(HBĐT) - Theo thống kê của Sở GTVT, trên địa bàn tỉnh hiện có 347 cây cầu dân sinh, trong đó có 65 cầu treo, còn lại chủ yếu là cầu bê tông cốt thép. Hệ thống này được phân bố rải rác trên những địa hình đồi núi cao, bị chia cắt phức tạp, đan xen với mạng lưới đường giao thông nông thôn, hiện có nhu cầu đầu tư rất lớn do xuống cấp sau nhiều năm sử dụng. Giữ vai trò trọnag yếu trong kết nối giao thông tại các địa bàn còn nhiều khó khăn, những cây cầu dân sinh lâu nay luôn là lựa chọn không thể thay thế nhưng cũng chính vì vậy, khi đã xuống cấp nghiêm trọng mà chưa có điều kiện sửa chữa, chúng thực sự trở thành những hiểm họa.

Hệ thống cầu, ngầm bắc qua con suối Chiềng hung dữ được đầu tư xây dựng kiên cố, hiện đại, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại và giao thương, mở ra cơ hội phát triển mới cho xã Mường Chiềng (Đà Bắc). 

Những "hung thần”… có ích 

Chiếc cầu treo nối xóm Ba Giang với xóm Mỵ bắc qua một nhánh lớn của sông Bôi chảy qua địa bàn xã Mỵ Hòa (Kim Bôi). Đây là con đường ngắn nhất để người dân xóm Ba Giang - một trong những xóm đặc biệt khó khăn của xã Mỵ Hòa đi đến trung tâm xã, huyện. Nếu không đi đường này, họ phải vượt qua một con đường mòn rất khó đi, dài gần 10 km để đến địa phận xóm Cành, rồi vượt qua xóm Cành, qua xóm Mý Đông mới ra được đến trung tâm xã. Chẳng mấy ai đủ kiên nhẫn để băng rừng đi trên con đường mòn đó. Thế nên, cầu treo Ba Giang - xóm Mỵ trở thành sự lựa chọn không thể thay thế của người dân xóm Ba Giang khi có nhu cầu đi lại và giao thương. 

"Đây cũng là con đường duy nhất đưa người dân xóm Mỵ đi vào khu vực sản xuất thuộc địa phận xóm Ba Giang. Tại đây, có trên 300 ha đất sản xuất nông nghiệp của cả 2 xóm. Trong đó, hơn 100 hộ nhà thì ở xóm Mỵ nhưng đất sản xuất lại ở xóm Ba Giang. Cách một con sông, không còn lựa chọn nào khác, hàng ngày, họ phải liều mình đi qua cầu treo để đi làm...” - Trưởng xóm Ba Giang Bùi Văn Tiện cho biết. 

Đúng là "liều mình” thật! Bởi, hơn 1 năm nay, cầu treo Ba Giang - xóm Mỵ đã xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến việc đi lại và giao thương của người dân. Trực tiếp là hơn 300 hộ thuộc 2 xóm có nhu cầu đi lại thường xuyên nhất. Cầu dài hơn 100 m, rộng 2,6 m, được đưa vào sử dụng từ đầu năm 2009. Sau gần 10 năm, đến khoảng giữa năm 2018, phần mặt cầu làm bằng gỗ tạp đã mục nát, nhiều lỗ thủng lớn lọt cả người và bánh xe. Không có nguồn lực, người dân phải huy động tại chỗ, gia cố tạm thời bằng ván gỗ và tre. Qua mấy lần gia cố tạm bợ, đến nay, tình trạng cây cầu cũng chẳng khá hơn. Mặt cầu vẫn chắp vá và mất an toàn. Chỉ cần 2 chiếc xe máy chạy qua cùng lúc là cầu đã đung đưa rất nguy hiểm. Đặc biệt, trong mùa mưa, độ khó khi đi xe máy qua cầu càng tăng. Theo cách ví von "dở khóc, dở cười” của người dân nơi đây thì mỗi lượt vượt cầu là một lần… hoàn thành một tiết mục xiếc. Dù nguy hiểm đến mức đe dọa tính mạng người dân như một "hung thần”, nhưng không ai phủ nhận được sự hữu ích của nó. Biết là nguy hiểm đấy, nhưng vẫn buộc phải đi qua. 


Phần mặt cầu xuống cấp nghiêm trọng và chắp vá tạm thời khiến người dân đi lại rất khó khăn trên cầu treo Ba Giang, xóm Mỵ, xã Mỵ Hòa (Kim Bôi). 

Đó cũng là tình trạng chung của những nơi có cầu dân sinh xuống cấp nghiêm trọng mà chưa có điều kiện sửa chữa, xây dựng mới. Riêng huyện Kim Bôi, tổng số cầu trên địa bàn quản lý là 68 cầu (nhiều nhất tỉnh) với tổng chiều dài trên 1.600 m, trong đó có 7 cầu treo với tổng chiều dài 520 m. Kết quả rà soát gần đây của huyện cho thấy, về cơ bản, đa số các cầu dân sinh hiện nay đang ở tình trạng khai thác bình thường. Tuy nhiên, vào mùa mưa lũ, nhiều cầu trong hệ thống này trở nên tê liệt khiến việc đi lại của người dân rất khó khăn. Tại một số địa bàn, người dân buộc phải lội qua suối rất nguy hiểm. Đặc biệt, đáng lo ngại nhất là các cầu đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng như: cầu xóm Mỵ - Ba Giang (xã Mỵ Hòa), cầu xóm Chiệng (xã Lập Chiệng), cầu Suối Khang (xã Thượng Tiến)... Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Kim Bôi đã đăng ký danh sách các cầu dân sinh cần ưu tiên xây dựng hoặc sửa chữa cấp bách. Trước khi có được sự đầu tư cần thiết, những vị trí có cầu dân sinh không đảm bảo an toàn được Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện xác định là những vị trí xung yếu trong mùa mưa cần tăng cường biện pháp ứng phó. Đồng thời khuyến cáo người dân địa phương tuyệt đối không cố lưu thông qua cầu khi thời tiết xấu để đảm bảo an toàn.

Quyết tâm không để cầu dân sinh trở thành hiểm họa

Trên phạm vi toàn tỉnh, hệ thống cầu dân sinh được xác định là những vị trí xung yếu, có nguy cơ rủi ro cao trong mùa mưa lũ hàng năm. Vào cao điểm mùa mưa lũ, những cây cầu yếu trở thành hiểm họa làm gia tăng áp lực cho công tác PCTT&TKCN các địa phương. Tại các vị trí này, lực lượng chức năng luôn chủ động phương án ứng phó, đặt biển cảnh báo nguy hiểm để người dân nâng cao tinh thần cảnh giác.

Theo đánh giá của Sở GTVT: Mặc dù đã được chú trọng đầu tư, nhưng đến nay, mạng lưới đường bộ và cầu dân sinh trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhìn chung, mạng lưới cầu, đường của tỉnh phần lớn được xây dựng đã lâu, qua nhiều năm sử dụng bị hư hỏng, xuống cấp. Vào mùa mưa lũ, nhiều điểm dân cư tại khu vực miền núi thường xuyên bị cô lập do không có cầu vượt qua sông, các tuyến đường xuống cấp khiến việc đi lại của người dân hết sức khó khăn. Riêng về hệ thống cầu dân sinh, trên địa bàn tỉnh hiện có 347 cầu, trong đó có 65 cầu treo. Ngoài 2 huyện Lương Sơn và Kỳ Sơn không có cầu treo, các huyện có nhiều cầu treo nhất là: Mai Châu (16 cầu treo/46 cầu), Tân Lạc (16 cầu treo/53 cầu), Lạc Sơn (14 cầu treo/27 cầu)… Đây cũng chính là các huyện có nhu cầu đầu tư xây dựng cầu dân sinh rất lớn. 

Đồng chí Vũ Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở GTVT nhìn nhận: Việc đầu tư, xây dựng cầu dân sinh tạo sự kết nối cho các tuyến đường giao thông, góp phần đảm bảo giao thông thông suốt, giao thương giữa các vùng thuận lợi, từ đó, thúc đẩy KT-XH phát triển. Chính vì có vai trò quan trọng hàng đầu nên những năm qua, dù trong điều kiện khó khăn về nguồn lực nhưng tỉnh ta luôn chú trọng đầu tư phát triển mạng lưới cầu dân sinh, ưu tiên vùng sâu, xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thông qua thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án, nhiều cây cầu đã được xây dựng mới đồng nghĩa với việc làm vơi đi nỗi lo của người dân, làm tươi sáng các vùng quê còn gian khó, góp phần tiếp thêm động lực để các địa phương phát triển toàn diện về KT-XH.  

Trong số các chương trình đầu tư xây dựng cầu dân sinh được triển khai tại tỉnh ta, Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP) được đánh giá thiết thực và hiệu quả. Theo quyết định phê duyệt của Bộ GTVT, hợp phần xây dựng cầu dân sinh được phân bổ số vốn 4,87 triệu USD (khoảng 110 tỷ đồng) để xây dựng 42 cầu, cống (cầu treo, cầu cứng, cống) dân sinh trên địa bàn tỉnh. Sau hơn 2 năm thực hiện, đến nay, dự án đã hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng 26 cầu, cống dân sinh trên địa bàn 21 xã của 7 huyện miền núi, tổng số dân hưởng lợi khoảng 31.000 người. Hiện, dự án đang triển khai xây dựng 16 cầu, cống dân sinh trên địa bàn 12 xã của 5 huyện, dự kiến hoàn thành trong năm nay. 

"Ưu điểm lớn nhất của Dự án LRAMP nói riêng và các chương trình, dự án đầu tư cầu dân sinh nói chung là xác định được đúng nhu cầu của địa bàn được hưởng lợi” - đồng chí Phó Giám đốc Sở GTVT Vũ Ngọc Sơn khẳng định. Trước dự án LRAMP, Đề án 186 cầu treo dân sinh đảm bảo an toàn giao thông do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư đã xây dựng 7 cầu treo trên địa bàn 3 huyện Kim Bôi, Đà Bắc, Lạc Thủy; chương trình Nhịp cầu yêu thương đã xây dựng 5 cầu trên địa bàn 4 huyện Mai Châu, Tân Lạc, Lạc Thủy, Lạc Sơn…

Nhìn chung, vị trí cầu được đầu tư đều có tính cấp thiết trên các tuyến đường giao thông nông thôn tại các địa bàn đặc thù, nhằm tăng sự an toàn lưu thông đường bộ, giúp các địa phương kiểm soát được hiểm họa liên quan đến cầu dân sinh. Theo đánh giá của các địa phương, công trình cầu dân sinh sau khi hoàn thành đã giúp người dân trong khu vực đi lại thuận tiện hơn, không còn tình trạng người dân phải đu dây, đi cầu tạm, bè mảng qua sông trong mùa mưa lũ, góp phần đảm bảo an toàn giao thông và mở ra nhiều cơ hội phát triển cho vùng đất được hưởng lợi. Các địa phương đều mong muốn có thêm những cây cầu như vậy, để loại bỏ đi những ám ảnh, để cầu dân sinh không còn là hiểm họa, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển KT-XH, xây dựng nông thôn mới.

                                                                                   Thu Trang

Thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng cầu dân sinh tại vùng dân tộc thiểu số

Xác định việc xây dựng cầu dân sinh có tính cấp thiết trên các tuyến đường giao thông nông thôn địa bàn các tỉnh miền núi và vùng DTTS, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình xây dựng cầu dân sinh đảm bảo an toàn giao thông vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2014 - 2020. Chương trình tài trợ cho việc xây dựng các cây cầu nhỏ với chiều rộng từ 1,5 - 3,5 m (không bao gồm gờ chắn, lan can từ 0,25 - 0,5 m) trên phạm vi 50 tỉnh, trong đó có Hòa Bình. Cùng với Chương trình quốc gia xây dựng đường địa phương, đây là hai chương trình nòng cốt để hiện thực hóa các mục tiêu trong Chiến lược quốc gia về phát triển giao thông nông thôn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Chiến lược đang được phân cấp cho các tỉnh với trách nhiệm thực hiện thuộc Sở GTVT. Theo quy định, các tỉnh sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả chương trình. Đồng thời, phải ưu tiên bố trí ngân sách cho công tác bảo dưỡng thường xuyên toàn bộ hệ thống, từ đó, củng cố bền vững cơ sở hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh.

Đề xuất xây dựng thêm49 cầu dân sinh trong khuôn khổ dự án LRAMP 

Xác định các địa phương trong tỉnh có nhu cầu rất cao về việc đầu tư xây dựng hệ thống cầu dân sinh, UBND tỉnh đã có các văn bản gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đề xuất danh mục các cầu dân sinh cần đầu tư sửa chữa, xây dựng mới. Trong đó, cấp thiết nhất là 13 cầu (đề xuất tại Văn bản số 2169/UBND-CNXD ngày 25/12/2018). Đồng thời, trong trường hợp Chính phủ Việt Nam và nhà tài trợ chấp thuận bổ sung vốn cho Dự án LRAMP, UBND tỉnh đề xuất bổ sung thêm vốn ODA để xây dựng 49 cầu dân sinh trên địa bàn tỉnh (tại Văn bản số 2195/UBND-CNXD ngày 28/12/ 2018). Đây sẽ là sự đầu tư thiết thực, góp phần đảm bảo an toàn giao thông cho người dân các vùng sâu, xa, vùng đồng bào DTTS có điều kiện đi lại khó khăn.

Rà soát các công trình cầu dân sinh trước mùa mưa lũ

Triển khai công tác PCTT&TKCN hàng năm, Sở GTVT luôn chú trọng đảm bảo an toàn cho hệ thống hạ tầng giao thông do Sở quản lý. Trong mùa mưa lũ năm nay, Sở vừa có văn bản gửi các địa phương và đơn vị liên quan về việc đảm bảo an toàn cho các công trình cầu, ngầm, phà trong mùa mưa lũ năm 2019.

Theo đó, Sở GTVT đề nghị rà soát hiện trạng các công trình cầu dân sinh trên địa bàn. Chú ý kiểm tra các chi tiết: móng mố, trụ, bệ, thân, dầm, đường đầu cầu và các kết cấu chịu lực chủ yếu, các bộ phận chịu tác động trực tiếp của lũ, lụt, mưa bão… để phát hiện và khắc phục kịp thời những dấu vết mới phát sinh hư hỏng. Đặc biệt, Sở đôn đốc các đơn vị quản lý đường bộ cần thường xuyên kiểm tra các tuyến có điểm xung yếu dễ sụt lở. Tại các vị trí cầu yếu phải có biển báo nguy hiểm. Tại các vị trí ngầm tràn ngập sâu từ 0,2-0,5m trở lên phải cử người đứng gác, đóng barie tạm thời không cho xe qua lại. Khi cần thiết phải huy động kho tàng, bến bãi và các trang thiết bị của đơn vị để ứng cứu kịp thời, đảm bảo giao thông an toàn trước, trong và sau mùa mưa lũ. 

                                                                                                        PV (TH)


Các tin khác


Công tác tiếp xúc, đối thoại - cầu nối quan trọng giữa cấp uỷ, chính quyền với nhân dân

(HBĐT) - Công tác tiếp xúc, đối thoại với nhân dân trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã cơ bản đảm bảo phát huy quyền dân chủ của nhân dân, góp phần tăng cường mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Trên cơ sở đó, việc tiếp xúc, đối thoại giúp người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và những ý kiến tham vấn của nhân dân, kịp thời giải quyết những vấn đề nhân dân quan tâm ngay từ cơ sở.

Khống chế và loại trừ bệnh dại ra khỏi cộng đồng

(HBĐT) - Trong những năm gần đây, bệnh dại đang có nguy cơ phát triển mạnh ở địa bàn tỉnh. Năm 2018, Hòa Bình là một trong những tỉnh có số người phải điều trị bệnh dại và tử vong cao nhất cả nước. Năm nay, ngay từ đầu mùa đã có 2 người tử vong nghi do chó dại cắn. Đâu là nguyên nhân và cách phòng, chống bệnh dại?

Tháo gỡ khó khăn trong điều trị nghiện ma túy bằng methadone

(HBĐT) - Tháng 10/2012, tỉnh ta triển khai thí điểm chương trình sử dụng methadone trong việc điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện. Qua hơn 6 năm triển khai đã cho thấy tính ưu việt từ phương pháp cai nghiện này. Mở rộng diện bao phủ và tăng cường tiếp cận điều trị methadone cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện là mục tiêu tỉnh ta đang hướng tới.

Xuất khẩu lao động - gỡ "nút thắt" không khó, nhưng cần giải pháp đồng bộ

(HBĐT) - Năm 2016, toàn tỉnh có gần 300 người đi xuất khẩu lao động. Năm 2017 có 420 người và năm 2018 có 386 người đi xuất khẩu lao động. Trong khi với nhiều địa bàn, xuất khẩu lao động dần trở thành một xu hướng khởi nghiệp mới của nhiều thanh niên lao động nông thôn, tại nhiều nơi, người lao động không mặn mà với việc xuất khẩu lao động. Để xuất khẩu lao động trở thành một kênh giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, đòi hỏi nhiều hơn nữa những giải pháp đồng bộ từ các cấp, ngành.

Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm bếp ăn trường học

(HBĐT) - Vụ việc hơn 200 trẻ trường mầm non Mão Điền, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh nhiễm sán lợn hồi giữa tháng 3 vừa qua đã khiến cho phụ huynh cả nước, nhất là phụ huynh bậc học mầm non rất lo lắng, băn khoăn. Câu chuyện "bữa ăn trường học” cũng trở nên "nóng” hơn bao giờ hết. Tại tỉnh ta, theo số liệu thống kê, có khoảng trên 50 trường tiểu học tổ chức bếp ăn bán trú, 99,4% trẻ ở các trường mầm non ăn tại trường. Tuy chưa xảy ra vụ việc đáng tiếc nào, nhưng câu chuyện trẻ nhiễm sán lợn nghi do ăn thực phẩm bẩn tại Bắc Ninh là bài học cảnh tỉnh không bao giờ cũ đối với ngành Giáo dục cũng như toàn xã hội về vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) bếp ăn trường học.

Từ vụ 8 học sinh đuối nước - Đừng để nối tiếp những đau thương

(HBĐT) - Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh năm nào cũng có trẻ bị đuối nước tử vong. Năm 2017 có 39 trẻ, năm 2018 có 27 trẻ bị đuối nước. Tuy nhiên, chưa bao giờ có sự việc thương tâm như vụ 8 học sinh bị chết đuối khi tắm sông Đà xảy ra vào chiều 21/3. Đây thực sự là hồi chuông cảnh báo nghiêm khắc cho gia đình, nhà trường, chính quyền cần quan tâm, để ý nhiều hơn đến các em và có những giải pháp hiệu quả hơn để không còn nối tiếp những đau thương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục