Ngày 11/10/2017, do lượng mưa lớn, tại xóm Má, xã Cuối Hạ đã xảy ra sạt lở taluy dương làm đất, đá vùi lấp căn nhà của gia đình chị Quách Thị Giản, rất may không có người ở trong nhà. Ngay trong đêm hôm đó, nhân dân trong xóm cùng các lực lượng chức năng, dân quân tự vệ đã hỗ trợ gia đình di dời tài sản về nơi an toàn. Chị Giản cho biết: "Tích cóp nhiều năm trời mới xây dựng được căn nhà, vậy mà giờ đất, đá vùi lấp hết cả, tôi tiếc lắm. Tính dọn đất, đá để tiếp tục ở lại nhưng quá nguy hiểm bởi trên đồi còn nhiều vết nứt, một trận mưa nữa thì không chỉ nhà tôi mà những hộ liền kề cũng bị ảnh hưởng”. Hiện tại, gia đình chị Giản đang ở nhờ nhà người thân.
Gia đình chị Giản là 1 trong 7 hộ ở xóm Má thuộc diện di dời vì sạt lở. Là xóm bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt mưa lũ, nhiều nhà bị nứt chằng chịt, đổ tường, thậm chí có nhà bị đất, đá vùi lấp hoàn toàn. Hàng chục ha hoa màu, nhiều gia súc, gia cầm cũng bị lũ cuốn trôi khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều taluy âm tại một số đoạn đường ở xóm Má, Mư… có nguy cơ sạt lở, khiến việc đi lại tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Anh Quách Văn Thành, xóm Mư cho biết: "Sau lũ dữ, con đường liên xóm Mư - Má nhiều chỗ bị sạt lở nghiêm trọng, đi lại khó khăn. Có nơi phải bắc tạm tấm ván gỗ, chống chọc tre, ảnh hưởng nhiều đến việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, tiềm ẩn hiểm nguy cho trẻ em mỗi khi đến trường”. Hiện tại, xã Cuối Hạ có 25 hộ dân thuộc các xóm Má, Mư, Thượng, Vọ… được đưa vào diện cần phải di dời đến nơi ở mới.
Căn nhà của chị Quách Thị Giản, xóm Má (xã Cuối Hạ, huyện Kim Bôi) bị đất, đá vùi lấp trong đợt mưa lũ lịch sử tháng 10/2017.
Ông Quách Công Minh, Trưởng xóm Má cho biết: "Qua khảo sát thực địa một vài ngọn đồi trong xóm, chúng tôi đã phát hiện những vết nứt kéo dài, nguy cơ tiếp tục sạt lở rất cao, nhất là vào mùa mưa tới. Ngoài các hộ có nhà bị thiệt hại, nhiều hộ khác cũng đang sống trong sợ hãi vì hàng chục tấn đất, đá có nguy cơ ập xuống bất cứ lúc nào”.
Dù được chính quyền xã vận động chuyển đến nơi ở mới nhằm tránh khỏi vùng ảnh hưởng bởi sạt lở, tuy nhiên, hơn 4 tháng nay, nhiều gia đình vẫn phải ở nhà tạm hoặc ở nhờ nhà người thân. Hầu hết đều thuộc diện hộ nghèo, thu nhập thấp, do đó chủ động tìm kiếm mặt bằng, xây dựng nhà ở là việc làm quá sức đối với họ. Ngoài ra, việc chuyển chỗ ở dẫn đến phải xa đất sản xuất nên nhiều hộ còn e ngại.
Xây dựng khu tái định cư mới cho nhân dân vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai là việc làm cấp bách, ưu tiên hàng đầu của các cấp chính quyền. Đồng chí Bùi Thanh Chương, Chủ tịch UBND xã Cuối Hạ cho biết: "Xã đang khẩn trương rà soát quỹ đất, đề xuất phương án bố trí khu tái định cư với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Kim Bôi cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, mưa lũ; tích cực vận động người dân hiến đất, hỗ trợ sức người, sức của nhằm giúp các hộ tái định cư thuận lợi trong sản xuất, ổn định cuộc sống”.
Hoàng Anh
Hà Nội, sáng có mưa rào và dông; trời rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 13-16 độ.