Tổ chức thông báo đến các cấp chính quyền, người dân, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông; cơ sở nuôi trồng thủy sản trên sông, phương tiện vận tải thủy; các bến đò ngang; các hoạt động SX-KD, khai thác cát, sỏi biết thông tin xả lũ hồ thủy điện Hòa Bình để chủ động các biện pháp phòng tránh đảm bảo an toàn về người, tài sản.
Rà soát và sẵn sàng phương án ứng phó đảm bảo an toàn hạ du, đặc biệt là hệ thống đê điều, các khu tập trung dân cư ở bãi sông để sẵn sàng triển khai ứng phó giảm thiểu thiệt hại do xả lũ hồ chứa gây ra. Tổ chức di dời dân ra khỏi những nơi có nguy cơ sạt lở.
Thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh phụ trách theo dõi địa bàn huyện Kỳ Sơn và thành phố Hòa Bình trực tiếp xuống địa bàn phụ trách cùng địa phương chỉ đạo, thực hiện công tác ứng phó với việc xả lũ của nhà máy thủy điện Hòa Bình theo phương án.
UBND thành phố Hòa Bình chủ trì, phối hợp với Công ty Thủy điện Hòa Bình và các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn; bố trí lực lượng ngăn cấm, cưỡng chế người dân không vào các khu vực nguy hiểm để quay phim, chụp ảnh... khi Nhà máy Thủy điện Hòa Bình xả lũ;
Các Sở: NN&PTNT, TN&MT, KH&CN bố trí cán bộ tới các khu vực nuôi trồng thủy sản ở hạ lưu Nhà máy thủy điện Hòa Bình để hỗ trợ chuyên môn cho các hộ nuôi trồng thủy sản, tìm biện pháp khắc phục ảnh hưởng của việc xả lũ đến nuôi trồng thủy sản, giảm tối đa thiệt hại cho người dân;
Đài PT&TH tỉnh, huyện Kỳ Sơn, thành phố Hòa Bình tăng thời lượng và tần suất đưa tin về xả lũ hồ Hòa Bình 1 giờ/1 lần để các cấp chính quyền địa phương và người dân chủ động phòng tránh;
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h; phải bố trí lãnh đạo trực chỉ huy tại Văn phòng thường trực; tăng cường kiểm tra, theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ trên địa bàn và tình hình xả lũ của nhà máy Thủy điện Hòa Bình; thường xuyên báo cáo về UBND tỉnh, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
PV(TH)