Nhiều cơ hội cho sản phẩm được bảo hộ
Trong 8 TSTT mang tên địa danh được bảo hộ thành công, có 1 chỉ dẫn địa lý (CDĐL) và 7 nhãn hiệu tập thể (NHTT). Các NHTT gồm có: rượu cần Hòa Bình, dệt thổ cẩm Mai Châu, mía tím Hòa Bình, hạt dổi Lạc Sơn, quả lặc lày và rau hữu cơ Lương Sơn, nhãn Sơn Thủy - Kim Bôi, rau su su Tân Lạc. Đặc biệt, tỉnh đã bảo hộ thành công CDĐL Cao Phong cho sản phẩm cam quả của huyện Cao Phong. Đây là kết quả nổi bật nhất trong tổng quan tình hình bảo hộ TSTT thuộc lĩnh vực sở hữu công nghiệp (SHCN) của tỉnh những năm qua.
Được chứng nhận nhãn hiệu tập thể, sản phẩm quả lặc lày và rau hữu cơ Lương Sơn đã tăng giá thành khoảng 150% so với thời điểm chưa được bảo hộ.
Sau khi được cấp văn bằng bảo hộ, các cấp chính quyền, sở, ngành của tỉnh đã đồng bộ triển khai nhiều hoạt động nhằm quản lý và sử dụng tốt CDĐL Cao Phong cho sản phẩm cam quả của huyện Cao Phong. Bên cạnh đó, tích cực tổ chức các chương trình quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm. Nếu như trước đây, cam Cao Phong chỉ được biết đến như một đặc sản tiêu thụ ở mức hạn chế, chủ yếu trên địa bàn huyện Cao Phong và một số huyện lân cận, thì đến nay, sau gần 3 năm (từ tháng 11/2014) được bảo hộ CDĐL, thương hiệu cam Cao Phong đã xác lập được vị thế xứng đáng trên thị trường. Cùng với việc tăng nhanh về diện tích và sản lượng (khoảng 1.500 ha, sản lượng đạt trên 25.000 tấn /năm), giá trị sản phẩm đã tăng khoảng 30 – 40% so với trước khi được đăng ký bảo hộ. Hiện nay, cam Cao Phong đang đứng trước nhiều cơ hội lớn, thực sự trở thành loại hàng hóa có giá trị kinh tế cao, sẵn sàng vươn tới thị trường trong và ngoài nước, mở ra hướng đi mới cho ngành công nghiệp chế biến tại vùng đất mà sản phẩm này được mang tên.
Đồng chí Bùi Văn Chủm, Phó Giám đốc Sở KH &CN nhìn nhận: Tương tự như cam Cao Phong, các đặc sản được bảo hộ SHTT dưới hình thức NHTT cũng đứng trước nhiều cơ hội để phát huy lợi thế, phát triển thành thương hiệu mạnh của địa phương. Bằng cách đăng ký bảo hộ quyền SHTT, các chủ sở hữu đã có trong tay công cụ đắc lực giúp nâng cao giá trị và tính cạnh tranh của sản phẩm. Các sản phẩm được bảo hộ khi đưa ra thị trường đã xác lập được những giá trị mới, tạo nền tảng quan trọng giúp sản phẩm vươn xa. Đây là hướng đi mới cho địa phương và các cơ quan chuyên môn trong việc triển khai các hoạt động hỗ trợ cộng đồng, doanh nghiệp tạo dựng và phát triển TSTT.
Nhiều thách thức trong quản lý và phát triển sản phẩm
Sau khi đăng ký bảo hộ thành công quyền SHTT đối với sản phẩm, việc quản lý và sử dụng thương hiệu được đặt ra với nhiều thách thức. Hiện nay, trong tổng số 184 TSTT thuộc lĩnh vực SHCN được đăng ký bảo hộ thành công, chỉ có 1 CDĐL và 7 NHTT được xác định là tài sản tập thể và sử dụng dấu hiệu địa danh. Đối với các sản phẩm này, tại tỉnh đã áp dụng 3 mô hình quản lý: Hội Nông dân địa phương (áp dụng đối với sản phẩm quả lặc lày và rau hữu cơ Lương Sơn, hạt dổi Lạc Sơn, dệt thổ cẩm Mai Châu), Hội sản xuất và kinh doanh sản phẩm (áp dụng đối với sản phẩm rượu cần Hòa Bình, mía tím Hòa Bình), HTX trực tiếp sản xuất, kinh doanh sản phẩm trực tiếp quản lý (áp dụng đối với nhãn Sơn Thủy, su su Tân Lạc). Qua khảo sát của Sở KH &CN, các tổ chức quản lý NHTT hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, dẫn đến hiệu quả quản lý và phát triển thương hiệu còn hạn chế. Trước hết phải kể đến năng lực quản trị của chính tổ chức chủ thể. Sau đó là các vấn đề về quyền lợi của thành viên, kế hoạch khai thác nhãn hiệu, nguồn vốn đầu tư, xúc tiến thương mại cho sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất...
Đồng chí Phó Giám đốc Sở KH &CN Bùi Văn Chủm nhấn mạnh: Thực tế đánh giá tại các địa phương trong tỉnh cho thấy, hiện nay, công tác quản lý NHTT và CDĐL gặp nhiều khó khăn, một số khâu còn bị buông lỏng. Bản thân cơ quan quản lý Nhà nước cũng chưa tổ chức thanh kiểm tra chuyên đề về SHTT. Các tổ chức sở hữu NHTT chưa hiểu đầy đủ cũng như chưa hoàn toàn ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác quản lý và phát triển TSTT. Những hạn chế này dẫn đến việc chưa khai thác hiệu quả các NHTT sau khi đăng ký bảo hộ thành công. Là cơ quan quản lý Nhà nước chuyên trách, Sở KH &CN đã đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển TSTT trên địa bàn tỉnh. Trong đó, giải pháp then chốt là xây dựng kế hoạch phát triển TSTT cho các đặc sản địa phương, đẩy mạnh lồng ghép công tác phát triển TSTT với các chương trình phát triển KT -XH, từ đó tạo thêm động lực để các đặc sản địa phương phát triển thành thương hiệu mạnh.
Thu Trang