Bên cạnh loại hình du lịch cộng đồng, các xã vùng lòng hồ thuộc huyện Cao Phong là Thung Nai, Bình Thanh có nhiều tiềm năng về địa lý, tự nhiên và môi trường phù hợp phát triển du lịch nghỉ dưỡng sinh thái. Nơi đây còn có điểm du lịch tâm linh thu hút du khách thập phương đến tham quan, vãn cảnh, nhất là vào dịp đầu năm.
Cảng Thung Nai (Cao Phong) là một trong hai cảng đường thủy đón du khách tiếp cận các điểm đến trên Khu du lịch hồ Hòa Bình.
Đồng chí Bùi Thị Luyến, Chủ tịch UBND xã Thung Nai cho biết: Lợi thế của địa phương là có bến cảng Thung Nai tại xóm Mới, một trong hai bến cảng quan trọng đón và đưa du khách đến với Khu du lịch hồ Hòa Bình. Các hạng mục cầu cảng, nhà chờ, nhà đón tiếp tại bến cảng đã được đầu tư, nâng cấp. Tại đây, các dịch vụ tàu, thuyền và hướng dẫn viên đưa khách đến với các điểm tham quan, khu du lịch nghỉ dưỡng trên hồ. Đặc biệt, từ khi tuyến đường từ TP Hòa Bình lên bến cảng được đầu tư, mở rộng đảm bảo êm thuận, thời gian di chuyển được rút ngắn. Nhờ đó, ngày càng có nhiều du khách chọn cảng du lịch Thung Nai để tiếp cận các điểm đến Khu du lịch hồ Hòa Bình.
Xuất phát từ bến cảng với khoảng 20 phút đi tàu, du khách sẽ đến với điểm di tích lịch sử quốc gia đền Chúa Thác Bờ. Ngôi đền thờ bà Chúa Thác Bờ và các vị thần, thánh trong tín ngưỡng dân gian người Việt: Công đồng quan lớn, Ngũ vị tôn ông, bà chúa Sơn Trang... Không chỉ là địa chỉ tín ngưỡng nổi tiếng linh thiêng, điểm đến còn được lựa chọn cho sự khởi đầu của một năm may mắn và thuận lợi. Du khách thập phương đến đây dâng hương, vãn cảnh kết hợp tham quan, thưởng ngoạn khu du lịch "sơn thủy, hữu tình”.
Điểm du lịch xóm Mỗ, xã Bình Thanh (Cao Phong) được du khách trong nước, quốc tế yêu thích trải nghiệm không gian sống yên bình và khám phá kiến trúc nhà sàn truyền thống của người Mường.
Trên hành trình khám phá khu du lịch, có khá nhiều du khách trong nước, quốc tế ghé thăm để tìm hiểu văn hóa bản địa và cảm nhận cuộc sống làng quê bình dị tại điểm du lịch cộng đồng xóm Mỗ, xã Bình Thanh và xóm Tiện, xã Thung Nai. Chị Mỹ Anh, đại diện một công ty lữ hành tại Hà Nội chia sẻ: Doanh nghiệp chúng tôi đã giới thiệu, lên chương trình tour đa dạng về Khu du lịch hồ Hòa Bình để khách hàng cập nhật và lựa chọn. Trong đó, chương trình tour Bảo tàng văn hóa Mường (TP Hòa Bình) đến tham quan và lưu trú tại các điểm du lịch cộng đồng xã Thung Nai, Bình Thanh được khá nhiều khách quan tâm trước khi di chuyển đến điểm khám phá tiếp theo trên khu du lịch. Sự độc đáo của những điểm du lịch cộng đồng 2 xóm là vẫn giữ được nếp nhà sàn truyền thống, cảnh vật trữ tình. Ngoài trải nghiệm về văn hóa, du khách còn có ấn tượng khá tốt đối với các điểm du lịch cộng đồng trong việc phát triển, xây dựng mới sản phẩm du lịch trên cơ sở phát huy bản sắc dân tộc Mường.
Đáng chú ý trong những năm gần đây, hạ tầng giao thông, bến cảng được đầu tư, mở rộng đã hút dòng vốn phát triển hệ thống lưu trú, sản phẩm du lịch đối với Khu du lịch hồ Hòa Bình. Tại 2 xã vùng lòng hồ của huyện, một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã tiến hành nghiên cứu, tìm hiểu, khảo sát, đầu tư các dự án về du lịch, chủ yếu là loại hình du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái chất lượng cao. Trong đó, xã Bình Thanh có dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Parahills của Công ty CP Beru Group vừa hoàn thành và đi vào hoạt động. Với kiến trúc độc đáo, sang trọng nhưng vẫn rất hài hòa với thiên nhiên, Khu du lịch nghỉ dưỡng Parahills tiêu chuẩn 5 sao sẽ cùng với các khu du lịch hiện có và các dự án đang được xúc tiến triển khai trên khu du lịch góp phần nâng tầm du lịch hồ Hòa Bình.
Theo đồng chí Phạm Ngọc Nhất, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Cao Phong, với bước phát triển du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, kết hợp du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng, các xã vùng hồ trên địa bàn huyện sẽ khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, đáp ứng nhu cầu sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn của thị trường khách. Qua đó góp phần tăng sức hút cho du lịch địa phương, cải thiện sinh kế bền vững, tạo thêm việc làm cho lao động, thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng cho Khu du lịch hồ Hòa Bình.
Bùi Minh
Lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng và tổng thu từ hoạt động du lịch năm 2023 có mức tăng trưởng tốt cho thấy sự phục hồi tích cực, tạo đà để du lịch Hòa Bình khởi sắc. Đồng chí Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL nhận định, du lịch của tỉnh đang phát triển thuận lợi, huy động được sự tham gia của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch và cộng đồng.
Bên cạnh thế mạnh du lịch cộng đồng, huyện Mai Châu đang tập trung khai thác tiềm năng phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng sinh thái tại các xã vùng lòng hồ, chủ yếu thuộc địa bàn xã Sơn Thuỷ. Từ đó mở ra cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp và người dân, đồng thời hình thành chuỗi dịch vụ lưu trú đa dạng, phong phú trên khu du lịch hồ Hòa Bình.
Dịp 30/4 và 1/5 với 5 ngày nghỉ lên tiếp là thời gian lý tưởng để các gia đình chọn những điểm đến thư giãn, tìm về chốn an nhiên. Nhờ lợi thế giao thông thuận tiện, địa hình miền núi với vẻ đẹp hoang sơ, khí hậu mát mẻ, các khu du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe trên địa bàn tỉnh Hòa Bình hút khách dịp này.
Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 này, nếu gia đình không đi du lịch xa thì những nơi như Khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên, Công viên văn hóa Đầm Sen, Thảo cầm viên Sài Gòn, Địa đạo Củ Chi, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định, bến Bạch Đằng… sẽ là những điểm đến thú vị.
Ngày 23/4, Ban chỉ đạo thực hiện Đề án phát triển du lịch hồ Hòa Bình thành khu du lịch quốc gia, do đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác phát triển du lịch tại huyện Đà Bắc.