Trong năm đầu tiên triển khai, dự án đã xây dựng 7 mô hình trình diễn tại 7 tỉnh (1 mô hình/tỉnh), gồm 2 mô hình nuôi cá tầm (quy mô 400 m3 lồng bè), 3 mô hình nuôi cá diêu hồng (quy mô 600 m3) và 2 mô hình nuôi cá lăng (quy mô 400 m3). Cùng với đó là các hoạt động đào tạo gắn với mô hình trình diễn, đào tạo nhân rộng ngoài mô hình, xúc tiến thương mại, thông tin tuyên truyền...
Tại tỉnh ta, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã lựa chọn xã Thái Thịnh (TP Hòa Bình) là địa điểm triển khai mô hình nuôi cá tầm, bởi nơi đây đáp ứng đầy đủ các điều kiện về diện tích hồ chứa, nhiệt độ môi trường nước, nguồn nước, độ sâu. Đặc biệt, các hộ được chọn tham gia mô hình ở Thái Thịnh có đủ cơ sở vật chất như hệ thống lồng bè chắc chắn, khung lồng được làm bằng sắt hoặc bằng ống kẽm # 34 - 42mm, lồng nuôi được thiết kế bằng lưới sợi PE với các kích cỡ mắt lưới khác nhau phù hợp với cỡ cá, độ sâu của lồng lưới từ 4 - 8 m, lồng nuôi có thể di chuyển trên hồ khi cần thiết, được đặt ở những nơi eo ngách, kín gió, ít bị ảnh hưởng bởi gió bão và nắng nóng.
Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông tỉnh: Việc triển khai mô hình nuôi cá tầm trong lồng bè trên sông Đà phù hợp với điều kiện sinh thái, khả năng đầu tư và tập quán sản xuất của người dân xã Thái Thịnh nói riêng cũng như các xã vùng ven lòng hồ thủy điện sông Đà nói chung. Sau 1 năm thực hiện mô hình trình diễn, trọng lượng bình quân của cá tầm nuôi lồng bè đạt 1 - 1,2 kg/con, tỷ lệ sống đạt khoảng 72%. Đây là kết quả đáng ghi nhận vì trong thời gian triển khai mô hình, các đợt mưa lũ thời điểm từ tháng 6 - 11/2017 đã gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng nước khu vực hồ chứa sông Đà, từ đó làm giảm chất lượng và tỷ lệ sống của đàn cá tầm nuôi trong lồng bè.
Năm 2017, mô hình nuôi cá tầm trong lồng bè đảm bảo ATTP được triển khai khá hiệu quả trên địa bàn xã Thái Thịnh (TP Hòa Bình), hứa hẹn khả năng nhân rộng trong thời gian tới.
Tuy không đạt kết quả như kỳ vọng nhưng năm đầu tiên triển khai dự án đã mang lại những bài học kinh nghiệm sâu sắc, giúp Hòa Bình cũng như 6 địa phương còn lại tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện trong 2 năm 2018 - 2019. Đồng chí Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia trao đổi: Qua 1 năm triển khai dự án, chúng tôi đã rút ra những giải pháp căn cơ để khắc phục khó khăn, nâng cao hiệu quả thực hiện các mô hình trình diễn. Điển hình như việc thả cá đúng thời vụ, chọn đúng đối tượng, kích cỡ quy định sẽ giúp tăng tỷ lệ sống, tốc độ cá sinh trưởng nhanh hơn, hiệu quả kinh tế cao hơn. Hoặc đáng lưu ý là các tỉnh miền Bắc thường xảy ra mưa lũ vào thời điểm tháng 6 – 10 hàng năm và mùa đông kéo dài. Vì vậy, các hộ có thể tiến hành thu hoạch sớm để hạn chế rủi ro. Cùng với đó là những vấn đề quan trọng khác như chất lượng cá giống, kiểm soát dịch bệnh trên đàn cá nuôi, lựa chọn thời điểm xuất bán, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, hình thành các chuỗi liên kết... Đó là những yếu tố quan trọng chi phối hiệu quả kinh tế của các mô hình nuôi lồng bè cá tầm, cá lăng, cá diêu hồng đảm bảo ATTP. Đây là mô hình mới nhưng quá trình thực hiện bước đầu cho thấy mức độ phù hợp, hứa hẹn sẽ được nhân rộng và phát triển bền vững tại các tỉnh miền núi phía Bắc trong đó có Hòa Bình.
Được biết, trước khi thực hiện dự án này, từ năm 2013 – 2015, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã thực hiện thành công các mô hình nuôi cá lồng bè trên sông, thuộc dự án khuyến ngư "Xây dựng mô hình nuôi cá lồng hồ chứa cá tầm, cá lăng, cá diêu hồng” do Trung tâm Khuyến nông quốc gia hỗ trợ kinh phí. Cụ thể: Năm 2013 thực hiện mô hình nuôi cá lăng với quy mô 100 m3 lồng nuôi. Năm 2014 thực hiện mô hình nuôi cá diêu hồng với quy mô 100 m3. Năm 2015, thực hiện mô hình nuôi cá tầm với quy mô 100m3. Trong 2 năm 2015 - 2016, thực hiện mô hình nuôi cá trắm đen. Năm 2017 tiếp tục thực hiện mô hình nuôi cá tầm.
Song song với việc triển khai các mô hình trình diễn theo hướng sản xuất đảm bảo ATTP, Trung tâm Khuyến nông thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, dạy nghề về kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh trong nuôi cá lồng bè cho hàng trăm lượt hộ trên địa bàn tỉnh. Từ thành công của các mô hình trình diễn, từ năm 2013 đến nay, các đối tượng nuôi là cá tầm, cá lăng, cá diêu hồng đã mở rộng ra hầu khắp các địa phương trong tỉnh với hàng trăm hộ nuôi và mang lại giá trị kinh tế cao. Nếu như trước đây, việc nuôi cá lồng bè chủ yếu là nuôi cá truyền thống, trong đó cá trắm cỏ là chính thì đến nay, thành phần loài nuôi đa dạng với nhiều loài cá có giá trị kinh tế cao như lăng, chiên, tầm, trắm đen, diêu hồng…
Trước năm 2013, ở Hòa Bình hầu như không có hộ nào nuôi cá lăng đuôi đỏ và cá tầm thì tới nay đã phát triển tới hàng trăm lồng nuôi. Thống kê từ năm 2013 trở về trước, toàn tỉnh chỉ có 1.250 lồng nuôi trong đó còn không ít lồng làm bằng tre, gỗ có mức đầu tư thấp và độ bền kém. Đến cuối năm 2017, toàn tỉnh đã có 4.050 lồng nuôi cá. Đa số các lồng được làm bằng khung sắt, phao phuy và lưới có độ bền chắc, cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Có thể nói, thành công bước đầu của các mô hình trình diễn đã tạo thêm niềm tin, động lực cho người nuôi cá lồng bè tại các xã ven sông như: Thái Thịnh, Thung Nai, Vầy Nưa, Tiền Phong... Giúp họ tự tin hơn trong việc đầu tư và chuyển nuôi những đối tượng nuôi mới có tiềm năng, giá trị kinh tế cao, qua đó góp phần xóa đói, giảm nghèo, từng bước tiến tới làm giàu bằng nghề nuôi cá lồng bè trên sông và hồ chứa.
Thu Trang
Hà Nội, sáng có mưa rào và dông; trời rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 13-16 độ.