Những ngày đầu tháng 10/2017, trên địa bàn tỉnh xảy ra mưa lớn lịch sử. Lần đầu tiên thủy điện Hòa Bình mở 8 cửa xả đáy. Từng khối nước khổng lồ từ thượng nguồn đổ xuống, dòng sông Đà hiền hòa bỗng trở nên hung dữ. Phía hạ lưu, nước cuồn cuộn dâng cao, sóng lớn và những xoáy nước như muốn đánh sập, nhấn chìm từng mảng đất, đá xuống lòng sông. Tại nơi nguy hiểm ấy những cán bộ của Trạm khí tượng thủy văn Bến Ngọc vẫn lao vào dòng lũ dữ để đo đạc số liệu phục vụ cho công tác phòng - chống thiên tai. Một tiếng một lần, đều đặn bản tin dự báo thủy văn trên các hệ thống sông lớn được cập nhật về trung tâm và chuyển đến các cơ quan truyền thông.
ông Vũ Hồng Quân, Phó Đài khí tượng thủy văn tỉnh cho biết: Trên địa bàn tỉnh có 3 trạm thủy văn nằm ở các huyện và trên các hệ thống sông lớn. Các trạm này có nhiệm vụ quan trắc mực nước, lưu lượng nước để làm cơ sở dữ liệu cho công tác phòng - chống lũ lụt, giảm thiểu thiệt hại thiên tai. Trung bình, các quan trắc viên thực hiện đo 2 lần/ngày nhưng vào những ngày mưa lũ trung bình cứ 1 tiếng phải đo một lần. Càng mưa lũ lớn thì càng phải ra sông nhiều.
Cán bộ Trạm khí tượng thủy văn TP Hòa Bình ghi chép số liệu khí tượng.
Nếu cán bộ thủy văn gắn liền với những nguy hiểm trên sông nước thì cán bộ khí tượng gần như gắn bó cuộc đời mình với vùng núi, sâu, xa. Bởi do đặc thù của ngành khí tượng, một ca trực thường kéo dài 24 tiếng với những lần đi "ốp” vào các khung giờ cố định theo quy định nên với cán bộ ngành khí tượng thì trạm khí tượng là nhà, vườn khí tượng là nơi làm việc.
Chị Đinh Thị Hoa Lê, quê ở Phú Thọ với 15 năm gắn bó với Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Bắc và là Trưởng trạm Khí tượng thủy văn thành phố Hòa Bình chia sẻ: Công việc của nghề khí tượng vừa buồn lại vừa khắc nghiệt. Một ca trực kéo trọn 24 tiếng, mỗi lần đi "ốp” là ra vườn khí tượng ghi thông số về lượng mưa, hướng gió, độ ẩm từ các thiết bị rồi mã hóa dữ liệu và chuyển về Đài Khí tượng thủy văn tỉnh. Trước giờ quan trắc 30 phút, quan trắc viên phải kiểm tra máy quang ký, thêm nước cho ẩm kế, đồng thời phải nhận định và dự kiến mã hóa một số hạng mục quan trắc bằng mắt thường. Tiếp đó, quan trắc viên phải quan trắc gió, trạng thái mặt đất, nhiệt độ mặt đất, độ ẩm không khí. Đến đúng khung giờ quy định, nhân viên khí tượng đọc áp và tiến hành thảo mã điện để chuyển dữ liệu về trung tâm. Cứ như vậy, một ngày quan trắc viên phải đi ốp 4 lần vào các khung giờ: 1 giờ, 7 giờ, 13 giờ, 19 giờ. Riêng ở trạm thành phố Hòa Bình, mỗi một ngày, nhân viên quan trắc phải ốp 8 lần từ 1 giờ sáng, 4 giờ, 7 giờ, 10 giờ, 13 giờ, 16 giờ, 19 giờ, 22 giờ.
Trong đó, vất vả nhất là những ca làm đêm. Bởi theo các anh chị, mỗi một buổi đi ốp, nhanh cũng phải mất 30 phút đến 1 tiếng, nhưng thường bị mất ngủ cả đêm. Thời tiết thuận lợi không sao, những ngày mưa gió, giá rét thì vô cùng vất vả. Công việc khắc nghiệt như vậy nhưng với những cán bộ khí tượng dù mới vào nghề hay đã gắn bó lâu năm đều như một chiếc đồng hồ báo thức. Dù thời tiết thế nào, sức khỏe ra sao, mùa đông hay mùa hạ, đến giờ là các anh chị lại lấy sổ sách ra vườn khí tượng ghi chép số liệu.
Chị Đinh Thị Hoa Lê cho biết thêm: Do đặc điểm của ngành khí tượng, những số liệu này không phải để dành cho 1 tỉnh, một nước mà cho cả khu vực và thế giới. Đồng thời cũng là cơ sở để dự báo định hướng thời tiết cho 1 năm và nhiều năm sau. Vì vậy, tất cả cán bộ đều nỗ lực để đưa những thông tin chính xác nhất về trung tâm. Khi bản tin của mình kịp thời chuyển đến nhân dân, giúp đồng bào tránh được thiên tai thì anh em khí tượng thấy vui và hạnh phúc.
Có lẽ chính niềm hạnh phúc ấy mà với nhiều cán bộ khí tượng say với công việc "bắt mạch ông trời” không hề đơn giản. Lý giải điều này, ông Vũ Hồng Quân chia sẻ: Sau phần quan trắc là đến phần dự báo. Muốn dự báo được, cán bộ dự báo phải nắm được số liệu tổng hợp qua hàng chục năm. Sau đó, bằng các biện pháp phân tích, tổng hợp để đưa ra những nhận định dự báo tổng quan. Mỗi khi dự báo đúng, mình cảm thấy hạnh phúc, khi dự báo không chính xác mình trăn trở, thôi thúc phải tìm hiểu, nghiên cứu để lý giải, nhận định và chính điều đó là "ngọn lửa” giữ vững niềm say mê, nhiệt huyết với nghề. Cũng giống như thực hiện ước mơ vậy. Mơ ước lớn nhất của con người là chinh phục thiên nhiên, việc dự báo khí tượng để giảm thiểu rủi ro do thiên tai gây ra, ở một góc độ nào đó cũng chính là chinh phục thiên nhiên.
Đinh Hòa