Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kết luận cuộc họp.
Theo đơn vị tư vấn, nguyên nhân gây ra hiện tượng sạt trượt sườn đông đồi Ông Tượng là do khu vực sạt trượt nằm trên khối trượt cổ; khu vực có tầng phủ dày, có tính chất cơ lý yếu, đất đá dập có độ rỗng lớn, dễ thấm nước và bão hòa nước làm tăng trọng lượng bản thân và giảm khả năng chống trượt về khi bị bão hòa nước; xây dựng công trình hạ tầng ở chân đồi đã bạt đồi để lấy mặt bằng xây dựng, làm thay đổi trạng thái cân bằng tự nhiên của đất đá; biến đổi khí hậu năm 2017 trên địa bàn có mưa kéo dài đã làm đất, đá trong khu vực nghiên cứu bị bão hòa.
Đơn vị tư vấn đã đề xuất các phương án xử lý chống trượt. Thứ nhất là xử lý chống trượt bằng bạt mái giảm tải và cọc bê tông cốt thép; chống thấm nước từ bề mặt khoan phụt; thu nước ngầm bằng hệ thống giếng và rãnh ngầm; thu nước mặt bằng hệ thống mương bê tông cốt thép. Phương án 1 có mức kinh phí dự kiến khoảng 340 tỷ đồng. Phương án 2 dự kiến kinh phí khoảng 1.100 tỷ đồng bao gồm xử lý chống trượt bằng bạt mái giảm tải và neo cáp; chống thấm nước từ bề mặt bằng khoan phụt vữa xi măng và các khe nứt, phun vữa xi măng lưới thép phủ bề mặt, trồng cỏ tạo cảnh quan; thu nước ngầm bằng hệ thống giếng và rãnh ngầm; thu nước mặt bằng hệ thống mương bê tông cốt thép. Từ phân tích, đơn vị tư vấn đề xuất lựa chọn phương án 1 để xây dựng công trình vì có nhiều ưu điểm hơn phương án 2.
Tại cuộc họp, tổ chuyên gia, các sở, ngành liên quan cũng phân tích đề xuất các phương án xử lý khẩn trương trên cơ sở bảo đảm tính khoa học đánh giá kỹ hiện trạng, cùng các phương án xử lý sạt trượt đạt hiệu quả cao nhất. Các đại biểu cho rằng dù có triển khai theo phương án nào cũng phải hạn chế tối đa chi phí đồng thời vẫn đảm bảo an toàn tuyệt đối các công trình của Nhà nước cũng như của nhà dân dưới chân đồi Ông Tượng. Trên cơ sở các ý kiến đánh giá của các chuyên gia, các sở, ngành tại cuộc họp cơ bản thống nhất về chủ trương tiến thành đẩy nhanh các phần thi công các hạng mục xử lý sạt trượt song song với cho thi công tiếp khu nhà của HĐND tỉnh hiện đang tạm dừng.
Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng nguyên nhân chính làm phát sinh hiện tượng sạt trượt khu vực đồi Ông Tượng là do là vùng có khối trượt cổ, địa hình, địa chất yếu và không ổn định, nguyên nhân chủ quan do tác động của con người. Nhấn mạnh về triển khai các công việc trong thời gian tới, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị xử lý sạt trượt là nhiệm vụ cấp bách vì vậy đơn vị tư vấn trên cơ sở tham khảo ý kiến tổ chuyên gia và các ngành chức năng khẩn trương triển khai các phần việc tiếp theo, đánh giá đúng tình hình thực tế, có những biện pháp phù hợp, tiến hành ngay việc xử lý cấp bách chống sạt trượt sau khu vực các cơ quan của tỉnh, hoàn thành dứt điểm việc xử lý trước mùa mưa năm 2018.