Hệ thống xử lý rác thải của Trung tâm Y tế huyện Tân Lạc được đầu tư hiện đại, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Từ năm 1997, Trung tâm Y tế huyện Tân Lạc được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải lỏng bằng hóa chất và xử lý chất thải rắn bằng biện pháp đốt. Sau thời gian hoạt động, thiết bị cũ đã hư hỏng. Đến tháng 1/2017 theo quy hoạch của UBND tỉnh, Tân Lạc là trung tâm xử lý rác thải rắn theo cụm với 4 huyện: Tân Lạc, Mai Châu, Cao Phong và Lạc Sơn. Theo đó, hệ thống xử lý nước thải dùng hóa chất xử lý nước thải của trung tâm trước khi thải ra hòa cùng hệ thống nước thải sinh hoạt. Còn chất thải rắn nguy hại được xây dựng trong khuôn viên Trung tâm y tế xử lý cho cả cụm. Trên địa bàn tỉnh đã đầu tư xây dựng 3 cụm xử lý chất thải rắn nguy hại là: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Y tế huyện Tân Lạc, cụm Trung tâm Y tế huyện Lạc Thủy. Chất thải y tế nguy hại của một cụm cơ sở y tế được thu gom và xử lý chung tại hệ thống, thiết bị xử lý của một cơ sở trong cụm.
ông Bùi Văn Nới, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tân Lạc cho biết: Hiện nay, hệ thống đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng rất hiệu quả. Đối với chất thải lỏng sau khi được thu gom từ các khoa, phòng của Trung tâm y tế huyện dùng hóa chất xử lý rồi đưa vào hòa chung hệ thống nước thải sinh hoạt. Hệ thống này hoàn toàn tự động và được thường xuyên trắc nghiệm độ an toàn trước khi thải ra cùng chất lỏng sinh hoạt. Đối với chất thải rắn được thu gom và xử lý bằng công nghệ hấp ướp, cắt rồi chuyển vào rác thải sinh hoạt thông thường. Đây là một trong những công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới. Tuy nhiên, đến nay hệ thống xử lý chất thải rắn nguy hại mới đang xử lý cho Trung tâm Y tế huyện Tân Lạc. Đối với chất thải rắn của các trung tâm trong cụm và các trạm y tế xã vẫn chưa xử lý được. Nguyên nhân là do UBND tỉnh chưa có bảng giá vận chuyển cụ thể từ các trung tâm và các trạm đến Tân Lạc.
Cũng theo ông Bùi Văn Nới khi triển khai sẽ gặp nhiều vướng mắc bởi việc thu gom từ các trạm y tế xã ở các huyện sẽ khó khăn. Theo quy định, rác thải y tế chỉ để tối đa 2 ngày. Quãng đường xa, khối lượng ít, các trạm y tế sẽ phải chi trả công thu gom cao. Đối với các trạm y tế, nguồn thu rất ít, hầu hết dựa vào khoán kinh phí hoạt động cho các trạm trong định mức. Như vậy, nhiều trạm sẽ không có kinh phí để trả cho việc thu gom và xử lý rác thải, nhất là các trạm ở vùng sâu, vùng xa. Khi triển khai thu gom, trung tâm thành lập đội vận chuyển xử lý ban đầu khoảng 10 lao động có trình độ về xử lý vận chuyển rác thải, 2 ô tô chuyên dụng có thể đi được vùng sâu, vùng xa. Trung tâm tự chi trả lương, BHXH, vật tư, hóa chất, tiền điện… cho việc vận chuyển xử lý rác thải. Do đó, việc vận chuyển xử lý rác thải sẽ tốn kém, Trung tâm Y tế huyện khó kham nổi phải phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước.
V.L