Đoàn công tác Bộ TNMT giám sát việc thu gom chất thải Formosa chôn lấp trái phép.
Ngày 2-8, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố kết luận về việc chôn lấp bùn thải trái phép của Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng quản lý môi trường đô thị Kỳ Anh. Kết quả phân tích từ phòng thí nghiệm cho thấy, trong chất thải chôn lấp trái phép có một số mẫu bùn thải chứa xyanua vượt ngưỡng chất thải nguy hại.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT), việc phân tích mẫu được giao cho ba Phòng thí nghiệm đủ tiêu chuẩn xử lý, phân tích và đối chứng. Đến ngày 1-8, Bộ TNMT sau khi tiến hành tổng hợp kết quả, so sánh, đối chứng, đánh giá kết quả phân tích từ các phòng thí nghiệm cho thấy: trong chất thải chôn lấp trái phép có một số mẫu bùn thải có chứa thông số xyanua (CN-) vượt ngưỡng chất thải nguy hại.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 85 của Luật Bảo vệ môi trường: “Chất thải thông thường có lẫn chất thải nguy hại vượt ngưỡng quy định mà không thể phân loại được thì phải quản lý theo quy định của pháp luật về chất thải nguy hại”. Khoản 1 Điều 29 của Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu: “Chất thải rắn công nghiệp thông thường phải được phân định, phân loại riêng với chất thải nguy hại, trường hợp không thể phân loại được thì phải quản lý theo quy định về chất thải nguy hại”.
Vì vậy, Bộ TNMT kết luận: bùn thải bị chôn lấp trái phép đã được bốc xúc, lưu giữ với khối lượng là 390,72 tấn (bao gồm cả đất đá bị lẫn) là chất thải công nghiệp có lẫn chất thải nguy hại; phải được quản lý theo quy định về chất thải nguy hại và phải được chuyển giao cho đơn vị có chức năng, được cấp phép xử lý theo quy định của pháp luật.
Bộ TNMT cũng cho biết, kết quả khảo sát môi trường đất, môi trường nước cho thấy nước mặt, nước ngâm và đất tại vị trí chôn lấp bùn thải và khu vực xung quanh chưa bị ô nhiễm do việc chôn lấp trái phép bùn thải nêu trên gây ra.
Xử phạt Formosa, chuyển hồ sơ cho công an điều tra Công ty Kỳ Anh
Về xử lý trách nhiệm đối với chủ nguồn thải là Công ty Formosa Hà Tĩnh, theo Bộ TNMT, kết quả phân tích mẫu bùn thải nêu trên cho thấy Công ty Formosa Hà Tĩnh đã có các hành vi vi phạm sau: Không phân định, phân loại, xác định đúng số lượng, khối lượng chất thải nguy hại phải đăng ký và quản lý theo quy định tại khoản 5 Điều 21 của Nghị định số 179/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Chuyển giao chất thải nguy hại cho tổ chức, cá nhân không có giấy phép xử lý chất thải nguy hại theo quy định đối với trường hợp chuyển giao từ 5.000 kg trở lên chất thải nguy hại có thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại, quy định tại Điểm h, Khoản 7 Điều 21 của Nghị định số 179/2013/NĐ-CP.
Bộ TNMT sẽ xử phạt các vi phạm hành chính nêu trên theo quy định của Nghị định số 179/2013/NĐ-CP và yêu cầu Công ty Formosa Hà Tĩnh phải khắc phục ngay hậu quả do việc chuyển giao bùn thải không đúng quy định, cụ thể:
Công ty Formosa chịu hoàn toàn trách nhiệm phối hợp với Công ty Kỳ Anh tiến hành ký hợp đồng với đơn vị có chức năng vận chuyển xử lý chất thải nguy hại để xử lý ngay 390,72 tấn bùn thải lẫn đất đá nêu trên theo quy định và chịu toàn bộ chi phí cho việc xử lý này; quá trình vận chuyển, xử lý giao Sở TNMT tỉnh Hà Tĩnh có trách nhiệm chủ trì và phối hợp giám sát, kiểm tra.
Phải tiến hành đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại đối với các loại bùn thải nguy hại phát sinh theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 38/2015/NĐ- CP ngày 24-4-2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu; xây dựng kế hoạch xử lý chất thải (công nghiệp rắn thông thường, chất thải sinh hoạt và chất thải nguy hại) cho toàn bộ Dự án và phải hoàn thành, trình cấp có thẩm quyền trước ngày 30-8 tới.
Về xử lý trách nhiệm đối với Công ty Kỳ Anh, Bộ TNMT cho rằng, việc chôn lấp trái phép bùn thải nguy hại của Công ty Kỳ Anh có dấu hiệu tội phạm về môi trường theo quy định tại Điều 182a của Luật số 37/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều Bộ luật Hình sự số 15/1999/QH10. Do vậy, Bộ TNMT sẽ bàn giao toàn bộ hồ sơ vụ vi phạm của Công ty Kỳ Anh cho Công an tỉnh Hà Tĩnh để điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Theo Nhandan
Trong 24 giờ tới, bão khả năng mạnh lên, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (135-165km/giờ), giật cấp 16-17.
(HBĐT) - Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh năm nào cũng xảy ra tai nạn lao động (TNLĐ) tại các mỏ khai thác đá. Hậu quả khiến người lao động (NLĐ) lao đao, bao gia đình tang tóc, doanh nghiệp khốn đốn. Điều đó đòi hỏi các đơn vị khai thác và cơ quan chức năng cần xác định rõ nguyên nhân, có giải pháp khả thi cho vấn đề.
Sáng 31/7, Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã có Công điện số 16 gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Định và các tỉnh miền núi phía Bắc; Ban Chỉ huy phòng chống các Bộ: Quốc phòng, Giao thông Vận tải, Ngoại giao, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Đài Truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Hệ thống Đài Thông tin duyên hải.
Vào khoảng 16 giờ ngày 30-7, tại huyện biên giới Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) đã xảy ra một cơn rung lắc mạnh do động đất khiến nhiều người sinh sống trên địa bàn khá lo lắng, bởi đây là trận động đất thứ 2, kể từ đầu năm đến nay.
(HBĐT) - Ngày 31/1/2013, BCH Đảng bộ tỉnh khóa XV đã ban hành Chương trình hành động (CTHĐ) số 16 thực hiện Nghị quyết số 19 ngày 31/10/2012 của BCH T.ư Đảng khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Qua 3 năm thực hiện, công tác QLNN về đất đai trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, tác động mạnh mẽ đến đời sống KT-XH.