Giữ rừng việc không của riêng ai
Chẳng phải tự nhiên mà con suối Trầm chạy dọc xã Nật Sơn chảy quanh năm chưa bao giờ cạn nước dù cho ở giữa mùa khô bỏng khát. Theo đồng chí Bùi Văn Thảo, Chủ tịch UBND xã Nật Sơn: Giữ được dòng nước cho suối Trầm là bởi từ hàng chục năm qua 125 hộ dân xóm Bưa Cầu luôn đồng lòng, nhất trí cùng nhau giữ cho cánh rừng đầu nguồn xanh mát...
Cùng anh Bùi Văn Thí, công an viên xóm Bưa Cầu vượt qua những con dốc lởm chởm đá để đến khu rừng suối Trầm xanh ngát. Ngồi trên lán canh giữa rừng lộng gió, anh Bùi Văn Thí bảo: Hiện nay toàn bộ diện tích rừng đã được giao cho các hộ dân quản lý, bảo vệ. Tuy vậy, do toàn bộ rừng của xóm nằm ở địa bàn giáp ranh và xa khu dân cư nên việc quản lý, bảo vệ gặp nhiều khó khăn. Vì để giữ được màu xanh của rừng, từ hàng chục năm qua, người dân trong xóm đã thành lập các tổ bảo vệ rừng chốt giữ ở các khu vực trọng yếu. Trước đây, tình hình còn phức tạp, xóm thành lập 7 tổ có từ 25 - 30 người/tổ thường xuyên túc trực 24/24h tại các lán để trông coi, bảo vệ rừng, hiện nay thì rút xuống còn 4 tổ. Đây là việc chung của xóm nên nhà nào cũng có người tham gia vào các tổ bảo vệ rừng. Đến lượt nhà ai thì nhà đấy phải có người lên các lán để trông coi. Điều này cũng đã được 100% người dân đồng lòng, nhất trí đưa vào hương ước của xóm.
Từ việc nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân xóm Bưa Cầu, xã Nật Sơn (Kim Bôi) luôn giữ được màu xanh cho những cánh rừng.
Anh Bùi Văn Thí cho biết thêm: Dù được đưa vào hương ước nhưng trên thực tế việc trông coi, bảo vệ rừng của người dân trong xóm được thực hiện hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện. Việc thành lập các tổ bảo vệ rừng của xóm được triển khai, tổ chức từ năm 1996 và duy trì liên tục từ đó đến nay. Ban quản lý xóm đứng ra sắp xếp, điều hành, do vậy các hộ dân luôn có sự luân phiên, thay nhau tham gia các tổ bảo vệ rừng. Cũng chính từ việc phát huy tốt tinh thần đoàn kết trong thực hiện nhiệm vụ chung nên tính cố kết cộng đồng ở xóm Bưa Cầu cũng ngày càng bền chặt.
Dù đói, một cây măng cũng không tơ hào
Đồng chí Bùi Văn Thông, Trưởng Công an xã Nật Sơn chia sẻ: Trên thực tế, trước đây, khi chưa thành lập các tổ bảo vệ rừng thì việc quản lý bảo vệ rừng ở Bưa Cầu nói riêng và ở Nật Sơn nói chung vẫn còn lộn xộn. Vào mùa măng, thường có người ở các địa bàn khác vào lấy trộm. Có những lúc tình trạng này diễn ra phổ biến, trắng trợn, ngang nhiên và đầy thách thức. Khi ấy, việc bảo vệ rừng của từng hộ dân thường không đem lại hiệu quả. Việc bảo vệ rừng còn gặp các hành vi chống đối đã dẫn đến nhiều vụ mâu thuẫn, xô xát, thậm chí là đổ máu. Ví như vào mùa măng năm 1996, một số đối tượng ở xóm Chỉ Ngoài (xã Hùng Tiến) lợi dụng trời mưa, đêm tối đã vào khu vực rừng của xóm Bưa Cầu lấy trộm măng. Khi bị phát hiện, lại cậy đông người nên các đối tượng này không rời khởi địa bàn mà còn có thái độ đe doạ, thách thức, hành hung chủ rừng. Trước sự thách thức của các đối tượng, một số người dân trong xóm đã phản ứng lại dẫn đến đánh nhau. Một người dân ở xóm Bưa Cầu đã dùng dao chém đứt cánh tay của Bùi Văn L. Sự việc sau đó tiếp tục diễn ra theo chiều hướng phức tạp, phải đến khi Công an huyện Kim Bôi có mặt tại hiện trường, tình trạng mâu thuẫn giữa người dân 2 xóm Bưa Cầu và Chỉ Ngoài mới được giải quyết.
Trước sự phức tạp, khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, cấp uỷ, chính quyền xã Nật Sơn và Ban quản lý xóm Bưa Cầu đã bàn bạc, thống nhất triển khai thực hiện mô hình tổ bảo vệ rừng. Anh Bùi Bá Giai, tổ trưởng tổ bảo vệ khu vực rừng suối Trầm cho biết: Việc quản lý, bảo vệ rừng được đưa vào hương ước. 100% người dân trong xóm đồng tình, thống nhất cao. Thực tế hoạt động của các tổ bảo vệ rừng đã đem lại hiệu quả cao khi hàng trăm ha rừng tự nhiên, rừng sản xuất của người dân đã được bảo vệ, không còn hiện tượng người ở các địa phương khác vào lấy trộm lâm sản.
Đáng nói hơn là việc bảo vệ rừng đã được các hộ dân trong xóm coi là nhiệm vụ chung. Không chỉ hộ nhiều rừng mà hộ có ít, thậm chí những hộ chỉ có vài ba gốc bương, luồng nhưng vẫn tích cực tham gia bảo vệ rừng. Không chỉ bảo vệ măng, cây trong rừng mà theo hương ước và quy định của tổ bảo vệ rừng thì cấm triệt để việc săn bắt chim, thú trong rừng. Đối với khu vực rừng đầu nguồn, người dân phải tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc không được xâm phạm.
Bên cạnh đó, để đảm bảo quyền lợi cho người dân, xóm cũng có quy định hộ nào có nhu cầu sửa chữa nhà cửa chỉ được phép chặt 2 cây. Trước khi chặt hạ phải làm đơn xin xác nhận của UBND xã, Ban quản lý xóm. Trong quá trình chặt hạ cây lấy gỗ, tổ trưởng tổ bảo vệ rừng sẽ là người giám sát. Nếu trong trường hợp chặt quá số cây theo quy định, mỗi cây đổ sẽ phạt 100kg thóc. Không chỉ có vậy, trong mỗi mùa măng, theo hương ước người dân trong xóm thống nhất chỉ khai thác ở mức độ nhất định, không được khai thác kiệt mà phải để dành lại những cây măng to, khoẻ để lên cây. Còn nếu ai nổi lòng tham lấy trộm của nhà khác thì cứ tính 10 kg thóc/củ. Với những quy định chặt chẽ nên từ năm 1997 đến nay, trên địa bàn xóm chưa bao có trường hợp nào bị xử phạt về hành vi phá rừng và trộm cắp măng.
Có thể nói, chính từ việc nâng cao ý thức tự giác trong việc quản lý, bảo vệ rừng đã đem lại cho người dân xóm Bưa Cầu nhiều lợi ích bền vững. Theo đó, ngoài việc duy trì nguồn nước sinh hoạt, tưới tiêu ổn định, hàng năm người dân ở đây có nguồn thu đáng kể từ măng và cây bương luồng.
Theo anh Bùi Văn Thí, Qua thống kê trong vụ măng năm 2017 qua, cả xóm đã thu được hơn 500 triệu đồng từ bán măng và chặt tỉa cây. Trong đó, số thu từ măng chiếm đến 400 triệu đồng. Tính bình quân, trong vụ này mỗi hộ dân có thêm nguồn thu hơn 3 triệu đồng. Còn đối với hộ nhiều cũng thu đến hàng chục triệu đồng tiền măng. Từ nguồn thu này, các hộ dân trích lại một phần để ủng hộ công tác quản lý bảo vệ rừng cũng như dành để dùng vào việc làng, việc xóm. Cái được lớn nhất đó là sự đoàn kết cộng đồng đã được cố kết bền chặt. Nhờ đó, từ hàng chục năm qua xóm Bưa Cầu không để xảy ra mất ANTT. Các tổ bảo vệ rừng cũng trở thành lực lượng nòng cốt, tích cực tham gia giữ gìn ANTT ở địa phương.
Mạnh Hùng