Ông Khuất Đình Vọng, Trưởng xóm Đại Đồng lo lắng trước tình trạng bưởi rụng quá nhiều do ảnh hưởng của mưa lũ
Ông Khuất Đình Vọng, Trưởng xóm Đại Đồng xót xa kể lại: Mưa lớn dồn dập trong mấy ngày khiến cả xóm bị ngập nặng, nhiều khu vực dân cư và diện tích canh tác bị ứ đọng không tiêu được nước. Vừa mưa vừa ngập úng kéo dài nên hầu hết diện tích sản xuất vụ mùa, hè thu của xóm đều bị thiệt hại. Trong đó, giá trị thiệt hại nặng nề nhất là 27 ha bưởi đã trồng được 3 - 4 năm, dự kiến đến tháng 11 tới sẽ bắt đầu cho thu hoạch. Bản thân nhà tôi cũng có 100/160 cây bưởi đang thời kỳ kinh doanh bị ngâm nước suốt mấy ngày, quả rụng nhiều may mà không chết cả cây...
Hiện, cả xóm Đại Đồng trồng khoảng 45 ha bưởi. Nhờ ứng dụng đồng bộ và hiệu quả các tiến bộ KHKT nên diện tích trong thời kỳ kinh doanh phát triển rất tốt với tỷ lệ đậu và chất lượng quả cao. Dự kiến trong niên vụ thu hoạch tới, nếu không bị dính đợt thiên tai vừa qua thì cả xóm Đại Đồng sẽ nô nức được mùa bưởi với tổng giá trị ước tính khoảng 9 tỷ đồng. Đây là năm đầu tiên xóm thu hoạch rộ các loại bưởi có giá trị kinh tế cao như bưởi diễn, bưởi đỏ, bưởi da xanh. Ấy vậy mà... Thiên tai xảy ra quá bất ngờ và bất khả kháng. Trong những ngày mưa bão vừa qua, nhiều hộ nông dân nơi đây chỉ còn biết xót xa nhìn vườn bưởi nhà mình bị gió lay quật mạnh, quả rụng đầy gốc đồng nghĩa với việc cả trăm triệu đồng tuột khỏi tầm tay.
Giờ đây, bão tan, mưa dứt, hàng nghìn quả bưởi rụng đầy vườn, quả mới rụng chất chồng lên quả đã thối. Theo hướng dẫn của cán bộ ngành nông nghiệp, bà con phải xử lý bằng cách thu gom thành đống đưa ra khỏi vườn, sau đó đào hố sâu dồn hết xuống, lấy vôi bột rắc đều nhiều lớp, rồi lấp đất kín và rắc tiếp vôi bột lên trên cùng để tránh nguồn bệnh lây lan. Hoặc trước khi lấp đất, bà con có thể dùng chế phẩm EM (hoặc Tricodema) phun đều lên đống bưởi hỏng, sau đó lấy nilon phủ kín lại. Nếu làm cách này, sau 2-3 tháng có thể mang ra dùng làm phân bón.
Cũng như xóm Đại Đồng, các xóm lân cận thuộc xã Ngọc Lương và một số vùng trồng cây có múi khác của huyện Yên Thủy cũng bị rơi vào tình cảnh tương tự. Thống kê sơ bộ, toàn huyện có khoảng 245 ha cây có múi bị ngập và thiệt hại nặng do mưa lớn, trong đó nhiều nhất là diện tích trồng bưởi với tỷ lệ rụng quả khoảng 30%. Ngoài ra, còn có 314 ha mía bị ngập, 155 ha lạc sắp đến kỳ thu hoạch bị úng nước gây thiệt hại trên 70% năng suất, tổng diện tích lúa, ngô và rau màu bị ngập khoảng 740 ha... Ước tính tổng thiệt hại về sản xuất nông nghiệp khoảng 30 tỷ đồng.
Người trồng bưởi xóm Đại Đồng (Ngọc Lương, Yên Thủy) gom hàng trăm quả bưởi rụng thành một đống để xử lý tiêu hủy đúng kỹ thuật, đảm bảo không phát sinh nấm bệnh cho cả vườn cây
Đồng chí Bùi Thị Thư, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Yên Thủy cho biết: Hiện nay, các xã, thị trấn đang tăng cường thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả, cố gắng vượt qua khó khăn để khôi phục sản xuất. Trong lĩnh vực trồng trọt, Phòng NN&PTNT đã cử cán bộ hướng dẫn cơ sở thực hiện các biện pháp cấp bách như tiêu thoát nước, thu dọn rác, phá váng, vun gốc, chăm sóc phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng... Riêng đối với những vườn cây ăn quả có múi đã xuất hiện nấm bệnh gây thối và rụng quả hàng loạt, cán bộ chuyên ngành đã bám sát cơ sở để hướng dẫn triển khai ngay các biện pháp xử lý nhằm sớm hồi phục vườn cây sau nước rút. Cụ thể, bà con nông dân đã khơi thông, thoát nước cho vườn cây. Sau đó, thu dọn tàn dư thực vật, rắc vôi vột mặt luống, đồng thời chủ động phòng trừ bệnh thối rễ do nấm bằng các loại nấm đối kháng, phun bổ sung các chất dinh dưỡng giúp cây tăng sức đề kháng, sớm phục hồi. Chúng tôi tin tưởng rằng với những biện pháp tích cực, bà con nông dân sẽ khôi phục được vườn cây, đảm bảo được chất lượng quả khi đến kỳ thu hoạch, từ đó có mức thu nhập xứng đáng để bù đắp lại những thiệt hại mà họ đã phải gánh chịu trong đợt mưa lũ vừa qua./.
Thu Trang
(HBĐT) - "Nước rút đến đâu, Trung tâm y tế (TTYT) huyện và các trạm y tế của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện triển khai công tác xử lý môi trường đến đó. Từ sự chủ động này đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo môi trường sống cho người dân sau lũ”, bác sỹ Nguyễn Văn Đang, Giám đốc TTYT huyện Lạc Thuỷ cho biết.