Du khách trải nghiệm tại Sỏi Resort in Farm, xã Phú Thành (Lạc Thủy).
Ngay sau khi Nghị quyết số 05-NQ/HU được ban hành, UBND huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch của huyện, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển du lịch; quan tâm bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch.
Hàng năm, huyện duy trì tổ chức gần 20 lễ hội truyền thống. Năm 2024, Lễ hội chùa Tiên được tổ chức quy mô cấp tỉnh, các lễ hội khác được quan tâm phục dựng, tổ chức thu hút đông đảo nhân dân địa phương và khách du lịch tham gia như: Lễ hội đình Niếng (xã Hưng Thi); Lễ hội đền Rem (thị trấn Chi Nê)... Từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, các chương trình mục tiêu quốc gia, huyện tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ du lịch để phát triển du lịch theo hướng bền vững.
Trên địa bàn huyện có 1 điểm du lịch cấp tỉnh là điểm du lịch chùa Tiên; 6 dự án hạ tầng du lịch, thương mại đang được thu hút đầu tư, triển khai với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 6,2 tỷ đồng; 38 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch đủ điều kiện phục vụ khách tham quan, du lịch; 1 resort đã đi vào hoạt động, 296 cơ sở ăn uống, bán hàng phục vụ hoạt động du lịch, lễ hội. Trung bình mỗi năm huyện đón 700.000 lượt khách tham quan, doanh thu đạt khoảng 160 tỷ đồng/năm.
Năm 2023, dự án cáp treo Hương Bình với tổng mức đầu tư khoảng 1.700 tỷ đồng nối liền chùa Hương với chùa Tiên được khởi công xây dựng tại đầu Hoà Bình, dự kiến tuyến cáp treo đưa vào hoạt động cuối năm 2025.
Việc phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng được huyện quan tâm như du lịch thắng cảnh kết hợp tâm linh khu chùa Tiên - xã Phú Nghĩa, đền Niệm - xã Phú Thành; du lịch về nguồn với di tích nhà máy in tiền đồn điền Chi Nê; du lịch sinh thái, trải nghiệm tại Sỏi Resort in Farm - xã Phú Thành. Tổ chức trưng bày gian hàng OCOP với các nhãn hiệu nông sản sạch của huyện như: Cam Lạc Thuỷ; cam trứng; gà Lạc Thuỷ; các sản phẩm từ nấm; mật ong, na, thanh long, chè Sông Bôi... tại tuần lễ du lịch, các hội chợ thương mại du lịch để kết hợp quảng bá, đưa nông sản sạch phục vụ khách du lịch, đồng thời hướng đến phát triển các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao gắn với phát triển du lịch nhà vườn, du lịch trải nghiệm trang trại... Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo các địa phương, khu, điểm du lịch trồng và phát triển hệ thống cây xanh, đường hoa tạo cảnh quan. Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong kinh doanh du lịch.
Hiện nay, tổng số lao động trong ngành du lịch của huyện khoảng trên 4.000 người, trong đó, lao động trực tiếp khoảng 1.500 người, lao động gián tiếp khoảng 2.500 người, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 37,5%.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Vân, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy cho biết: Thời gian tới, huyện tăng cường thu hút đầu tư du lịch; quan tâm thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn; huy động các nguồn vốn, nguồn lực đầu tư lĩnh vực du lịch. Tập trung phát triển, đa dạng hóa sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện. Chú trọng phát triển các làng nghề với sản phẩm là thế mạnh, có giá trị kinh tế cao gắn với hoạt động du lịch. Xây dựng điểm nhấn tại các khu, điểm du lịch trọng điểm để phục vụ nhu cầu thăm quan, trải nghiệm của du khách. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá tiềm năng, thế mạnh du lịch huyện bằng nhiều hình thức. Liên kết các khu, điểm du lịch các vùng lân cận. Xây dựng chuỗi liên kết phát triển du lịch Lạc Thủy - TP Hà Nội - Hà Nam - Ninh Bình để hình thành tuyến du lịch liên vùng kết nối giữa các địa phương với sản phẩm, chuỗi sản phẩm đặc thù, khác biệt của từng địa phương theo phương châm "Một cung đường - Nhiều điểm đến”. Xây dựng chính sách hỗ trợ về đất đai, phát triển cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng đạt chuẩn, đầu tư phát triển các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Phát triển nguồn nhân lực, tăng cường công tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng lực quản lý nhà nước về du lịch.
Hải Linh