Theo các doanh nghiệp lữ hành, kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay được các Bộ, ngành đề xuất hoán đổi ngày làm việc để kéo dài thành 5 ngày nghỉ sẽ là dịp để doanh nghiệp lữ hành, các điểm vui chơi thu hút khách du lịch, tăng doanh thu.
Người dân chọn mua tour du lịch dịp 30/4 - 1/5 tại Ngày hội Du lịch TP Hồ Chí Minh lần thứ 20.
Nghỉ dài ngày để kích cầu
Sáng 11/4, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã gửi tờ trình lên Thủ tướng Chính phủ xem xét phương án hoán đổi ngày làm việc để dịp lễ 30/4 - 1/5 được kéo dài liên tiếp 5 ngày. Sở dĩ có đề xuất này nhằm mục đích kéo dài thời gian nghỉ lễ cho người dân, đồng thời giúp kích cầu du lịch và tiêu dùng xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thống kê tại các doanh nghiệp lữ hành TP Hồ Chí Minh, đa số các doanh nghiệp đều đồng tình với phương án nghỉ 5 ngày và mong muốn đề xuất này được Thủ tướng Chính phủ thông qua sớm nhằm chuẩn bị phương án đón khách dịp lễ.
Bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc Tiếp thị Truyền thông Công ty Lữ hành Vietluxtour cho biết, nếu kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay được hoán đổi ngày làm việc bình thường để kéo dài thời gian nghỉ, sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, trong đó có ngành du lịch. Đối với các gia đình cũng có thể tranh thủ dịp này cho các bé nghỉ ngơi trước khi bước vào kỳ thi cuối kỳ. Doanh nghiệp cũng có thể chọn thời điểm này để tổ chức chuyến du lịch vì giá dịch vụ vẫn tốt hơn mùa cao điểm hè.
Tương tự, ông Phạm Anh Vũ, Giám đốc Truyền thông Công ty Du lịch Việt cho rằng, theo lịch nghỉ bình thường, kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay chỉ kéo dài hai ngày, do đó nhiều gia đình cũng khó xếp lịch đi chơi xa. Tuy nhiên, với đề xuất hoán đổi ngày làm việc để dịp lễ 30/4 và 1/5 người dân được nghỉ 5 ngày sẽ tạo hiệu ứng tốt cho ngành du lịch. Cụ thể, các công ty sẽ có thêm cơ hội xây dựng nhiều đường tour dài ngày hơn, người dân có nhiều trải nghiệm lâu hơn tại các điểm đến, kéo theo đó giúp doanh nghiệp tăng doanh thu, dịch vụ...
Còn ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông và Marketing Công ty TST Tourist cho biết, trong thời điểm này, đa số khách chỉ chọn tour trong nước, tour đường bộ hoặc tour khu vực Đông Nam Á. Bởi năm nay, các dịp lễ, Tết có thời gian khá gần nhau. Hiện đề xuất chưa chính thức thông qua nên doanh nghiệp du lịch chưa chủ động bố trí dịch vụ phục vụ khách được.
Nên đặt tour sớm
Thông tin về các chương trình tour du lịch dịp lễ 30/4 và 1/5, đại diện Công ty lữ hành Saigontourist cho biết, dịp lễ 30/4 và 1/5, công ty xây dựng hơn 200 hành trình tour trong và ngoài nước, dự kiến phục vụ hơn 110.000 lượt khách, với hơn 350 đoàn khởi hành trên toàn quốc. Trong đó, các chùm tour du lịch trong nước tuyến miền Bắc, miền Trung và các tour tới Nhật Bản, châu Âu thưởng ngoạn mùa hoa anh đào tiếp tục hút khách, có những tuyến đã gần kín chỗ. Ðặc biệt, các tuyến đường bộ tới Ðà Lạt, Nha Trang, Buôn Ma Thuột, Cà Mau... hay tuyến tàu cao tốc Vũng Tàu - Côn Ðảo, Rạch Giá, Phú Quốc được nhiều du khách lựa chọn cho kỳ nghỉ lễ sắp tới.
Theo ông Nguyễn Minh Mẫn, để thu hút du khách dịp lễ 30/4 và 1/5, du lịch hè, công ty đồng loạt triển khai 63 đường tour trong và ngoài nước, với tổng số 163 lượt khởi hành. Số lượng khách mỗi tour trung bình chỉ tiếp nhận 20 người để bảo đảm yếu tố chất lượng dịch vụ, các tour đều có ưu đãi giảm giá và quà tặng giá trị theo từng thị trường.
Hiện nay, thị trường du lịch dịp 30/4 và 1/5 đang phải đối mặt tình trạng giá vé máy bay tăng "chóng mặt", nhất là với các tuyến có lịch khởi hành trong các ngày nghỉ lễ, dẫn đến việc nhiều du khách Việt Nam bỏ du lịch nội địa và chuyển hướng sang chọn du lịch nước ngoài. "Hiện nay, một số chặng bay nội địa đang có giá vé tăng nhiều như: Hà Nội - Nha Trang, Hà Nội - Phú Quốc, Hà Nội - TP Hồ Chí Minh... vì vậy, nhiều du khách có xu hướng chuyển sang chọn tour nước ngoài trong dịp lễ tăng cao. Một số công ty lữ hành để thu hút du khách nội địa phải chuyển hướng xây dựng đa dạng phương tiện di chuyển, chẳng hạn với tour chặng ngắn thì xây dựng các tour đi xe ôtô chất lượng cao, các tour đường dài chọn phương tiện di chuyển bằng tàu hỏa, tàu thủy...", ông Nguyễn Minh Mẫn cho biết thêm.
Để giảm chi phí do giá vé máy bay tăng, bà Trần Thị Bảo Thu khuyến cáo, dịp lễ 30/4 và 1/5, du khách nên có kế hoạch đặt dịch vụ sớm, có thể chọn thời điểm khởi hành và kết thúc tour lệch những khung giờ đẹp để có giá tốt hơn. Đồng thời, du khách nên đặt qua các công ty du lịch uy tín để đảm bảo chất lượng, tránh mua phải tour kém chất lượng, lừa đảo... Đặc biệt, du khách lưu ý kiểm tra kỹ thông tin khi mua các voucher du lịch trên mạng để tránh tình trạng khi đến nơi lại không có dịch vụ và không có công ty du lịch.
Để kích cầu du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, ngành đường sắt cũng tăng cường nhiều chuyến tàu phục vụ hành khách đi du lịch với các chính sách ưu đãi, giảm giá như: giảm 90% giá vé cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng; giảm 30% giá vé cho thương binh, người nhiễm chất độc hóa học, người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng; giảm 15% cho công dân Việt Nam từ 60 tuổi trở lên; trẻ em dưới 6 tuổi được miễn phí vé, từ 6 tuổi đến 10 tuổi được giảm 25% giá vé; giảm 10% giá vé cho sinh viên.
Ngoài ra, ngành đường sắt cũng áp dụng giảm giá cho các đối tượng sau: Giảm từ 5 - 15% cho hành khách có thẻ khách hàng, Đoàn viên Công đoàn; giảm 5% giá vé cho hành khách đi tàu trong ngày sinh nhật. Hành khách mua vé khứ hồi được giảm 5% giá vé lượt về (mua vé lẻ) và giảm 7% giá vé lượt về (cho đoàn tập thể từ 20 người trở lên)...
Theo TTXVN
Những tháng đầu năm 2024, du khách nội địa và du khách đến từ nhiều quốc gia tấp nập tham quan, khám phá các điểm đến du lịch Hoà Bình. Đáng chú ý, một số khu, điểm du lịch thuộc huyện Mai Châu, Đà Bắc, Lương Sơn đón lượng khách quốc tế tăng cao.
Ngày 5/4, tại thành phố Hoà Bình, Hiệp hội Du lịch tỉnh Hòa Bình và Hiệp hội Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp tổ chức Hội nghị xúc tiến liên kết hợp tác và phát triển du lịch. Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Được ví như đảo thiên đường của đại ngàn Tây Bắc, khu du lịch (KDL) Mộc Châu Island thuộc xã Mường Sang, huyện Mộc Châu (Sơn La) thu hút đông đảo du khách trong nước, quốc tế đến trải nghiệm, khám phá. Sản phẩm hấp dẫn của KDL là các công trình nhân tạo đồ sộ, mô hình lưu trú độc đáo cùng nhiều hoạt động vui chơi, giải trí mới lạ.
Bài 3 - Thúc đẩy phát triển khu du lịch tầm cỡ quốc gia
Hiện nay, khu du lịch (KDL) hồ Hòa Bình đạt 3/5 điều kiện đối với KDL quốc gia. Nghị quyết số 14-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra nhiệm vụ đến năm 2025, KDL cơ bản đạt được các tiêu chí; đến năm 2030 trở thành KDL quốc gia. Cùng với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, sản phẩm du lịch chất lượng cao, có thương hiệu, đậm bản sắc văn hóa các dân tộc, KDL hồ Hòa Bình hứa hẹn trở thành trung tâm du lịch lớn nhất của tỉnh, 1 trong 12 KDL trọng tâm của vùng trung du, miền núi Bắc Bộ.
Bài 2 - Lực đẩy để du lịch vùng hồ chuyển động
Khu du lịch (KDL) hồ Hòa Bình sẽ chẳng thể trở thành điểm đến hấp dẫn nếu không loại bỏ được những "rào cản” về cơ chế, chính sách, hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, chất lượng nguồn nhân lực... Cùng với đường hướng đã được chỉ rõ tại Nghị quyết số 14-NQ/TU, ngày 22/6/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển KDL hồ Hòa Bình thành KDL quốc gia, tỉnh tập trung thực hiện các giải pháp để phát triển du lịch vùng hồ bền vững.
Bài 1 - Tiềm năng du lịch vùng hồ được "đánh thức”
Được hình thành từ đắp đập, ngăn sông, chinh phục thiên nhiên, con sông Đà hung dữ xưa kia nay trở thành hồ nhân tạo lớn và là khu du lịch (KDL) hấp dẫn. Cùng với thực hiện mục tiêu đưa du lịch Hòa Bình trở thành ngành kinh tế quan trọng, tỉnh đã và đang tập trung phát triển hồ Hòa Bình trở thành KDL quốc gia.