(HBĐT) - Đội ngũ cấp ủy chính là "linh hồn” của các chi bộ. Cấp ủy "mạnh” về trình độ nghiệp vụ, lý luận chính trị, nhiệt tình, trách nhiệm thì sẽ tập hợp và phát huy được năng lực, sở trường của từng đảng viên; khơi dậy được sức mạnh của chi bộ, phát huy vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng; ngược lại, cấp ủy "yếu” sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của chi bộ. Những năm gần đây, chất lượng đội ngũ cấp ủy đã từng bước được nâng lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công việc trong tình hình mới. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 36% cấp ủy viên chưa qua đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ, 30% cấp ủy viên chưa qua đào tạo về lý luận chính trị. Chất lượng cấp ủy, nhất là ở các chi bộ dân cư cần được quan tâm nhiều hơn.
Thường trực Đảng ủy thị trấn Đà Bắc (Đà Bắc) làm việc với cấp ủy Chi bộ tiểu khu Liên Phương về công tác nhân sự cấp ủy nhiệm kỳ 2022 - 2025.
Những vấn đề đặt ra đối với chất lượng đội ngũ cấp ủy hiện nay
Theo số liệu thống kê của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, tổng số chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, đảng bộ bộ phận là 3.171 chi bộ. Trong đó, chi bộ ở khu dân cư 1.482 chi bộ, với 40.753 đảng viên; chi bộ ở các cơ quan hành chính 407 chi bộ, với 3.460 đảng viên; chi bộ ở đơn vị sự nghiệp 833 chi bộ, với 14.285 đảng viên; chi bộ ở lực lượng vũ trang 335 chi bộ, với 3.255 đảng viên; chi bộ ở doanh nghiệp, hợp tác xã 114 chi bộ, với 1.047 đảng viên. Về đội ngũ cấp ủy viên, hiện có 8.892 đồng chí. Trong đó, trình độ giáo dục phổ thông chiếm 87,82%. Về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, chưa qua đào tạo chiếm 36,49%; trung cấp chiếm 12,04%; cao đẳng chiếm 5,81% và đại học chiếm 45,65%. Về lý luận chính trị, chưa qua đào tạo chiếm 30%; sơ cấp chiếm 34,54%; trung cấp chiếm 27,22%; cao cấp, cử nhân chiếm 8,25%.
Như vậy, so với nhiệm kỳ trước, chất lượng đội ngũ cấp ủy các chi bộ ngày càng được nâng lên về trình độ chuyên môn và lý luận chính trị. Cụ thể như so sánh với nhiệm kỳ 2017 – 2020 thì nhiệm kỳ này, tỷ lệ cấp ủy viên chưa qua đào tạo đã giảm từ 43,77% xuống còn 36,49%; tăng số lượng cấp ủy có trình độ đại học từ 23,82 lên 45,65%. Về trình độ lý luận chính trị, đã giảm số chưa qua đào tạo từ 41,92% xuống còn 29,99%; tăng số lượng trung cấp từ 19,69% lên 27,22% và cao cấp, cử nhân từ 5,09% lên 8,25%.
Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực đó thì cũng có một số vấn đề đặt ra đối với đội ngũ cấp ủy hiện nay. Trước tiên là nguy cơ "già hóa” đội ngũ cấp ủy. Cấp ủy chi bộ nhiệm kỳ 2017-2020 có độ tuổi trung bình 43,52 tuổi, thực trạng hiện nay là 45,79 tuổi. Số lượng cấp ủy viên có độ tuổi 30 đến 50 tuổi chiếm tỷ lệ cao (67,08%), trong khi số lượng độ tuổi dưới 30 tuổi chiếm tỷ lệ rất thấp (2,19%) sẽ dẫn đến sự thiếu hụt đội ngũ kế cận để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Ngoài ra, tỷ lệ chưa qua đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ; lý luận chính trị của đội ngũ cấp ủy còn chiếm tỷ lệ khá cao (cấp ủy viên: Chuyên môn, nghiệp vụ chưa qua đào tạo chiếm 36,49%; chưa qua đào tạo lý luận chính trị chiếm 30%; bí thư chưa qua đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, chiếm 29,5%; chưa qua đào tạo lý luận chính trị chiếm 18,8%; phó bí thư: Chưa qua đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ chiếm 38,23%; chưa qua đào tạo lý luận chính trị chiếm 31,71%). Như vậy, việc nâng cao chất lượng đội ngũ cấp ủy các chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở hiện nay là rất cần thiết, đặt ra yêu cầu về số lượng, chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị đối với các đồng chí cấp ủy viên, các đồng chí trẻ, có năng lực, uy tín, nhiệt tình, tâm huyết với nhiệm vụ được giao. Mặt khác, cũng đặt ra nhiệm vụ đối với cấp ủy các cấp trong công tác nhân sự để phát hiện, thu hút, giới thiệu bầu vào cấp ủy những đồng chí có năng lực, trình độ, uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Để cấp ủy chi bộ thực sự là những "cánh chim đầu đàn” của chi bộ
Số liệu thống kê qua các năm cho thấy, hàng năm vẫn còn có khoảng xấp xỉ 1% đồng chí cấp ủy chi bộ không hoàn thành nhiệm vụ; gần 3% cấp ủy chi bộ chỉ hoàn thành nhiệm vụ. Con số này cho thấy chất lượng, vai trò nêu gương của đội ngũ cấp ủy chi bộ đâu đó còn có những tồn tại, hạn chế; tuy chỉ là số ít nhưng cũng rất cần quan tâm, khắc phục.
Thực tế đã cho thấy, công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cấp ủy chi bộ chưa đáp ứng yêu cầu so với yêu cầu thực tiễn cả về số lượng mở các lớp bồi dưỡng và chất lượng nội dung bồi dưỡng. Nếu tính riêng vị trí bí thư chi bộ thì hiện toàn tỉnh còn có tới 29,5% bí thư chưa qua đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ; 19% chưa qua đào tạo lý luận chính trị. Trong đó, nhiều đồng chí bí thư chi bộ tại các khu dân cư tuổi đã cao nên hạn chế trong việc học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của đội ngũ cấp ủy viên cơ sở, trong những năm qua, cấp ủy các cấp trên địa bàn tỉnh đã chủ động cụ thể hóa các văn bản của Trung ương, của tỉnh về công tác cán bộ và nhân sự cấp ủy cơ sở. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị và nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng. Tổ chức các cuộc thi bí thư chi bộ giỏi, báo cáo viên, tuyên truyền viên giỏi, giúp cấp ủy viên cơ sở trau dồi kiến thức, rèn luyện các kỹ năng, năng lực thực hành. Đồng thời, lãnh đạo thực hiện nghiêm túc, có chất lượng công tác cán bộ, bảo đảm dân chủ, minh bạch, chặt chẽ, đúng nguyên tắc, đúng quy trình. Trong đó chú trọng giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cấp ủy viên cơ sở đủ phẩm chất, trình độ, năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.
Đại hội XIII của Đảng đề ra 10 nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ về công tác xây dựng Đảng, trong đó nhấn mạnh việc phải nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo, kỹ năng và nghiệp vụ công tác đảng cho đội ngũ cấp ủy viên cơ sở, nhất là bí thư cấp ủy. Thực hiện chủ trương bí thư cấp ủy đồng thời là thủ trưởng của cơ quan, đơn vị; cơ bản thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND cùng cấp; bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố hoặc trưởng ban công tác mặt trận.
Hiện nay, thực hiện việc tổ chức Đại hội chi bộ nhiệm kỳ 2022 – 2025 theo đúng Điều lệ Đảng, ngày 30/3/2022, Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 22-CT/TU về "đại hội chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở nhiệm kỳ 2022 - 2025”. Trong đó có điểm đáng lưu ý là thực hiện thống nhất bầu cử trưởng khu dân cư trước khi tổ chức đại hội chi bộ; chi ủy, chi bộ thực hiện quy trình lựa chọn, giới thiệu đảng viên có phẩm chất, năng lực, uy tín để nhân dân bầu làm trưởng khu dân cư. Sau đó tiến hành đại hội chi bộ và giới thiệu đồng chí trúng cử trưởng khu dân cư để bầu vào cấp ủy, giữ chức vụ bí thư hoặc phó bí thư chi bộ. Sau đại hội chi bộ nhiệm kỳ 2022 - 2025, 100% các trưởng khu là đảng viên.
Tính đến thời điểm này, khoảng 50% các chi bộ đã hoàn thành việc tổ chức Đại hội Chi bộ nhiệm kỳ 2022 – 2025. Công tác nhân sự được đặc biệt quan tâm. Các cấp ủy đã thực hiện nghiêm túc việc lựa chọn nhân sự với phương châm kiên quyết sàng lọc, không để lọt vào chi ủy khoá mới những người bản lĩnh chính trị không vững vàng; phẩm chất, năng lực, uy tín giảm sút; thiếu gương mẫu, mất đoàn kết, cục bộ, bè phái, cơ hội; có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá” trong nội bộ. Chất lượng cấp ủy được nâng lên gắn với kỳ vọng phát huy hiệu quả hơn nữa sức mạnh của chi bộ để lãnh đạo thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của địa phương, đơn vị trong thời gian tới.
Dương Liễu
Cần có chế độ, chính sách phù hợp, khuyến khích đội ngũ cấp ủy, tổ trưởng tổ đảng các chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, đảng bộ bộ phận
Nguyễn Thanh Long
Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Lạc Thủy
Hiện nay, công việc, nhiệm vụ của các đồng chí cấp ủy, tổ trưởng tổ đảng ở các chi bộ đông đảng viên là khá vất vả và nặng nề. Nhiều người đã cao tuổi nhưng không có nguồn thay thế vì chế độ, chính sách ưu đãi còn nhiều hạn chế, không thuy hút được lớp trẻ tham gia ứng cử vào các vị trí cấp ủy đảng ủy cơ sở. Một số cáng đáng công việc được một thời gian ngắn rồi "viện lý do” xin nghỉ...
Đội ngũ cấp ủy viên, tổ trưởng tổ đảng là những người trực tiếp triển khai tới đảng viên, cán bộ, Nhân dân việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, lãnh đạo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ công tác của cơ quan, địa phương. Đội ngũ cấp ủy chi bộ, tổ trưởng tổ đảng có vững mạnh, đoàn kết thì chi bộ mới vững mạnh được. Để đội ngũ này yên tâm thực hiện nhiệm vụ thì vấn đề chế độ, chính sách phù hợp là rất cần thiết. Theo quy định hiện hành, mới có đồng chí Bí thư chi bộ được hưởng phụ cấp còn các đồng chí chi ủy viên, tổ trưởng tổ đảng chưa được hưởng phụ cấp. Đây là điều khá bất cập. Do đó, giải bài toán việc nhiều, chế độ thụ hưởng thấp là câu chuyện đòi hỏi sự quan tâm ở mọi cấp, mọi ngành và toàn xã hội; nhất là việc nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, điều chỉnh chế độ phụ cấp một cách linh hoạt, sát với thực tế đời sống hiện tại.
Quan tâm, tạo nguồn đảng viên trẻ kế cận cho đội ngũ cấp ủy chi bộ các khu dân cư
Lường Đức Thắng
Bí thư Đảng ủy thị trấn Đà Bắc (Đà Bắc)
Theo đúng kế hoạch đã đề ra, ngày 20/7 là 17/17 chi bộ trực thuộc Đảng bộ thị trấn Đà Bắc sẽ hoàn thành xong việc tổ chức đại hội chi bộ nhiệm kỳ 2022 – 2025. Việc tổ chức đại hội đã diễn ra theo đúng quy định, tiến độ, đảm bảo chất lượng. Nhân sự cấp ủy khóa mới đều là các cá nhân ưu tú, được tín nhiệm cao. Tuy nhiên, có một vấn đề đáng lưu ý là trong số 11 chi bộ khu dân cư hiện nay độ tuổi của cấp ủy nói chung, bí thư chi bộ nói riêng khá cao, cấp ủy có xu hướng ngày càng "già hóa”. Bí thư chi bộ trẻ tuổi nhất cũng sinh năm 1976 và cao tuổi nhất là sinh năm 1957.
Các chi bộ đang gặp khó khăn trong việc tạo nguồn đội ngũ đảng viên trẻ kế cận. Vấn đề phát triển đảng viên, nhất là với đảng viên trẻ hiện nay cũng đang gặp nhiều khó khăn. Do đó, tôi nghĩ để trẻ hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ cấp ủy thì cần hết sức quan tâm đến công tác tạo nguồn, kết nạp đảng viên. Khi chi bộ được bổ sung thêm lực lượng đảng viên trẻ thì mới có phương án chọn lựa, đào tạo, bồi dưỡng đảng viên để bổ sung nhân sự cho cấp ủy các nhiệm kỳ tiếp theo.
Bồi dưỡng nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng cho đội ngũ cấp ủy chi bộ cơ sở
Bùi Văn Mậu
Bí thư chi bộ xóm Rú giữa, xã Hợp Phong (Cao Phong)
Đội ngũ cấp ủy chi bộ cơ sở, khu dân cư như chúng tôi có ưu điểm là rất nhiệt tình, tích cực với nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên lại có một khó khăn là nhiều đồng chí chưa qua đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ. Nhiều cấp ủy gặp khó khăn về nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là kỹ năng nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội trong cán bộ, đảng viên, kỹ năng phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch chống phá Đảng, Nhà nước, kỹ năng giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý kỷ luật đảng viên...
Trong bối cảnh hiện nay, văn bản giấy tờ nhiều, công tác đảng vụ yêu cầu ngày càng cao nên việc bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng cho đội ngũ cấp ủy là rất cần thiết. Công tác bồi dưỡng, tập huấn nên tập trung vào các nội dung như: Kỹ năng, phương pháp tiến hành công tác lãnh đạo, công tác chính trị tư tưởng, công tác tổ chức xây dựng Đảng, công tác bảo vệ chính trị nội bộ của đảng bộ, chi bộ.
Thông qua việc tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, chúng tôi mong sẽ được bổ sung kiến thức, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng; trau dồi những kiến thức về thực tiễn, kinh nghiệm, tạo sự tự tin, mạnh dạn, sáng tạo trong vận dụng, ứng dụng thực tiễn công việc.
(HBĐT) - Hòa Bình là tỉnh miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) sinh sống. Do đó, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, LLVT trong tỉnh đã tập trung làm tốt công tác chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân. Đến nay, bộ mặt nông thôn vùng ĐBDTTS đã có nhiều đổi khác, là dấu ấn đậm nét từ công tác "Dân vận khéo” với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
(HBĐT) - Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ (SHCB) là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt, giúp đảng viên nâng cao ý thức trách nhiệm, tích cực học tập, tu dưỡng, rèn luyện bản thân, thực hiện tốt nhiệm vụ đảng viên và cấp ủy giao. Đồng thời, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng (TCCSĐ), đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay. Xuất phát từ vai trò quan trọng đó, năm 2016, BTV Đảng ủy Khối Các cơ quan (CCQ) tỉnh đã ban hành Đề án số 03 về nâng cao chất lượng, hiệu quả sinh hoạt cấp ủy và chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở trong Đảng bộ Khối CCQ tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Sau 5 năm, đề án đã tạo nên những chuyển biến đáng ghi nhận.
(HBĐT) - Sáng 22/9, tại Cung văn hóa tỉnh đã
diễn ra Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Hòa Bình lần thứ V, giai đoạn
2020-2025.Dự và chỉ đạo Đại hội có
đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, UV BCH T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch
thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng (TĐ-KT) T.Ư. Tỉnh ta có các đồng chí: Bùi Văn Tỉnh, UV BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ;
Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Ngô Văn Tuấn, Phó Bí
thư Tỉnh ủy; Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND
tỉnh; các đồng chí trong BTV Tỉnh uỷ, Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQ
tỉnh; các đồng chí nguyên là lãnh đạo Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh qua các thời kỳ;
Anh hùng LLVT nhân dân, Anh hùng Lao động; đại diện các sở, ban, ngành của
tỉnh;lãnh đạo các huyện, thành phố và 396 đại biểu ưu tú, điển hình tiên
tiến xuất sắc được bầu chọn từ cơ sở.
(HBĐT) - Trong cuộc chiến phòng, chống đại dịch Covid-19 thứ nhất, từ tháng 1 - 7/2020, Hòa Bình đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, được xếp vào nhóm các địa phương có nguy cơ thấp. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại (tạm gọi làn sóng Covid-19 thứ 2) với tâm dịch là Đà Nẵng, Quảng Nam và đã lây lan tới nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, Ban chỉ đạo phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp nCoV tỉnh (gọi tắt là BCĐ nCoV) xác định rõ: Hòa Bình cũng nằm trong nhóm nguy cơ cao. Theo đó, công tác phòng, chống dịch Covid-19 được triển khai quyết liệt.
(HBĐT) - Thực hiện "Năm dân vận chính quyền 2019”, các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương đã lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, triển khai toàn diện, đồng bộ, nghiêm túc. Qua đó, giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh tại cơ sở thông qua tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân; làm tốt công tác tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân; xây dựng hình ảnh người cán bộ "trọng dân, gần dân, có trách nhiệm với Nhân dân”; tạo sự đồng thuận thúc đẩy phát triển KT-XH.
(HBĐT) - Tỉnh có diện tích đất lâm nghiệp trên 298.000 ha, chiếm 64% tổng diện tích tự nhiên. Tỷ lệ độ che phủ rừng ổn định 51,5%. Bên cạnh những lợi ích rừng mang lại, người dân được hưởng lợi từ hoạt động quản lý, bảo vệ rừng (BVR). Tuy nhiên, thời gian qua, đã có những hành vi vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của rừng. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đơn vị chức năng đã lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường các biện pháp nhằm giảm thiểu vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp.