Ngôi nhà ông Bùi Văn Lực, xóm Túp, xã Tiền Phong (Đà Bắc) bị mưa lũ tàn phá gây hư hỏng nặng, cả gia đình phải di dời đến trạm y tế cũ của xã để ở tạm.
Là một trong những hộ phải di dời ở tạm tại trạm y tế cũ của xã do nhà cửa bị sạt lở nghiêm trọng, ông Bùi Văn Lực, xóm Túp, xã Tiền Phong nhớ lại: "Đêm ngày 10/10 trời mưa lớn không ngừng, nước chảy xối xả. Khoảng 11h sáng hôm sau, tôi phát hiện thấy nhiều vết rạn nứt trong nhà và dưới bếp cùng dấu hiệu bị sụt lún. Thấy nguy hiểm, tôi liền gọi trưởng xóm Quách Công Chí đến kiểm tra tình hình, ông Quách Công Chí lập tức huy động người dân trong xóm di dời toàn bộ tài sản của nhà tôi sang nhà ông để tạm. Sau đó 3 ngày, tôi được lực lượng dân quân và hàng xóm hỗ trợ chuyển đồ đạc đến trạm y tế cũ của xã để ở tạm. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi chứng kiến trận mưa lũ lịch sử gây ảnh hưởng lớn đến vậy”. Mưa lũ không chỉ gây ảnh hưởng đến gia đình ông Lực mà còn khiến cho hàng chục hộ dân khác trong xã phải di dời khẩn cấp.
Theo thống kê của UBND xã, do ảnh hưởng mưa lũ kéo dài, toàn xã có 3 điểm nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao cần di dời khẩn cấp 33 hộ dân đến nơi an toàn. Trong đó, có 9 hộ đã di dời tài sản, nhà cửa đến các hộ dân khác trong xóm, trạm y tế cũ và trường mầm non cũ ở tạm. Đất sạt vào 4 hộ dân và 1 cơ sở trường học; nước lũ gây ngập 3 nhà; thiệt hại 25,3 ha hoa màu; vỡ 13 ao cá trị giá khoảng 250 triệu đồng; đắm 2 thuyền máy, gây sạt lở 15 điểm đường liên thôn, liên xã; vỡ 2 mương bai; 8 cột điện trên địa bàn xã bị đổ gây mất điện ở một số xóm, đặc biệt ở xóm Cò Xa. Tổng thiệt hại ước tính 750 triệu đồng.
May mắn không có thiệt hại về người, thế nhưng tình trạng sạt lở đất đang là mối lo ngại lớn nhất của chính quyền và người dân xã Tiền Phong. "Căn nhà tôi gom góp cả đời mới làm được từ năm 2012 đến nay đã bị mưa lũ gây sạt lở nghiêm trọng không thể ở được. Thu nhập của gia đình chủ yếu từ nuôi trồng thủy sản, giờ nhà mất rồi thì coi như trắng tay, may mắn là còn giữ được người nên còn làm ra được tài sản, nhưng biết đến bao giờ mới xây lại được căn nhà mới. Tôi mong muốn các cấp chính quyền quan tâm tìm nơi ở mới đảm bảo an toàn để người dân chúng tôi yên tâm lao động sản xuất”, ông Lực rầu rĩ nói. Hiện đang có 5 hộ với 18 nhân khẩu ở tạm tại trạm y tế cũ, 2 hộ với 9 nhân khẩu ở tại trường mầm non cũ của xã, một số hộ ở tạm nhà dân. Cuộc sống tạm bợ nên các hộ dân thiếu thốn đủ đường, tinh thần vẫn chưa ổn định, anh Bùi Văn Hiến ở xóm Túp, hiện đang trú tạm tại trạm y tế cũ cho biết: "Sau ảnh hưởng của mưa lũ, chúng tôi suy sụp tinh thần nặng nề vì mất nhà cửa, đảo lộn cuộc sống, sinh hoạt. Mong muốn các cấp, chính quyền, những tấm lòng hảo tâm quan tâm giúp đỡ để chúng tôi ổn định lại cuộc sống, yên tâm làm ăn, con cái được đi học bình thường”.
Trong chuyến thị sát tình hình sạt lở và công tác khắc phục hậu quả thiên tai ở xã Tiền Phong, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Đăng Ninh chỉ đạo phải nhanh chóng di dời người dân đến nơi an toàn, nhưng phải đảm bảo cho người dân có điều kiện phát triển kinh tế vùng hồ. Tiếp thu và thực hiện chỉ đạo, lãnh đạo huyện Đà Bắc và xã Tiền Phong tổ chức họp bàn và thống nhất lấy 2,5 ha khu vực đồi ngô làm nơi ở mới cho 25 hộ dân thuộc xóm Túp và xóm Trê, lấy tên khu tái định cư mới là xóm Đá Tú. Là khu vực có địa thế thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản, lại đảm bảo bảo an toàn nên đây được xem như phương án thích hợp để ổn định cuộc sống mới cho bà con.
Thanh Sơn
(HBĐT) - "Nước rút đến đâu, Trung tâm y tế (TTYT) huyện và các trạm y tế của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện triển khai công tác xử lý môi trường đến đó. Từ sự chủ động này đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo môi trường sống cho người dân sau lũ”, bác sỹ Nguyễn Văn Đang, Giám đốc TTYT huyện Lạc Thuỷ cho biết.