điện Hòa Bình; chạy trên mặt đập thủy điện chiêm ngưỡng toàn cảnh TP Hòa Bình; tận hưởng cảm giác chạy trong đường hầm xuyên qua mặt đập thủy điện; đến với các điểm dừng chân Tượng đài Bác Hồ trên đồi Ông Tượng, bức thư thế kỷ gửi thế hệ năm 2100, Đài tưởng niệm 168 "Đóa hoa bất tử”, cảng Nghiêng, di tích lịch sử Nhà tù Hòa Bình nằm bên dòng Đà Giang.

Một sự kiện thể thao đặc biệt không thể không nhắc đến là giải Siêu Marathon Việt Nam 2024 tại huyện Mai Châu, quy tụ 2.200 vận động viên đến từ 38 quốc gia tham gia thử thách chạy bộ đường mòn. Trong sự kiện này, khu du lịch Mai Châu với những điểm đến mới lạ mang nét khác biệt đã trở thành điểm đến lý tưởng cho các vận động viên, gia đình và bạn bè đến trải nghiệm. 

Tính đến hết quý I/2024, Hòa Bình đón trên 1,6 triệu lượt khách du lịch, tăng 22,7% so với cùng kỳ, đạt 38,6% kế hoạch năm. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 1.400 tỷ đồng, tăng 27,3% so với cùng kỳ, đạt 30,4% kế hoạch năm. Theo đồng chí Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, du lịch Hòa Bình an toàn, thân thiện, hấp dẫn đã trở thành điểm đến yêu thích của khách quốc tế với số lượt khách quốc tế tăng mạnh. Bên cạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến, liên kết hợp tác phát triển du lịch, tỉnh chú trọng phát triển sản phẩm du lịch, tập trung nghiên cứu, triển khai các loại hình du lịch mới gắn với thế mạnh của từng địa phương: du lịch cộng đồng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, du lịch nghỉ dưỡng trên hồ Hòa Bình, du lịch thể thao (dù lượn, golf, chạy marathon, lướt sóng, câu cá), du lịch nông nghiệp gắn với trải nghiệm làng nghề, sản phẩm OCOP... Một số địa phương khai thác hiệu quả các sản phẩm du lịch vùng ven hồ Hòa Bình. Du lịch tâm linh được khôi phục và duy trì tốt hoạt động tại các khu, điểm di tích, điểm thờ tự. Nhiều điểm đến lựa chọn bảo tồn ngành nghề truyền thống để tạo ra các sản phẩm phục vụ cho phát triển du lịch.  


Bùi Minh 


Các tin khác


Kiểm tra các dự án phát triển du lịch tại huyện Đà Bắc

Ngày 23/4, Ban chỉ đạo thực hiện Đề án phát triển du lịch hồ Hòa Bình thành khu du lịch quốc gia, do đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác phát triển du lịch tại huyện Đà Bắc.

Ấn tượng du lịch thành phố bên sông Đà

Không chỉ được biết đến là miền đất có thiên nhiên tươi đẹp, nền văn hoá đặc trưng, TP Hòa Bình còn có ẩm thực độc đáo với những món ăn ngon, lạ miệng, hương vị rượu cần nổi tiếng. Điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa và con người đã tạo nên tiềm năng du lịch phong phú, hấp dẫn cho điểm đến.

VITM Hà Nội 2024 thu hút gần 80.000 lượt khách tham quan, mua tour kích cầu dịp hè

Chiều ngày 14/4, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã tổng kết, bế mạc Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2024 với chủ đề "Du lịch Việt Nam – Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững”. Hội chợ thu hút gần 80.000 khách đến thăm quan, mua sắm tour kích cầu dịp 30/4-1/5 và dịp hè.

Huyện Yên Thủy phát triển du lịch gắn với điểm đến lễ hội, tâm linh

Hiện nay, sản phẩm du lịch của huyện Yên Thủy chủ yếu là du lịch lễ hội, du lịch tâm linh. Bên cạnh đảm bảo nếp sống văn minh trong hoạt động tín ngưỡng, các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương luôn chú trọng bảo tồn giá trị di tích lịch sử, văn hoá và lễ hội gắn với khai thác thế mạnh du lịch.

Doanh nghiệp du lịch mong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài để tăng doanh thu

Theo các doanh nghiệp lữ hành, kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay được các Bộ, ngành đề xuất hoán đổi ngày làm việc để kéo dài thành 5 ngày nghỉ sẽ là dịp để doanh nghiệp lữ hành, các điểm vui chơi thu hút khách du lịch, tăng doanh thu.

Định vị thương hiệu du lịch Việt Nam trên trường quốc tế

Nhìn lại tiến trình phát triển của nền du lịch quốc gia, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong cho rằng, Việt Nam ghi nhận mức phục hồi mạnh mẽ của ngành này khi đạt được mức tăng trưởng tiệm cận với kết quả năm 2019. Song cho dù lấy lại được sức phát triển trước dịch Covid-19, du lịch nước ta đã tụt hậu đến 5 năm so với thực tế. Vì thế, trước sự cạnh tranh của nhiều thị trường lớn của thế giới, cũng như các nước láng giềng, du lịch Việt cần nỗ lực hơn nữa để bứt phá và định vị thương hiệu trên trường quốc tế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục