Bỏ hoang công trình nước sạch tiền tỷ
Sau khi khánh thành, công trình nước sạch của xã Hữu Lợi đặt tại xóm Dấp được huyện giao cho xã trực tiếp quản lý. Công trình xây dựng với mục đích cung cấp nước sạch cho 4 xóm: Rộc, Sổ, Rại, Dấp; 3 trường học, 1 trạm y tế và UBND xã. Sau hơn chục năm, công trình mới hoạt động được vài lần rồi "nằm yên”. Hệ thống công trình chỉ có 1 máy bơm hút nước trực tiếp từ sông Lạng lên bể trung tâm, qua bộ lọc rồi dẫn đến các đơn vị nhận nước. Tuy nhiên, công trình không phát huy được hiệu quả, nguyên nhân được đồng chí Bùi Văn Ngớt, Chủ tịch UBND xã chỉ rõ: "Công trình không đủ kinh phí lắp đường ống dẫn nước đến từng hộ hoặc nhóm hộ nên việc nhận nước để sử dụng hạn chế. Do đó, mỗi đơn vị nhận nước chỉ có một bể chứa nước chung (dung tích khoảng 6 m3) với đường ống dẫn nước từ bể trung tâm đến. Đồng thời, nguồn nước được hút lên từ sông Lạng không đảm bảo vệ sinh cộng thêm hệ thống lọc thô sơ, không an toàn nên người dân các xóm và cán bộ trường học, trạm y tế và UBND xã không yên tâm sử dụng”.
Công trình nước sạch tại xã Hữu Lợi (Yên Thủy) xây dựng cách đây hơn chục năm nhưng không phát huy được hiệu quả.
Theo ghi nhận của phóng viên, công trình nước sạch gồm 2 bể, 1 bể chứa nước có dung tích 70 m3, 1 bể chứa nước lọc 20 m3. Trên các bể chứa nước phủ đầy lá rụng. Bên trong bể không có nước và mọc đầy rêu do bỏ hoang lâu ngày.
Xóm Sổ, xã Hữu Lợi là 1 trong 36 xóm đặc biệt khó khăn của tỉnh, vấn đề trăn trở nhất chính là nước sạch. ông Quách Văn Sin, Trưởng xóm Sổ cho biết: "Nhiều năm nay, chúng tôi phải sử dụng nguồn nước tự nhiên không đảm bảo vệ sinh. Bà con khó có thể tự đào giếng do đất có than. Nếu giếng đào không đủ sâu thì nước lẫn than không sử dụng được mà muốn đào sâu cũng không có phương tiện kỹ thuật. Vậy nên buộc người dân phải sử dụng trực tiếp nước từ sông Lạng chưa qua xử lý hoặc xử lý thô sơ không đảm bảo vệ sinh. Nước từ giếng tự đào lâu năm có tình trạng nhiễm vôi, nguy cơ cao ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng. Mặc dù công trình nước sạch đã được xây dựng, tuy nhiên, chúng tôi chưa được hưởng lợi từ công trình này”.
Mong mỏi từng ngày của người dân
Trong 4 xóm có tên trong danh sách được cung nước sạch từ công trình này, duy chỉ có xóm Sổ là không sử dụng được nước giếng đào do đất có lẫn than. Chúng tôi "mục sở thị” tại hộ ông Quách Văn ưu ở xóm Sổ. Nước giếng của gia đình ông vàng đục, đóng váng trên bề mặt, không đảm bảo vệ sinh nhưng "lực bất tòng tâm” gia đình buộc phải sử dụng. "Giá mà công trình nước sạch phát huy tác dụng thì bà con xóm tôi đỡ đi nỗi lo về nguồn nước, không ảnh hưởng đến sức khỏe”, ông ưu giãi bày.
Để khắc phục tình trạng chung, các xóm, đơn vị đều phải khoan giếng khơi kết hợp với dẫn nước từ các khe núi về sử dụng. Ngoài xóm Sổ, nước giếng ở các xóm đều có thể sử dụng được, nhưng ngặt nỗi, vấn đề thiếu nước sản xuất khiến cho bà con không khỏi băn khoăn.
Chúng tôi đến xóm Dấp có 98 hộ với 398 nhân khẩu. 100% hộ đều sử dụng nước giếng và nước tự chảy. Ngoài nỗi trăn trở về nguồn nước sạch, bà con thêm lo lắng khi cứ đến những tháng mùa khô là thiếu nước, đặc biệt là nước sản xuất. Xóm có 40 ha đất sản xuất thì một nửa diện tích "khát nước” vào mùa khô. Nước sông Lạng không đảm bảo vệ sinh nên bà con trong xóm không ai dám sử dụng. "Mong muốn lớn nhất của bà con xóm tôi cũng như các xóm còn lại là được chính quyền cấp trên quan tâm, hỗ trợ, giúp chúng tôi có nguồn nước sạch để dùng”, đồng chí Đinh Văn Cần, Trưởng xóm Dấp gửi gắm.
Cùng chung nỗi lo với người dân, đồng chí Chủ tịch UBND xã bày tỏ: "Đề nghị huyện đầu tư cải tạo, nâng cấp công trình nước sạch và lắp đường ống dẫn nước về từng nhóm hộ và các đơn vị trên địa bàn xã. Đồng thời, tạo điều kiện giúp bà con khoan giếng ở độ sâu đảm bảo tiêu chuẩn để người dân đủ nước sạch sử dụng, yên tâm lao động, sản xuất”.
Trước đề xuất, kiến nghị của chính quyền và người dân xã Hữu Lợi, đồng chí Bùi Văn Hồng, Trưởng phòng Dân tộc huyện Yên Thủy cho biết: "Xã cần nhanh chóng xây dựng báo cáo về tình hình thực trạng sử dụng công trình nước sạch tại xóm Dấp và những đề xuất, mong muốn của người dân. Từ đó, phòng Dân tộc huyện sẽ làm căn cứ để tham mưu cho UBND huyện đề xuất lên UBND tỉnh phân bổ nguồn kinh phí hỗ trợ, khắc phục khó khăn về nguồn nước cho người dân”.
Thanh Sơn
Từ ngày 1.8.2017, chủ thẻ ATM của 41 ngân hàng thành viên của CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) có thể thực hiện thanh toán hàng hóa/dịch vụ của Petrolimex tại hơn 2.000 cửa hàng xăng dầu trên toàn quốc.
(HBĐT) - Nhờ chương trình xây dựng mới, bộ mặt làng quê của xã Xuân Phong (Cao Phong) đã có những đổi thay tích cực, đời sống của người dân ngày càng được nâng lên. Thế nhưng, để có những bước tiến nhanh hơn, Xuân Phong cần sự quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa bởi lộ trình về đích còn lắm gian nan với những tiêu chí khó thực hiện.