(HBĐT) - Thực hiện "Năm dân vận chính quyền 2019”, các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương đã lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, triển khai toàn diện, đồng bộ, nghiêm túc. Qua đó, giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh tại cơ sở thông qua tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân; làm tốt công tác tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân; xây dựng hình ảnh người cán bộ "trọng dân, gần dân, có trách nhiệm với Nhân dân”; tạo sự đồng thuận thúc đẩy phát triển KT-XH.



Đồng chí Ngô Văn Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy thăm và tìm hiểu tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty Cổ phần may xuất nhập khẩu SMA Vina Việt Hàn (TP Hòa Bình). 

Ưu tiên giải quyết vấn đề cấp bách thông qua đối thoại trực tiếp

Giải quyết các vấn đề cấp bách phát sinh ngay tại cơ sở để ổn định tình hình Nhân dân được xem là công việc ưu tiên hàng đầu. Từ đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung thực hiện tốt công tác tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, giải đáp và chỉ đạo giải quyết kịp thời những vấn đề Nhân dân quan tâm, bức xúc. Tỉnh ủy đã cụ thể hóa thông qua Quyết định số 232-QĐ/TU, ngày 9/6/2016 và Quyết định số 367-QĐ/TU, ngày 6/12/2016 của BTV Tỉnh ủy ban hành Quy định về việc tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân, Quy định về trách nhiệm tiếp thu, góp ý của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp. Sau 3 năm thực hiện, 100% các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn; trên 95% các cơ quan, đơn vị trong tỉnh có kế hoạch triển khai thực hiện.

Trong 3 năm qua, các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị đã tổ chức được 2.062 cuộc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với Nhân dân theo hình thức hội nghị riêng; riêng năm 2019 tổ chức được 418 cuộc. Trong đó, cấp tỉnh có đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh 12 cuộc, các cơ quan 782 cuộc; cấp huyện 102 cuộc; cấp xã 817 cuộc; các cấp Công đoàn đối thoại với đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động được 349 cuộc. Các cơ quan Nhà nước, lực lượng vũ trang, MTTQ, đoàn thể chính trị - xã hội, doanh nghiệp, trường học tổ chức tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với cán bộ, chiến sỹ, đoàn viên, thanh niên, hội viên, người lao động thông qua hội nghị cán bộ, công chức, hội nghị người lao động, hoặc tổ chức lồng ghép gắn với hội nghị tập huấn, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân. Nội dung các cuộc tiếp xúc, đối thoại được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực, trong đó, Nhân dân tập trung  phản ánh, góp ý về tình hình phát triển KT-XH, QP-AN, công tác xây dựng Đảng, chính quyền, những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích chính đáng của Nhân dân.

Điển hình như huyện Lạc Thủy, từ năm 2016 đến nay, toàn huyện đã tổ chức được 42 cuộc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với Nhân dân. Cấp huyện tổ chức 6 cuộc với 257 đại biểu tham gia, 80 ý kiến kiến nghị, phản ánh; cấp xã tổ chức 36 cuộc, với 2.170 đại biểu tham gia và 381 ý kiến. Nổi bật như lĩnh vực đất đai có 95 ý kiến; lĩnh vực xây dựng NTM, giao thông, thủy lợi có 57 ý kiến; về chế độ chính sách có 62 ý kiến… Sau hội nghị tiếp xúc, đối thoại, cấp huyện đã giải quyết 78/80 ý kiến của Nhân dân thuộc thẩm quyền, đạt 98%; 2 ý kiến của Nhân dân thị trấn Ba Hàng Đồi và xã Phú Thành liên quan đến chi trả tiền đền bù đất không thuộc thẩm quyền, được kiến nghị lên cấp trên giải quyết. Cấp xã giải quyết 345/367 ý kiến, đạt 94%; 22 ý kiến về đất đai, giải phóng mặt bằng không thuộc thẩm quyền được kiến nghị lên cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Sau 3 năm thực hiện quy định về trách nhiệm tiếp thu, góp ý, cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp trong tỉnh đã tiếp thu trên 98.000 lượt ý kiến góp ý vào dự thảo chủ trương, nghị quyết, chỉ thị... của Đảng. Các cấp chính quyền, cơ quan hành chính đã tiếp thu trên 126.000 lượt ý kiến góp ý của MTTQ, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, Nhân dân về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ; phòng, chống tiêu cực, quan liêu, tham nhũng, lãng phí; thực hiện dân chủ ở cơ sở… Các ý kiến được tổng hợp bằng văn bản gửi đến kỳ họp HĐND các cấp, các cơ quan hành chính theo quy định.

Đẩy mạnh cải cách hành chính phục vụ Nhân dân  

 Hiện nay, có 80% văn bản chính thức giữa các cơ quan Nhà nước thực hiện trên mạng điện tử; 100% đơn vị cấp huyện có bộ phận một cửa hiện đại; 100% thủ tục hành chính được chuẩn hóa, công khai, minh bạch; tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh theo hướng hiện đại đạt 100%; tỷ lệ giải quyết đúng hạn của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đạt 99%. Đó là những nét nổi bật trong cải cách hành chính của tỉnh, đáp ứng tốt hơn nhu cầu giải quyết công việc cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, một trong những điểm nhấn về dân vận chính quyền thời gian qua.

 Trong công tác tiếp dân, định kỳ vào ngày 15 và 20 hàng tháng, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện các sở, ngành tiếp dân tại Trụ sở tiếp công dân. Năm 2019, đã tiếp 1.257 lượt người đến Trụ sở tiếp công dân để khiếu nại, tố cáo, đề nghị, phản ánh. Chủ tịch UBND tỉnh tiếp 8 đoàn, với 22 lượt công dân. Các đoàn còn lại được Văn phòng UBND tỉnh, Thanh tra tỉnh tiếp, giải thích, hướng dẫn công dân đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Về giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, trong năm, các cơ quan, chính quyền đã tiếp nhận, phân loại, xử lý 1.059 lượt đơn các loại. Có 375 đơn, thư thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc các sở và Chủ tịch UBND các huyện; 574 đơn kiến nghị, phản ánh thuộc trách nhiệm xem xét, trả lời của lãnh đạo UBND cấp huyện và xã. Có 77 đơn khiếu nại, 35 vụ việc mới phát sinh đủ điều kiện thụ lý giải quyết trong thẩm quyền. Chủ tịch UBND tỉnh đã thụ lý 8/8 vụ việc, giao cơ quan Thanh tra tỉnh, Sở TN&MT xác minh, đã giải quyết xong 5 vụ.

Điển hình như vụ khiếu nại của bà Trần Thị Thịnh, tổ 5, phường Phương Lâm (TP Hòa Bình) khiếu nại Quyết định số 3034/QĐ-UBND, ngày 7/11/2018 của Chủ tịch UBND TP Hòa Bình về giải quyết khiếu nại của bà Trần Thị Thịnh; kết quả xác minh không thừa nhận nội dung khiếu nại của công dân. Hay vụ khiếu nại của ông Đỗ Hữu Tài, trú tại thôn Đồng Nội, xã Đồng Tâm (Lạc Thủy) khiếu nại Quyết định số 1343/QĐ-UBND, ngày 27/11/2018 của Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy về việc giải quyết khiếu nại lần đầu; sau xác minh đã hủy Quyết định số 1343/QĐ-UBND, ngày 27/11/2018 của Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy do không đảm bảo theo trình tự giải quyết tranh chấp đất đai, UBND huyện Lạc Thủy có trách nhiệm chỉ đạo UBND xã Đồng Tâm thực hiện việc hòa giải theo đúng quy định. Nhờ đó, hạn chế tối đa các vụ việc tụ tập khiếu kiện đông người, vượt cấp.

Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận chính quyền 

 Một số kiến nghị, đề xuất của Nhân dân trong các cuộc tiếp xúc, đối thoại chưa được giải quyết do cần nguồn lực, thời gian để nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết, như việc đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng, khắc phục hậu quả thiên tai; việc xử lý tình trạng xâm canh, xâm cư, di dân tự do ở khu vực suối Rằm, xã Cun Pheo (Mai Châu); chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng đối với các hộ dân thuộc tổ 14, phường Thịnh Lang (TP Hòa Bình) để thực hiện dự án cầu Hòa Bình 3... Theo đó, đối với công tác tiếp xúc, đối thoại và thực hiện quy định về tiếp thu, góp ý, BTV Tỉnh ủy đã đưa ra 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, nổi bật như đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch trong quản lý, điều hành; chú trọng đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ; các cơ quan, đơn vị cần mở rộng phạm vi, đối tượng tiếp xúc, đối thoại theo chức năng, nhiệm vụ; chủ động nắm tình hình và tổng hợp ý kiến, kiến nghị của đoàn viên, hội viên, Nhân dân, nhất là những vấn đề phức tạp…

Để tiếp tục đổi mới, có những giải pháp mang tính đồng bộ, đột phá trong thực hiện dân vận chính quyền,  nâng cao hiệu quả công tác dân vận chính quyền trong tình hình mới, đồng chí Đinh Thị Thủy, Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết: "Năm 2020 sẽ chú trọng thực hiện 6 nhiệm vụ chính, cụ thể: Thực hiện hiệu quả chương trình phối hợp giữa Ban Dân vận Tỉnh ủy và Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh về công tác dân vận giai đoạn 2017 – 2021. Quán triệt, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đảm bảo an sinh xã hội và tiếp tục kiểm tra, đánh giá các chương trình, dự án "treo” kém hiệu quả để thu hồi, xử lý. Phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện các văn bản pháp luật, tiếp nhận, giải quyết kịp thời, dứt điểm đơn thư khiếu nại, tố cáo; xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức thiếu trách nhiệm, để xảy ra tiêu cực, sai phạm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo. Nâng cao đạo đức công vụ, xây dựng chính quyền gần dân, vì dân gắn với thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị; đặc biệt, giải quyết kịp thời vướng mắc trong việc cấp đổi sổ, giấy tờ của người dân sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã; cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và mức độ hài lòng của người dân. Tăng cường tiếp xúc, đối thoại, nhất là đối thoại đột xuất với Nhân dân ở những nơi chuẩn bị triển khai các chương trình, dự án đầu tư. Tiếp tục rà soát, kiến nghị, đề xuất với T.Ư hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật về đất đai, môi trường, đầu tư…”



Cán bộ bộ phận một cửa xã Tây Phong (Cao Phong) giải quyết thủ tục hành chính cho Nhân dân.

Bài ảnh: Thanh Sơn


Nâng cao trách nhiệm, đạo đức công vụ đối với cán bộ, đảng viên

Bùi Thị Phương Loan
Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Lạc Thủy

 Thực hiện dân vận chính quyền là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, do đó, tất cả cán bộ, đảng viên cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, nhiệm vụ được giao. Mỗi cán bộ, đảng viên cần phải gắn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong tiếp nhận, giải quyết công việc cho các tổ chức, cá nhân. Không được có biểu hiện sách nhiễu, phiền hà người dân mỗi khi giải quyết thủ tục hành chính.     

Để xây dựng hình ảnh người cán bộ "trọng dân, gần dân, hiểu dân và có trách nhiệm với Nhân dân”, người đảng viên cần phải tiên phong, gương mẫu trong thực hiện công vụ, rèn luyện phẩm chất đạo đức, tác phong, lề lối làm việc. Bên cạnh đó, cần thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao trình độ, nhận thức về vai trò công tác dân vận cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận từ tỉnh đến cơ sở, nhất là ở các tổ dân vận thôn, xóm, khu dân cư, bởi đây là lực lượng nòng cốt, sâu sát, nắm bắt nhanh nhất tình hình đời sống, tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân. Qua đó, làm căn cứ để giải quyết các vấn đề phát sinh, đảm bảo an sinh xã hội, làm tiền đề cho phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN tại địa phương. 


Tăng cường đối thoại trực tiếp để Nhân dân được bày tỏ nguyện vọng

Nguyễn Đức Vượng
Phố Độc Lập, thị trấn Vụ Bản (Lạc Sơn)


Thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã tổ chức các cuộc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với Nhân dân trên nhiều lĩnh vực, được người dân đồng tình, ủng hộ. Thông qua đối thoại trực tiếp, chúng tôi được bày tỏ nguyện vọng chính đáng liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Đồng thời, phản ánh những thắc mắc, kiến nghị, đề xuất lên chính quyền địa phương và được giải đáp thỏa đáng theo quy định. Những ý kiến, phản ánh về các vấn đề phức tạp đều được người chủ trì cuộc đối thoại tiếp thu, giao cho các ngành, cơ quan chức năng tiếp nhận, giải quyết.

 Ngoài các cuộc tiếp công dân định kỳ, tôi mong muốn chính quyền các cấp tăng cường hơn nữa việc tổ chức đối thoại trực tiếp, nhất là những cuộc đối thoại đột xuất, để Nhân dân có điều kiện, cơ hội nói lên tâm tư, nguyện vọng, hay phản ánh những vấn đề bức xúc, còn tồn tại trong các khu dân cư. Việc giải quyết những phản ánh, kiến nghị cần đảm bảo tính khách quan, thông báo công khai kết quả đến Nhân dân. Đồng thời, cần đảm bảo thời gian trả lời ý kiến của người dân, giải quyết sớm nhất những vấn đề được dư luận quan tâm. 

Các tin khác


Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại

(HBĐT) - Xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em là vấn nạn không mới nhưng cũng chưa bao giờ là cũ khi vụ việc vẫn thường xảy ra. Các hành vi XHTD trẻ em đều gây tổn thương, hậu quả nặng nề, lâu dài về cả thể chất, tâm lý và sức khỏe của trẻ. Bởi vậy, bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị XHTD là vấn đề cần quan tâm, trách nhiệm của toàn xã hội.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả bộ máy chính quyền

(HBĐT) - Với sự tập trung chỉ đạo các nội dung cải cách hành chính (CCHC), tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, hiệu quả bộ máy chính quyền được cải thiện, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, tỉnh đang tập trung chỉ đạo các giải pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy dịch vụ công, trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong điều hành, quản lý thực thi công vụ, xây dựng chính quyền đồng hành phục vụ doanh nghiệp và người dân. 

“Phòng hỏa hơn cứu hỏa” trong cao điểm nắng nóng

(HBĐT) - Mùa nắng nóng đang bước vào giai đoạn cao điểm. Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh khuyến cáo người dân nâng cao hơn nữa ý thức phòng ngừa.

Tìm giải pháp cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công

(HBĐT) - Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là công cụ theo dõi thực thi chính sách, phản ánh của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công (DVC) của chính quyền các cấp; là kênh tham khảo của các địa phương trong quản lý nhà nước, thực hiện chính sách, nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Năm 2022, chỉ số PAPI của tỉnh xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố, giảm 24 bậc so với năm 2021, nằm trong nhóm trung bình thấp. Tỉnh đang tập trung các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI năm 2023 và những năm tiếp theo.

Để hạn chế tình trạng cưỡng chế thi hành án dân sự

(HBĐT) - Thực hiện công tác thi hành án dân sự (THADS), mỗi năm toàn tỉnh thụ lý giải quyết từ 4.600 - 4.800 vụ việc. Số án năm sau cao hơn năm trước cả về số lượng và giá trị, nguyên nhân do số lượng vụ việc tranh chấp tăng. Những năm qua, xác định công tác THADS là một trong những nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần ổn định xã hội, Cục THADS tỉnh đưa ra nhiều giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác này. Tuy nhiên, vẫn còn không ít bản án, quyết định có hiệu lực thi hành nhưng không được tự nguyện thi hành và phải cưỡng chế THADS.

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội

(HBĐT) - Giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH) là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH). Quyền này được quy định trong Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam và được cụ thể hoá bằng các quyết định, chỉ thị, quy định của Đảng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các chỉ thị, kết luận về công tác này. Việc thực hiện góp phần tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Tuy nhiên, GS,PBXH của MTTQ và các tổ chức CT-XH còn những hạn chế, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả nhằm đáp ứng kỳ vọng của Đảng và mong đợi của Nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục