Đồng chí Bùi Văn Âu, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Hiện nay, xã Phú Lương còn 9/25 xóm chưa có đường dây điện 0,4 KV chạy qua. Từ khi có điện (năm 2002) đến nay, Phú Lương mới được xây dựng 5 trạm biến áp (bao gồm cả trạm biến áp xây dựng ở công trình cấp nước sạch sinh hoạt). Trong đó, 2 trạm được xây dựng gần đây nhất vào năm 2015 ở xóm éo và xóm Chuông. Những xóm còn lại để có điện sử dụng, bà con phải dùng cột tre tự kéo điện về. Điều đáng nói là, nhiều hộ dân phải kéo điện từ khoảng cách rất xa, điển hình như ở xóm Báy, xóm Yến trên 1,5 km hay ở xóm Chao, hộ kéo xa nhất lên tới 2 km. Với khoảng cách xa như vậy nên bà con đành chấp nhận sống chung với ánh điện đom đóm cũng như nơm nớp nỗi lo xảy ra tai nạn điện khi đường dây tự kéo "giăng bẫy” khắp nơi. "Là xã đông dân cư với 25 xóm, điện không đảm bảo đã cản trở nhiều đến phát triển kinh tế. Thông qua các hội nghị tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND các cấp, ĐBQH, chính quyền địa phương và cử tri, nhân dân đã kiến nghị nhiều lần nhưng chưa nhận được một câu trả lời cụ thể nào”, đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã cho hay.
Đường dây điện tự kéo với hàng chục cột tre xiêu vẹo tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn điện. ảnh chụp tại xóm Khải, xã Phú Lương (Lạc Sơn).
Trên tỉnh lộ 436, đoạn qua xóm Khải, xóm Cai, hình ảnh "bẫy điện” đã tồn tại suốt chục năm qua, nhất là ở khu đập Trướm (xóm Khải). Xóm Khải có 49 hộ dân, tất cả các hộ đều dùng cột tre để kéo điện về sử dụng. Trong đó, hộ gần nhất cũng phải trên 200 m, xa nhất khoảng 700 m. ở đập Trướm có một cột điện của đường dây 0,4 KV, tại đây lắp đặt các đồng hồ công tơ điện với hàng chục dây điện nối vào để kéo điện về nhà. "Cột này phục vụ cho xóm Khải và Cai, từ khi có điện đến giờ lúc nào cũng chi chít dây điện. Vì phải kéo xa nên điện rất yếu và chập chờn, không sử dụng được tủ lạnh, nhiều hộ chỉ đủ thắp sáng như đom đóm thôi”, ông Bùi Văn Hà, Trưởng xóm Khải cho biết.
Theo quan sát của chúng tôi, ở đập Trướm phải có trên 100 cột tre chạy tứ phía, với đường dây đan xen chằng chịt. Nhiều cột tre đã mục nát xiêu vẹo, nhiều cột phải "cõng” nhiều dây khác nhau. Trên bờ đập, nhiều đoạn dây điện chùng xuống thấp ngang với tầm ngực người lớn. "Hôm mưa lũ vừa rồi (ngày 11 - 12/11), nước dâng cao chạm vào đường dây điện, một người trong xóm đi đánh cá bị giật, rất may là không xảy ra tai nạn thương tâm. Còn bình thường thì cũng khổ lắm, một năm phải đôi lần thay cột, nhiều hộ cả chục năm nay không thay thế đường dây nên vỏ dây bị ô xi hóa, nếu cột bị đổ đứt dây ngay, thực sự rất nguy hiểm”, ông Hà cho biết thêm.
Ở xóm Cai, những đường dây điện tự kéo cũng nguy hiểm không kém, thậm chí có đoạn cột điện bị hỏng, bà con vắt dây điện lên bờ rào. "Nguy hiểm lắm, có hôm trâu đi qua mắc vào cả dây điện. Mình người trong xóm thì quen rồi nhưng người lạ đi qua hoặc say rượu mắc vào dây điện thì hậu quả khó lường. Chúng tôi mong muốn được ngành điện quan tâm, sớm đầu tư đường dây kiên cố để đảm bảo an toàn và sử dụng được các thiết bị điện phục vụ cuộc sống”, chị Quách Thị Diệu, xóm Cai chia sẻ.
Ông Bùi Văn Thủ, Trưởng xóm Cai cho biết: Xóm Cai có 50 hộ dân, do điều kiện kinh tế còn khó khăn nên các nhóm hộ dân góp tiền để mua chung đường dây kéo điện về nhà. Khoảng cách xa khiến điện bị hao phí, san sẻ nhiều nên mùa hè là quãng thời gian cực hình với bà con nơi đây. Thực trạng 5 - 6 hộ, thậm chí cả chục hộ dân dùng chung một công tơ điện đã tồn tại suốt nhiều năm qua tại xã Phú Lương. Là xã đông dân cư, kinh tế còn nhiều khó khăn, hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, trạm y tế, điện chưa được đầu tư đồng bộ. "Điện, đường chưa được đầu tư nhiều gây cản trở trong phát triển kinh tế của bà con”, ông Thủ bày tỏ.
Theo lãnh đạo UBND xã Phú Lương, vừa qua, đoàn công tác của Điện lực Lạc Sơn đã khảo sát thực trạng sử dụng điện ở xã. Theo đó, ngành điện có kế hoạch xây dựng cho xã 5 trạm biến áp mới. Đây thực sự là tin rất vui đối với bà con nơi đây, hy vọng ngành điện sớm triển khai thực hiện để người dân xã nghèo có nguồn điện đảm bảo và không phải nơm nớp nỗi lo "bẫy điện” đến từ đường dây tự kéo.