(HBĐT) - Bình quân mỗi năm, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tuyển mới hơn 15.000 học viên. Trên 80% học viên tuyển mới là thanh niên, trong đó thanh niên nông thôn chiếm phần lớn. Đến năm 2021, tỷ lệ lao động nông thôn (LĐNT) tăng lên 57,5%. Toàn tỉnh giải quyết việc làm cho trên 16.000 lao động. Đây là những con số minh chứng chất lượng nguồn nhân lực LĐNT có những chuyển biến tích cực, góp phần đẩy nhanh công cuộc giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.

Công ty cổ phần S Life (Yên Thuỷ) phối hợp đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. 

Đổi mới dạy nghề cho lao động nông thôn 

Theo đồng chí Đới Văn Chinh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, mạng lưới cơ sở GDNN trên địa bàn từng bước được sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Qua rà soát, toàn tỉnh có 22 cơ sở GDNN phân bổ tại 10 huyện, thành phố, gồm 5 trường cao đẳng, 3 trường trung cấp, 10 trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện, 2 trung tâm GDNN và 2 cơ sở khác có tham gia đào tạo nghề nghiệp trình độ sơ cấp. Công tác bồi dưỡng, đào tạo và phát triển giáo viên, cán bộ quản lý thường xuyên được chú trọng. Toàn tỉnh có 888 nhà giáo, trong đó có 146 người trình độ trên đại học, 449 người trình độ đại học, 85 người trình độ cao đẳng, đảm bảo đủ số lượng và tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định. 

Tập trung đổi mới dạy nghề cho LĐNT, các huyện, thành phố thực hiện công tác tư vấn, khảo sát và dự báo nhu cầu, giúp nâng cao chất lượng dạy nghề, tăng cơ hội việc làm cho lao động. Đối với trình độ trung cấp, cao đẳng đã mở các lớp dạy nghề điện dân dụng, may công nghiệp, tin học, sửa chữa xe máy, sửa chữa máy nông nghiệp, điện công nghiệp, điện tử, cơ khí hàn… Đối với trình độ sơ cấp mở các lớp nghề bảo vệ thực vật, chăn nuôi gia súc, gia cầm, kinh doanh thuốc thú y… Việc đào tạo, dạy nghề theo phương pháp lấy người học là trung tâm, tích hợp kiến thức, kỹ năng, tác phong làm việc chuyên nghiệp, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học. Mặt khác, linh hoạt về thời gian, địa điểm, chương trình đào tạo gắn với điều kiện thực tế, nhu cầu cụ thể.


Lao động nông thôn xã Tú Lý (Đà Bắc) vận dụng kiến thức được đào tạo để sửa chữa máy nông nghiệp cho gia đình và nhu cầu dịch vụ tại địa phương. 

Những năm gần đây, nhiều cơ sở đào tạo nghề như: Trung tâm Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh), Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở LĐ-TB&XH)… tổ chức dạy nghề tới các xã, có nơi dạy nghề cả vào ngày nghỉ hoặc buổi tối. Thông qua các chương trình đào tạo, người lao động đã chủ động tạo thêm việc làm, mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hoá chất lượng, tăng năng suất lao động, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống. 

Phát huy vai trò hỗ trợ nghề cho nông dân, Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh chủ động liên hệ với các cơ sở dạy nghề trong và ngoài tỉnh khảo sát nhu cầu học, đăng ký số lớp, ngành nghề đào tạo của các cấp Hội để xây dựng kế hoạch triển khai mở lớp dạy nghề sát với yêu cầu, nhiệm vụ. Đồng thời, hỗ trợ kết nối với các doanh nghiệp, HTX để giới thiệu việc làm cho học viên, hỗ trợ vốn vay giúp học viên phát triển kinh tế. Đến nay, cơ sở đã tổ chức 66 lớp nghề với gần 2.000 LĐNT tham gia, gồm 61 lớp nghề nông nghiệp, 5 lớp nghề phi nông nghiệp, tổng kinh phí thực hiện trên 4,2 tỷ đồng. Các đối tượng học nghề chủ yếu là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu việc làm. LĐNT được hỗ trợ tiền học theo Đề án 1956 của Chính phủ, được đào tạo, nâng cao tay nghề với các ngành nghề chính, như: Trồng và chăm sóc cây có múi; chăn nuôi gà, lợn, bò; sửa chữa máy nông nghiệp; kỹ thuật trồng rau an toàn… Hình thức đào tạo nghề tập trung tại các điểm cụm của huyện hoặc đào tạo lưu động tại các xã. 

Đặc biệt, để đáp ứng xây dựng nông thôn mới, các sở, ngành liên quan đã phối hợp với địa phương, HTX xây dựng mô hình tổ hợp tác, nhóm hộ gia đình sản xuất để giải quyết việc làm tại chỗ. Các mô hình đào tạo nghề và giải quyết việc làm có hiệu quả, như: May công nghiệp tại Công ty TNHH Hùng Như và mây tre đan của gia đình bà Bùi Thị Hạ, xã Sơn Thuỷ (Kim Bôi); nghề dệt thổ cẩm tại HTX du lịch Chiềng Châu và mô hình gia đình bà Lò Thị Kíu, xã Tòng Đậu (Mai Châu); nghề chổi chít xuất khẩu của hộ ông Ngô Quang Khương (TP Hoà Bình); nghề trồng, chăm sóc cây có múi ở huyện Cao Phong, Tân Lạc, Lạc Sơn; mô hình chăn nuôi gà của gia đình bà Bùi Thị Lịch, Bùi Thị Thuý (Lạc Thuỷ)… Một số mô hình tiêu biểu khác, như: Gà đồi Lạc Sơn, nuôi cá trên lòng hồ sông Đà, trồng rau sạch ở huyện Lương Sơn, nuôi dê ở huyện Đà Bắc… Một số ngành: VH-TT&DL, LĐ-TB&XH đã phối hợp mở lớp đào tạo hướng dẫn viên du lịch, nấu ăn, lễ tân cho các hộ kinh doanh mô hình homestay huyện Đà Bắc, khu du lịch huyện Mai Châu và một số khu nghỉ dưỡng, khách sạn ở huyện Kim Bôi, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, du lịch cộng đồng. 

Còn nhiều yêu cầu, thách thức trong đào tạo nghề

Công tác đào tạo nghề tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của LĐNT. Việc đổi mới học nghề đạt được kết quả đáng khích lệ, LĐNT tìm kiếm việc làm và tự tạo việc làm trên 85%. Nhiều nông dân vươn lên sản xuất, kinh doanh giỏi, làm giàu chính đáng. Nhiều hộ nghèo thay đổi tư duy kinh tế, thoát nghèo, góp phần thực hiện mục tiêu chung của tỉnh về giảm tỷ lệ hộ nghèo và giải quyết việc làm cho LĐNT. 

Bên cạnh những ưu điểm đó, công tác dạy nghề cho LĐNT còn bộc lộ những hạn chế, cụ thể là chưa đáp ứng được yêu cầu CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn; chưa có sự kết nối chặt chẽ giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp và người học. Chất lượng, hiệu quả dạy nghề ở một số cơ sở còn hạn chế. Cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo chưa đồng bộ. Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo chủ yếu lĩnh vực nông nghiệp; tỷ lệ lao động học nghề phi nông nghiệp có việc làm, thu nhập ổn định chưa cao. Số LĐNT sau học nghề được doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh tuyển dụng vào làm việc còn hạn chế. Nguồn ngân sách đầu tư cho công tác đào tạo nghề cho LĐNT chủ yếu từ T.Ư, các địa phương chưa quan tâm thực hiện xã hội hoá trong việc dạy nghề; công tác phân luồng học sinh ngay sau tốt nghiệp THCS, THPT vào học nghề chưa đạt được mục tiêu đề ra. Tâm lý xã hội vẫn chú trọng việc học đại học và một bộ phận người lao động chưa xác định được nghề đào tạo phù hợp, chưa tích cực, chủ động tham gia học nghề, hoặc có tham gia nhưng chưa chuyên cần trong học tập… dẫn đến chuyển dịch cơ cấu lao động gặp khó khăn.

 

Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch TT UBND tỉnh nhấn mạnh: Tỉnh xác định phát triển nguồn nhân lực là 1 trong 4 khâu đột phá chiến lược. Đồng thời, định hướng xây dựng GDNN theo hướng mở, linh hoạt, đẩy mạnh đào tạo lại, đào tạo thường xuyên lực lượng lao động. Vấn đề đặt ra đối với công tác đào tạo nghề hiện nay là không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, mở mới ngành nghề nhằm xây dựng được nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, đáp ứng kịp thời nhu cầu cao của thị trường lao động. Giải pháp đối với công tác GDNN, dạy nghề cho LĐNT của tỉnh trong thời gian tới là tập trung tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền, sự tham gia vào cuộc của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và toàn xã hội với công tác đào tạo nhân lực tay nghề cao; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về GDNN. Trong đó, quan tâm đầu tư hoạt động mạng lưới cơ sở GDNN. Khảo sát nhu cầu, dự báo xu hướng phát triển, quy hoạch của từng địa phương gắn với việc làm sau đào tạo; tiếp tục đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo nghề cho LĐNT; đổi mới cơ chế, chính sách, đa dạng hoá nguồn lực đào tạo nghề; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về GDNN theo hướng nâng cao chất lượng tuyên truyền, chú trọng phối hợp thông tin thị trường lao động, việc làm, tư vấn lựa chọn nghề học và việc làm, triển khai tốt công tác xuất khẩu lao động; tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức dạy nghề tại các địa phương, đơn vị nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế về công tác đào tạo nghề cho LĐNT. Thông qua chương trình đào tạo nghề từng bước hình thành đội ngũ lao động có tay nghề cao, có cơ cấu ngành nghề hợp lý, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong nước và ngoài nước, thúc đẩy phát triển KT-XH. Đến hết năm 2022, tỉnh phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 59,2%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 23,8%.

 

                                                                                              Bùi Minh

Góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực 

Năm học 2022 - 2023, trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hoà Bình tiếp tục tuyển sinh các ngành nghề: Công nghệ ô tô, điện tử dân dụng, điện công nghiệp, quản trị mạng máy tính, kế toán doanh nghiệp, đối tượng tốt nghiệp THPT hoặc tương đương. Học sinh được đảm bảo các quyền lợi, chế độ, chính sách. 

Nhà trường thực hiện phương châm lấy chất lượng đào tạo là mục tiêu hàng đầu, phát huy tối đa tính chủ động, sáng tạo của sinh viên, kết hợp lý thuyết với thực hành. Đồng thời, tích cực đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy học. Nhờ đó, các chỉ tiêu đào tạo hàng năm hoàn thành theo kế hoạch được giao. Trong bối cảnh công tác đào tạo nghề đang cạnh tranh khốc liệt, nhà trường tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, chú trọng đào tạo kỹ năng, kiến thức, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động để xây dựng trường đào tạo nghề có thương hiệu, được nhiều doanh nghiệp đặt hàng. Sinh viên được trau dồi kiến thức, tay nghề, rèn luyện tư duy sáng tạo cùng ý chí để trở thành công dân có ích cho xã hội.

                                                                                Lê Thanh Hải

                                                Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hoà Bình

Đào tạo nghề theo hướng phù hợp, hiệu quả 

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh triển khai, thực hiện. Mục tiêu hướng tới đối tượng người nghèo, người dân tộc thiểu số ít được tiếp cận với các lớp đào tạo nghề. 

Những năm 2021 - 2022, Trung tâm đã tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề ngắn hạn ở các huyện, thành phố, gồm: trồng cây ăn quả có múi, kỹ thuật chăm sóc trâu, bò, chăn nuôi gà hữu cơ, sửa chữa máy nông nghiệp… Quá trình học tập, lao động nông thôn được nắm bắt kiến thức, thực hành nội dung để có thể áp dụng vào thực tiễn sản xuất, cải tiến chất lượng, tăng năng suất lao động. Nhất là sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều lao động thiếu việc làm, trình độ tay nghề, Trung tâm đã phối hợp huyện Yên Thuỷ, Lạc Thuỷ mở 4 lớp đào tạo nghề may công nghiệp, kết nối doanh nghiệp tuyển dụng học viên vào làm việc. Kết hợp với chương trình đào tạo, Trung tâm tích cực tuyên truyền, tư vấn nghề, các chính sách đối với lao động nông thôn tham gia thị trường xuất khẩu lao động. Qua đó, góp phần tạo việc làm, chuyển đổi nghề, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững và thúc đẩy kinh tế nông thôn.

Vũ Mạnh Hùng

 Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh 

Gắn dạy nghề với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

Đảm bảo cho lao động có việc làm tại chỗ và thu nhập ổn định luôn là yêu cầu đặt ra trong công tác dạy nghề ở nông thôn hiện nay. Những năm gần đây, huyện Kim Bôi đã phối hợp các đơn vị, doanh nghiệp mở hàng trăm lớp nghề phù hợp với khả năng, nhu cầu của lao động nông thôn, như: May túi xách siêu thị, may công nghiệp, hàn điện, mây tre đan xuất khẩu, hướng dẫn viên du lịch… Ngoài ra, mở nhiều lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật với hàng chục nghìn lượt người tham gia. 

Đến năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 6,1%, đạt 125% kế hoạch (KH); tỷ lệ lao động qua đào tạo 61%, đạt 100% KH; giải quyết việc làm mới cho 2.357 lao động, đạt 109% KH. Năm 2022, huyện phấn đấu giải quyết việc làm cho 2.200 lao động trở lên. Theo đó, công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn được chú trọng, chủ trì phối hợp tổ chức các buổi làm việc giữa doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề và chính quyền địa phương nhằm thống nhất cách thức thực hiện và ký cam kết trách nhiệm giữa hai bên; tập trung thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ vốn vay giải quyết việc làm, phát triển thị trường lao động; thường xuyên tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về chương trình việc làm, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; nâng cao nhận thức của người lao động về việc làm, tìm kiếm việc làm phù hợp năng lực, nhu cầu thị trường việc làm tại địa phương, từng bước chuyển đổi ngành, nghề phù hợp.

 

 Nguyễn Thị Hồng Lĩnh

Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Kim Bôi

 


Các tin khác


Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại

(HBĐT) - Xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em là vấn nạn không mới nhưng cũng chưa bao giờ là cũ khi vụ việc vẫn thường xảy ra. Các hành vi XHTD trẻ em đều gây tổn thương, hậu quả nặng nề, lâu dài về cả thể chất, tâm lý và sức khỏe của trẻ. Bởi vậy, bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị XHTD là vấn đề cần quan tâm, trách nhiệm của toàn xã hội.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả bộ máy chính quyền

(HBĐT) - Với sự tập trung chỉ đạo các nội dung cải cách hành chính (CCHC), tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, hiệu quả bộ máy chính quyền được cải thiện, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, tỉnh đang tập trung chỉ đạo các giải pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy dịch vụ công, trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong điều hành, quản lý thực thi công vụ, xây dựng chính quyền đồng hành phục vụ doanh nghiệp và người dân. 

“Phòng hỏa hơn cứu hỏa” trong cao điểm nắng nóng

(HBĐT) - Mùa nắng nóng đang bước vào giai đoạn cao điểm. Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh khuyến cáo người dân nâng cao hơn nữa ý thức phòng ngừa.

Tìm giải pháp cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công

(HBĐT) - Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là công cụ theo dõi thực thi chính sách, phản ánh của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công (DVC) của chính quyền các cấp; là kênh tham khảo của các địa phương trong quản lý nhà nước, thực hiện chính sách, nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Năm 2022, chỉ số PAPI của tỉnh xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố, giảm 24 bậc so với năm 2021, nằm trong nhóm trung bình thấp. Tỉnh đang tập trung các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI năm 2023 và những năm tiếp theo.

Để hạn chế tình trạng cưỡng chế thi hành án dân sự

(HBĐT) - Thực hiện công tác thi hành án dân sự (THADS), mỗi năm toàn tỉnh thụ lý giải quyết từ 4.600 - 4.800 vụ việc. Số án năm sau cao hơn năm trước cả về số lượng và giá trị, nguyên nhân do số lượng vụ việc tranh chấp tăng. Những năm qua, xác định công tác THADS là một trong những nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần ổn định xã hội, Cục THADS tỉnh đưa ra nhiều giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác này. Tuy nhiên, vẫn còn không ít bản án, quyết định có hiệu lực thi hành nhưng không được tự nguyện thi hành và phải cưỡng chế THADS.

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội

(HBĐT) - Giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH) là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH). Quyền này được quy định trong Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam và được cụ thể hoá bằng các quyết định, chỉ thị, quy định của Đảng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các chỉ thị, kết luận về công tác này. Việc thực hiện góp phần tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Tuy nhiên, GS,PBXH của MTTQ và các tổ chức CT-XH còn những hạn chế, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả nhằm đáp ứng kỳ vọng của Đảng và mong đợi của Nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục