(HBĐT) - Hòa Bình là tỉnh miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) sinh sống. Do đó, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, LLVT trong tỉnh đã tập trung làm tốt công tác chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân. Đến nay, bộ mặt nông thôn vùng ĐBDTTS đã có nhiều đổi khác, là dấu ấn đậm nét từ công tác "Dân vận khéo” với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.


Các đồng chí lãnh đạo Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Bộ Công an, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh bàn giao nhà cho đại diện 10 hộ gia đình ở 2 xã Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu).

Những tín hiệu tích cực

Những năm qua, việc đầu tư, hỗ trợ vùng DTTS trong tỉnh tiếp tục được quan tâm, góp phần cải thiện các chỉ tiêu quan trọng. Bộ mặt các vùng nông thôn có đông ĐBDTTS sinh sống như Mai Châu, Tân Lạc, Đà Bắc… nhiều đổi khác. Nổi bật như tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 8,6% năm 2020 còn 6,6% năm 2021; thu nhập bình quân đầu người các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) đạt trên 20 triệu đồng/năm. Tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh ước đạt 95,3%. 86,6% hộ theo dõi được Đài Truyền hình Việt Nam, Đài PT-TH tỉnh, 58,8% hộ nghe được Đài Tiếng nói Việt Nam. 100% cán bộ, công chức xã đạt chuẩn.

Các chương trình, dự án, chính sách dân tộc tiếp tục được thực hiện, lồng ghép như: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi; chính sách đối với người có uy tín trong ĐBDTTS theo Quyết định số 12/ 2018/QĐ-TTg. Theo đó, tổng kinh phí thực hiện năm 2021 hơn 2,8 tỷ đồng; trong 10 tháng của năm nghiệm thu, giải ngân thanh toán gần 2,1 tỷ đồng cho nội dung cung cấp thông tin và thực hiện các chế độ, chính sách đối với người có uy tín trong ĐBDTTS như: Thăm hỏi, hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần kịp thời khi người có uy tín ốm đau, gặp khó khăn... Ước thực hiện đến ngày 31/12/2021 đạt 100% kế hoạch. Đề án đầu tư, hỗ trợ 36 thôn, bản ĐBKK của tỉnh đến năm 2020 theo Kế hoạch số 53/KH-UBND, ngày 29/3/2019 của UBND tỉnh tiếp tục phát huy hiệu quả. Đến nay, có 22/22 công trình đường giao thông tại 17 xã ĐBKK thuộc 6 huyện đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng, giá trị giải ngân đạt 100% kế hoạch.

Lĩnh vực văn hoá - xã hội tại vùng ĐBDTTS được đẩy mạnh. Đối với công tác lao động, việc làm, hiện có 32 doanh nghiệp được cho phép đến các địa phương để tư vấn, tuyển chọn lao động. Năm 2021, hơn 16.000 lao động được giải quyết việc làm, trong đó xuất khẩu lao động 150 người. Công tác giáo dục nghề nghiệp được chú trọng; tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp với 57 lớp đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho hơn 1.500 người. Tỷ lệ học viên, học sinh, sinh viên được giới thiệu việc làm sau tốt nghiệp đạt trên 80%. Trong công tác giáo dục, 100% xã có mạng lưới trường mầm non, THCS và Trung tâm học tập cộng đồng đáp ứng nhu cầu học tập, phổ biến kiến thức cho người dân. Bộ CHQS tỉnh đã tổ chức phổ biến, giáo dục, tập huấn Luật Quốc phòng cho các đối tượng theo kế hoạch, trong đó có đối tượng già làng, trưởng bản, người có uy tín trong ĐBDTTS.

Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 03-ĐA/TU, ngày 14/1/2010 của BTV Tỉnh ủy về củng cố, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, phát triển KT-XH, bảo đảm QP-AN hai xã Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu). Bộ CHQS tỉnh là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo đã tham mưu BTV Tỉnh uỷ thực hiện hiệu quả các hoạt động trên địa bàn 2 xã. Trong đó, tiếp tục cử 1 đồng chí sĩ quan của Ban CHQS huyện Mai Châu về công tác tại UBND xã Pà Cò, giữ chức Phó Chủ tịch UBND phụ trách công tác văn hóa - xã hội.

Đảng uỷ, Bộ CHQS tỉnh đã chỉ đạo Ban CHQS huyện tham mưu Hội đồng giáo dục QP- AN huyện Mai Châu mở 2 lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho 148 đồng chí là cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân cư 2 xã; mở 2 lớp bồi dưỡng kiến thức QP- AN đối tượng 4 cho 134 cán bộ, công chức 2 xã. Đến nay, hạ tầng 2 xã được cải thiện rõ rệt, các công trình trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng được đầu tư xây dựng, cơ bản đảm bảo nhu cầu học tập, sinh hoạt cộng đồng và khám, chữa bệnh cho người dân; các tuyến đường liên xã, tuyến đường vào một số thôn, xóm, bản bê tông hóa; xây 6 bể nước, 2 giếng khoan bảo đảm nước sinh hoạt cho người dân; có 2 điểm Bưu điện - văn hóa xã, trạm phát sóng Viettel, trạm Vinaphone, các xã đều có trạm thu phát lại truyền hình.


Thực hiện công tác dân vận ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, lãnh đạo Báo Hòa Bình trao tặng học bổng cho các học sinh nghèo vượt khó của xã Hùng Sơn (Kim Bôi).

Hoạt động phối hợp thực hiện công tác dân vận ở vùng ĐBDTTS được các ngành chú trọng thực hiện. 100% huyện, thành phố thực hiện hiệu quả kế hoạch phối hợp giữa Ban Dân vận với Phòng Dân tộc. Điển hình như huyện Tân Lạc, dịp Tết Nguyên đán 2021 đã tặng 143 suất quà cho 143 người có uy tín trên địa bàn; tổ chức tập huấn chuyên đề, bồi dưỡng kiến thức cho 100% người có uy tín. Thực hiện nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Ailen, năm 2021, huyện được phân bổ thực hiện 3 công trình đường giao thông ở các xã Phú Cường, Phú Vinh, Gia Mô. Qua thẩm định, UBND huyện đã cấp kinh phí cho 3 xã thực hiện.

Ở TP Hoà Bình, năm 2021, UBND thành phố đã tặng 150 suất quà cho người có uy tín, thăm viếng 2 trường hợp thân nhân người có uy tín qua đời, tổng kinh phí thực hiện 76 triệu đồng. Ban Dân vận Thành uỷ phối hợp Ban Dân tộc tỉnh tặng 10 suất quà cho lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa tại phường Hữu Nghị... Những hoạt động đó thể hiện sự quan tâm, chăm lo đúng mức của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ngành ở địa phương đối với ĐBDTTS.

Công tác dân vận trong LLVT tỉnh được đẩy mạnh, dịp khai giảng năm học 2021 - 2022, LLVT tỉnh đã vận động, quyên góp hỗ trợ và trao tặng 260 chiếc xe đạp, 652 thẻ BHYT, 60 cặp sách, 106 suất học bổng, 22 góc học tập tình thương, 355 suất quà cho học sinh và con cán bộ, chiến sỹ các cơ quan, đơn vị, nhận đỡ đầu 26 học sinh nghèo vượt khó, tổng trị giá gần 1,2 tỷ đồng.

Cùng với sự quan tâm, chăm lo mọi mặt, các cấp uỷ Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tiếp công dân, đối thoại, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, những vấn đề bức xúc của Nhân dân. Đồng thời, tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp ý kiến, phản biện, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật và hoạt động của chính quyền các cấp. Năm 2021, đã tiếp hơn 980 đoàn với hơn 1.200 lượt người đến trụ sở tiếp dân để khiếu nại, tố cáo, đề nghị, phản ánh; các cơ quan chức năng đã tiếp nhận, phân loại, xử lý 1.255 lượt đơn, thư các loại. Bên cạnh đó, duy trì thường xuyên công tác tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân. Trong năm, các cấp chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tổ chức 90 cuộc đối thoại trực tiếp với Nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Qua đó, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền giải quyết kịp thời những vướng mắc, mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân, xử lý, ngăn chặn những hành vi nhũng nhiễu, thiếu trách nhiệm trong khi thi hành công vụ.

MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, đoàn viên và Nhân dân chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nổi bật như Hội Nông dân các cấp tuyên truyền được gần 500 buổi, kết hợp lồng ghép với sinh hoạt tại các thôn, bản, nhất là ở vùng ĐBDTTS cho hơn 30.000 lượt hội viên tham gia; trong đó, phối hợp tổ chức 16 buổi tuyên truyền về pháp luật cho trên 1.000 lượt hội viên, trợ giúp pháp lý cho gần 300 lượt hội viên. Hội LHPN các cấp hưởng ứng ngày toàn dân phòng, chống mua bán người đã phối hợp tổ chức 16 cuộc tuyên truyền cho gần 6.400 lượt người.

Xác định nhiệm vụ trọng tâm trong công tác dân vận ở vùng ĐBDTTS và miền núi, đồng chí Đinh Thị Thuỷ, Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ cho biết: "Tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo. Phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với Nhân dân. Tập trung chỉ đạo thực hiện các chương trình, dự án, chính sách đối với ĐBDTTS trong tỉnh được UBND tỉnh giao, đảm bảo góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển KT-XH năm 2022. Chủ động nắm bắt thông tin, tình hình vùng ĐBDTTS; phối hợp các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch giao. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cho ĐBDTTS để chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh, bền vững. Phát triển văn hóa, giáo dục, nâng cao trình độ dân trí cho đồng bào các dân tộc. Bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của ĐBDTTS”. 

 

Đẩy mạnh hoạt động phối hợp trong công tác dân vận

Bùi Thị Tự

Trưởng Ban Dân vận Huyện uỷ Tân Lạc

Hiện nay, hoạt động phối hợp giữa Ban Dân vận Huyện uỷ Tân Lạc với Phòng Dân tộc huyện đã có những kết quả nhất định. Theo đó, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho đồng bào dân tộc thiểu số được hưởng và thực hiện nhiều chính sách, cơ chế hỗ trợ phù hợp với điều kiện thực tế. Các phần hỗ trợ đều được thông báo công khai đến Nhân dân để bà con nắm bắt, theo dõi và thụ hưởng đúng đối tượng.

Thời gian tới, tôi mong muốn có nhiều hơn sự phối hợp không chỉ giữa Ban Dân vận và Phòng Dân tộc, mà giữa các cấp uỷ, chính quyền, địa phương, cơ quan, đơn vị LLVT cùng tham gia với nhiều hình thức. Từ đó, giúp bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện nhiều hơn về cơ sở vật chất, tinh thần, đời sống ngày càng nâng lên, tạo đà cho thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị, phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN địa phương.

  

Tích cực tham gia đảm bảo an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Đại tá Nguyễn Hồng Sơn

Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh

Thời gian qua, cán bộ, chiến sỹ (CB, CS) LLVT tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động trong công tác dân vận gắn với đảm bảo an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS). Nổi bật như: Tặng xe đạp, thẻ BHYT, sách vở, đồ dùng học tập cho học sinh nhân dịp năm học mới; xây dựng, tu sửa các công trình giao thông, nước sạch...; bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho các đối tượng già làng, người có uy tín trong cộng đồng; tham gia giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai. Qua đó, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa quân đội với Nhân dân các địa phương, là nền tảng quan trọng để củng cố nền quốc phòng toàn dân.

Để tiếp tục tăng cường công tác dân vận trong LLVT, hướng tới chăm lo, quan tâm vùng ĐBDTTS, LLVT tỉnh tăng cường giáo dục chính trị cho CB, CS về vai trò quan trọng của công tác dân vận đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Đẩy mạnh các hoạt động thiết thực hướng đến đúng đối tượng, địa bàn khó khăn để giúp đỡ. Thực hiện tốt việc giúp đỡ các xã khó khăn của huyện Mai Châu theo phân công của UBND tỉnh, đồng thời, chỉ đạo Ban CHQS các huyện, thành phố tích cực tổ chức các mô hình, phần việc phù hợp nhằm giúp đỡ hiệu quả ĐBDTTS tại địa phương.

  

Quan tâm hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho Nhân dân

Quách Thị Tuyên

Khu Sào, thị trấn Bo (Kim Bôi)

Tôi là người dân tộc Mường sinh sống tại thị trấn Bo (trước đây là xã Hạ Bì), huyện Kim Bôi. Nhiều năm qua, chúng tôi đã được các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương quan tâm, chăm lo đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân tộc thiểu số. Mong muốn trong thời gian tới, các cấp, ngành tiếp tục quan tâm tạo điều kiện, hỗ trợ Nhân dân giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao, hỗ trợ kỹ thuật nuôi trồng để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất.

Bên cạnh đó, các sản phẩm nông nghiệp là nguồn thu nhập chính của người dân nên mong muốn được hỗ trợ đầu ra ổn định để đảm bảo thu nhập, cải thiện kinh tế cho những gia đình còn khó khăn. Đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng tốt hơn nhu cầu sử dụng của Nhân dân, đảm bảo đời sống về vật chất, tinh thần.


 

Thanh Sơn

Các tin khác


Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại

(HBĐT) - Xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em là vấn nạn không mới nhưng cũng chưa bao giờ là cũ khi vụ việc vẫn thường xảy ra. Các hành vi XHTD trẻ em đều gây tổn thương, hậu quả nặng nề, lâu dài về cả thể chất, tâm lý và sức khỏe của trẻ. Bởi vậy, bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị XHTD là vấn đề cần quan tâm, trách nhiệm của toàn xã hội.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả bộ máy chính quyền

(HBĐT) - Với sự tập trung chỉ đạo các nội dung cải cách hành chính (CCHC), tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, hiệu quả bộ máy chính quyền được cải thiện, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, tỉnh đang tập trung chỉ đạo các giải pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy dịch vụ công, trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong điều hành, quản lý thực thi công vụ, xây dựng chính quyền đồng hành phục vụ doanh nghiệp và người dân. 

“Phòng hỏa hơn cứu hỏa” trong cao điểm nắng nóng

(HBĐT) - Mùa nắng nóng đang bước vào giai đoạn cao điểm. Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh khuyến cáo người dân nâng cao hơn nữa ý thức phòng ngừa.

Tìm giải pháp cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công

(HBĐT) - Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là công cụ theo dõi thực thi chính sách, phản ánh của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công (DVC) của chính quyền các cấp; là kênh tham khảo của các địa phương trong quản lý nhà nước, thực hiện chính sách, nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Năm 2022, chỉ số PAPI của tỉnh xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố, giảm 24 bậc so với năm 2021, nằm trong nhóm trung bình thấp. Tỉnh đang tập trung các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI năm 2023 và những năm tiếp theo.

Để hạn chế tình trạng cưỡng chế thi hành án dân sự

(HBĐT) - Thực hiện công tác thi hành án dân sự (THADS), mỗi năm toàn tỉnh thụ lý giải quyết từ 4.600 - 4.800 vụ việc. Số án năm sau cao hơn năm trước cả về số lượng và giá trị, nguyên nhân do số lượng vụ việc tranh chấp tăng. Những năm qua, xác định công tác THADS là một trong những nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần ổn định xã hội, Cục THADS tỉnh đưa ra nhiều giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác này. Tuy nhiên, vẫn còn không ít bản án, quyết định có hiệu lực thi hành nhưng không được tự nguyện thi hành và phải cưỡng chế THADS.

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội

(HBĐT) - Giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH) là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH). Quyền này được quy định trong Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam và được cụ thể hoá bằng các quyết định, chỉ thị, quy định của Đảng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các chỉ thị, kết luận về công tác này. Việc thực hiện góp phần tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Tuy nhiên, GS,PBXH của MTTQ và các tổ chức CT-XH còn những hạn chế, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả nhằm đáp ứng kỳ vọng của Đảng và mong đợi của Nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục