(HBĐT) - Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã hoàn thành kế hoạch gieo cấy lúa vụ xuân 2018 với tổng diện tích trên 15.380 ha (vượt kế hoạch 2,57%). Tuy nhiên, diện tích gieo trồng một số loại cây màu như ngô, sắn, rau đậu... còn hạn chế, đòi hỏi từ nay đến cuối tháng 3/2018 cần đẩy nhanh tiến độ mới có thể hoàn thành kế hoạch trong khung thời vụ.

 


Sau khi gieo trồng đảm bảo lịch thời vụ, người dân xóm Nam Thượng, xã Nam Thượng (Kim Bôi) tập trung chăm sóc, giúp các loại cây rau đậu sinh trưởng phát triển tốt.

Theo Sở NN&PTNT, cùng với việc đảm bảo tiến độ sản xuất, các địa phương cần tập trung chăm sóc cho cây trồng vụ xuân có điều kiện sinh trưởng, phát triển tốt, đề phòng những diễn biến không thuận lợi của thời tiết sắp tới.

 So với các địa phương khác trong tỉnh, huyện Lạc Sơn khởi động kế hoạch sản xuất vụ xuân 2018 muộn hơn, tiến độ sản xuất cũng chậm hơn. Nhưng đến đầu tháng 3/2018, huyện đã cơ bản hoàn thành kế hoạch gieo cấy lúa với tổng diện tích gần 3.400 ha, đảm bảo khung thời vụ tốt cho cây lúa. Sau khi cấy xong, bà con nông dân được khuyến nông viên cơ sở hướng dẫn triển khai ngay các biện pháp chăm sóc, bón phân giúp cây lúa đẻ nhánh sớm và tập trung. Riêng đối với các diện tích lúa đang hồi xanh và bắt đầu đẻ nhánh, bà con được hướng dẫn bón thúc đúng thời điểm để tăng hiệu lực của phân bón, bón đầy đủ và cân đối giữa các loại phân N, P, K theo quy trình kỹ thuật, giữa phân đa lượng và vi lượng, đồng thời bón nặng đầu, nhẹ cuối, bón lót sâu để hạn chế rửa trôi và bay hơi. Qua kiểm tra đồng ruộng cho thấy, một số diện tích lúa cấy bị nghẹt rễ đã được xử lý kịp thời bằng các biện pháp canh tác như điều tiết nước, làm cỏ, sục bùn, kết hợp với bón thúc sớm, bón bổ sung phân lân supe hoặc phân hữu cơ khoáng, kết hợp với phân vi lượng và phân bón lá.

Đồng chí Bùi Văn Khánh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lạc Sơn cho biết: Theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, bà con nông dân các xã, thị trấn đang tăng cường kiểm tra đồng ruộng để phát hiện sớm các ổ dịch hại và xử lý kịp thời. Trong vụ xuân năm nay, huyện Lạc Sơn sẽ đặc biệt chú ý phòng trừ bệnh lùn sọc đen Phương Nam và bệnh đạo ôn hại lúa. Ngoài ra cũng chú ý diệt trừ các đối tượng ốc bươu vàng, chuột, tập đoàn rầy từ sớm để chủ động chặn nguồn phát sinh, lây bệnh sau này.

Thống kê đến ngày 20/3, toàn tỉnh đã hoàn thành vượt 2,57% kế hoạch gieo cấy lúa với tổng diện tích trên 15.380 ha. Hiện nay, lúa trà muộn đang đẻ nhánh rộ. Đây là thời kỳ cây lúa cần được bón thúc để tăng sức đề kháng với sâu bệnh cũng như có đà tăng trưởng tốt hơn cho giai đoạn tiếp theo. Còn về tiến độ gieo trồng các loại cây màu. Đến nay, cây ngô mới gieo trồng được khoảng 11.970 ha (59% kế hoạch), sắn 3.500 ha (42% kế hoạch), rau các loại 4.086 ha (đạt 83,2% kế hoạch), mía 4.956 ha (58% kế hoạch)… Tiến độ này đang chậm so với kế hoạch đề ra, đòi hỏi các địa phương phải đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành gieo trồng trong thời gian từ nay đến cuối tháng 3/2018.

 Cùng với việc đảm bảo tiến độ sản xuất, các địa phương cần tập trung thực hiện các biện pháp chăm sóc đối với cây trồng vụ xuân. Về nội dung này, Sở NN&PTNT vừa ban hành Công văn số 273/SNN-TT&BVTV gửi UBND các huyện, thành phố. Theo đó, để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn chế thấp nhất tác động bất thuận của thời tiết và dịch hại trên cây trồng, Sở NN&PTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo sản xuất đối với cây trồng vụ xuân. Trong đó, đối với các cây trồng cạn, Sở NN&PTNT khuyến cáo sau khi gieo trồng xong cần tiến hành chăm sóc, tỉa dặm, bón phân đầy đủ, cân đối theo yêu cầu của từng nhóm cây giúp cây sinh trưởng phát triển tốt. Chú ý các đối tượng sâu bệnh hại chính như: sâu xám, sâu xanh bướm trắng, bọ nhảy, sâu cuốn lá, bệnh héo xanh, bệnh sương mai… Đối với cây ăn quả, do thời tiết hiện nay đang thuận lợi cho cây phát triển lộc, ra hoa, đậu quả và phát triển quả non. Chính vì vậy, cần áp dụng tốt các biện pháp chăm sóc, công tác BVTV cần tuân thủ theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Riêng đối với diện tích thời kỳ kinh doanh, cần đẩy mạnh công tác chứng nhận ATTP, VietGAP cho những diện tích sản xuất tập trung, nằm trong quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt. Đồng thời chú trọng áp dụng các biện pháp thâm canh bền vững, thực hiện tốt các quy định về môi trường trong sử dụng phân bón, hóa chất và xử lý chất thải nông nghiệp.

Đặc biệt, Sở NN&PTNT đề nghị các địa phương phát huy tốt vai trò của đội ngũ khuyến nông viên cơ sở, các CLB khuyến nông, các tổ dịch vụ BVTV trong việc hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên lúa và các cây rau màu. Trong trường hợp sâu, bệnh có nguy cơ bùng phát, cần huy động nguồn nhân lực tại chỗ, hỗ trợ vật tư, phương tiện để tổ chức dập tắt kịp thời, tuyệt đối không để lây lan diện rộng./.

 


                                                                                 Thu Trang

 


 

Các tin khác


Khởi công xây dựng cầu Dồng - Cài xã Chí Thiện theo chương trình “Cầu nối yêu thương”

(HBĐT) - Ngày 15/3 Công ty cổ phần nhựa thiếu niên Tiền Phong đã tổ chức lễ khởi công xây dựng công trình cầu Dồng - Cài thuộc xã Chí Thiện (huyện Lạc Sơn).

Kết luận thanh tra toàn diện Dự án Mobifone mua 95% cổ phần của AVG

Ngày 14-3, Thanh tra Chính phủ đã có Thông báo Kết luận số 356/TB-TTCP về việc Kết luận thanh tra toàn diện Dự án Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG).

Nhân rộng mô hình nuôi cá trong lồng bè đảm bảo an toàn thực phẩm

(HBĐT) - Hòa Bình là 1 trong 7 tỉnh miền núi phía Bắc cùng thực hiện dự án "Xây dựng mô hình nuôi cá tầm, cá lăng, cá diêu hồng trong lồng bè đảm bảo ATTP tại một số tỉnh miền núi phía Bắc” giai đoạn 2017 - 2019 do Bộ NN&PTNT phê duyệt, Trung tâm Khuyến nông quốc gia chủ trì thực hiện. Dự án nhằm phát triển bền vững nghề nuôi cá lồng trên sông, hồ chứa tại các tỉnh thực hiện. Chính vì thế, đối với tỉnh ta - địa phương được đánh giá có nhiều lợi thế để phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông, quá trình triển khai dự án đã mang lại những bài học kinh nghiệm sâu sắc để trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục nhân rộng các mô hình nuôi cá trong lồng bè đảm bảo ATTP.

Mong cơ quan chức năng sớm phá dỡ đá để dựng nhà

(HBĐT) - Một tảng đá lớn sạt lở xuống khiến ngôi nhà bị đổ sập, nhiều tài sản khác của gia đình ông Bùi Văn Bựng, xóm Bưng, xã Quy Hậu (Tân Lạc) hư hỏng. Đến nay, sau 1 tháng xảy ra sự việc, gia đình ông Bựng vẫn phải sống trong căn nhà tạm vì nguy cơ sạt lở đá vẫn hiện hữu.

Nhân rộng mô hình “Công dân tham gia giám sát trong quản lý và sử dụng đất”

(HBĐT) - Ngày 13/3, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức hội thảo nhân rộng mô hình "Công dân tham gia giám sát trong quản lý và sử dụng đất” với sự tham dự của đại diện MTTQ Việt Nam tỉnh, một số sở, ngành liên quan và đại diện Hội nông dân các huyện, thành phố, xã Yên Bồng (Lạc Thủy).

Mùa xuân là Tết trồng cây

(HBĐT) - Để tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp về "Tết trồng cây”, UBND tỉnh đã có Chỉ thị số 01/CT-UBND về việc tổ chức "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” xuân Mậu Tuất 2018. Các huyện, thành phố đã phát động Tết trồng cây khởi động cho mùa trồng rừng mới. UBND tỉnh giao cho các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể, bố trí kinh phí và tổ chức thực hiện; phấn đấu Tết trồng cây xuân Mậu Tuất, toàn tỉnh trồng 22 vạn cây phân tán và cây ăn quả các loại. Đến thời điểm hiện tại, các huyện, thành phố đã trồng cây phân tán được 180.580 cây các loại. Đây được xem như khởi đầu tốt đẹp để tỉnh ta hoàn thành kế hoạch trồng rừng năm nay.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục